21:11 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp

Tuấn Nguyễn | 15:41 05/11/2024

(THPL) - Trong bối cảnh doanh nghiệp ra sức đầu tư nguồn lực vào các dự án hợp tác công tư (PPP) theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, những hành vi cản trở, nhũng nhiễu trong môi trường báo chí là biểu hiện của tình trạng lãng phí nguồn lực.

Bài viết “Chống lãng phí” mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự nguy hại của lãng phí, khẳng định lãng phí gây ra suy giảm nguồn lực con người và tài chính, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thông tin tiêu cực gây lãng phí nguồn lực tư nhân phát triển hạ tầng giao thông

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diễn ra ngày 21/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hơn 100 nghìn tỷ đồng để triển khai xây dựng các dự án lớn, rất lớn trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đường cao tốc.

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn, chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã cần hơn 2 triệu tỷ đồng, trong khi Ngân sách Nhà nước dự kiến hơn 1 triệu tỷ đồng, như vậy còn hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải huy động từ nguồn lực xã hội. Nếu tính cả đường sắt cao tốc và dự án đường tiêu chuẩn thì cần khoảng thêm 3 triệu tỷ đồng, trong đó riêng đường sắt tốc độ cao đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng. 

Trước thực tế cần nguồn lực xã hội hóa rất lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư để phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.

Nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiếu hụt từ nguồn vốn nhà nước.
Nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiếu hụt từ nguồn vốn nhà nước.

Đầu năm 2021, Quốc hội đã ban hành Luật PPP nhằm thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn, qua đó giảm gánh nặng cho các khoản nợ công và chính sách tài khóa của quốc gia. Nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiếu hụt từ nguồn vốn nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải, tính đến trước thời điểm Luật PPP ban hành, cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT. Các dự án PPP giao thông khi đưa vào khai thác đã chứng minh được mức độ hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế...

Tuy nhiên thời gian qua, đã có không ít các cơ quan báo chí, trang tin không chính thống đưa tin thiếu tính chất xây dựng về các doanh nghiệp và các dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Xu hướng này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mà còn tác động xấu đến uy tín các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cụ thể, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đầu tư các dự án giao thông khi tới kỳ công bố báo cáo tài chính đã trở thành mục tiêu bị gán cho những cụm từ như “vỡ phương án tài chính”, “gánh lỗ nghìn tỷ”,… Đáng lưu ý, một số tác giả cố tình hướng ngòi bút vào các khoản vay huy động vốn của các dự án giao thông BOT, BT dẫn dắt độc giả quan ngại và nhìn nhận tiêu cực về “tình hình sức khỏe” của doanh nghiệp.

Bình luận về vấn đề này, ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV của Kiểm toán Nhà nước, cho rằng việc một số trang tin lợi dụng việc công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp để viết bài theo xu hướng tiêu cực, thiếu tính xây dựng, gây dư luận xấu là không phù hợp với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Ông Ngô Văn Quý bày tỏ: “Các thông tin sai lệch này làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, đổ dồn áp lực lên doanh nghiệp trong nước, cản trở và gây lãng phí nguồn lực tư nhân tham gia phát triển đất nước”.

Cần phát huy vai trò báo chí đồng hành với doanh nghiệp

Tại diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, tổ chức ngày 24/10 vừa qua, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Tại diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: Mai Bình
Tại diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: Mai Bình

Đại diện VCCI cho rằng, ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng.

Tại diễn đàn này, ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo cho biết trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện.

Ông Lê Quốc Minh nhận định, vẫn còn tình trạng Báo chí chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vẫn có tình trạng báo chí gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp, còn những đơn vị báo chí gây ra những "bê bối" phải xử lý nghiêm.

Trong bối cảnh nền báo chí Cách mạng Việt Nam đang dần chuyển sang xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, việc lạm dụng đưa tin mang tính định hướng, một chiều, thiếu tính chất xây dựng sẽ gây suy giảm niềm tin của công chúng vào các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

  

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Mai Bình.
 

Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, một số nhà báo hiện nay lợi dụng danh nghĩa báo chí để nhũng nhiễu, gây áp lực và trục lợi từ doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp có cái nhìn thiếu thiện cảm về báo chí. Đây chính là biểu hiện đáng buồn, đáng xấu hổ của sự làm nghề không tử tế.

"Đạo đức báo chí đòi hỏi nhà báo phải chính trực, ngòi bút phải chính trực, khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Không được bẻ cong ngòi bút để vụ lợi", nhà báo Hồ Quang Lợi chỉ ra.

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nói cụ thể, báo chí muốn phản ánh doanh nghiệp thì phải hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu thực chất tình hình của doanh nghiệp. Tránh chuyện không tìm hiểu một cách thấu đáo, hoặc thông tin một chiều, không khách quan.

Ở phía ngược lại, doanh nghiệp cũng phải hiểu báo chí, cung cấp cho báo chí những thông tin chính xác, tin cậy. Do đó, hai bên cần hiểu rõ nhu cầu của nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu của báo chí và doanh nghiệp cũng là mục tiêu chung, đó là làm sao để phát triển kinh tế và báo chí cũng phải góp phần vào nhiệm vụ đó, giúp doanh nghiệp phát triển.

“Báo chí vẫn có thể nêu những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp nhưng với tinh thần tháo gỡ, xây dựng chứ không phải là kiếm chuyện hay moi móc”, ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, yêu cầu các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, phản ánh khách quan… theo tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Tuấn Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu