02:20 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cảnh báo mạo danh công an gọi điện qua Zalo để chiếm đoạt tài sản

11:30 13/04/2023

(THPL) - Các đối tượng mạo danh công an yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích lấy định danh tài khoản. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo.

Mới đây, một người dân tại Hà Nội đăng trên tài khoản Facebook cá nhân tên Đ.H.V về câu chuyện một "chị công an" gọi điện để hỗ trợ, báo án liên quan đến trường hợp sử dụng số điện thoại kêu gọi từ thiện nhưng chiếm đoạt cho mục đích khác. Người mạo danh lực lượng chức năng gọi điện bằng video qua ứng dụng Zalo và yêu cầu "nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải" trong quá trình gọi.

Trước vụ việc trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khác những lần giả dạng công an trước đây từng xảy ra là lừa tiền trực tiếp, hoặc có cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng, lần này các đối tượng yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích định danh tài khoản.

Hiện nay, với sự phát triển nhanh của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online. Các chuyên gia ngân hàng chỉ rõ, nếu người dân đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết là cần phải có 1 bước gọi là KYC - định danh cá nhân để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống. Điều này cũng trùng khớp với yêu cầu mà đối tượng tự xưng là nữ cán bộ công an yêu cầu tài khoản Đ.H.V gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải.

Hình ảnh mạo danh công an gọi điện Zalo để lừa đảo. Ảnh: Công an Bắc Giang

Theo cơ quan chức năng, trong trường hợp này, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình nếu có.

Đáng chú ý, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu... Lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, cơ quan công an không làm việc online, không làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở cơ quan.

Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang cũng có cảnh báo tới người dân về việc lừa kích hoạt định danh tài khoản ngân hàng. Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến các hình thức lừa đảo, mới đây, Cục Thuế TP.HCM cũng phát đi thông báo về các trường hợp mạo danh nhân viên của cơ quan, gọi điện qua Zalo để yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng khai báo thuế trên thiết bị di động, qua đó âm thầm đánh cắp thông tin.

Cạnh đó, hình thức lừa đảo tiền cọc của nạn nhân dưới danh nghĩa các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp nước ngoài đã có thêm biến tướng khi gần đây kẻ gian lợi dụng nhiều thương hiệu của các hãng bán lẻ di động lớn trên cả nước để "tuyển người đi làm thời vụ" với mức thu nhập hấp dẫn, có thể lên tới 400.000 đồng/giờ. Những kẻ đứng sau tạo các fanpage giả mạo tên thương hiệu hoặc KOL (người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng, được biết tới) trên mạng xã hội Facebook, sau đó chạy quảng cáo tuyển cộng tác viên làm tại nhà.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu