14:13 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 9

Tú Anh (Tổng hợp) | 10:16 24/11/2018

(THPL) - Trước thông tin dự báo về cơn bão số 9, nhiều địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão.

Theo báo Người lao động, ngày 23/11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, đã ký công điện khẩn yêu cầu các sở ngành và quận huyện tập trung ứng phó cơn bão số 9. Theo đó, các đơn vị tập trung hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp… và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, thành phố yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết.

Lãnh đạo TP HCM cũng yêu cầu huyện Cần Giờ và Nhà Bè di dời các hộ dân có nhà cửa đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 12h ngày 24/11. Các địa phương phải chủ động thu hoạch và bảo vệ khu nuôi trồng thủy hải sản, thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại với lồng bè hải sản, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu bè, chòi canh khi bão đổ bộ.

Lực lượng quân đội giúp người dân đảo Phú Quý neo đậu tàu thuyền tránh bão Ảnh: Việt Khánh/báo Người lao động

Tối 23/11, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết các lực lượng chức năng đang di dời dân. Phương án di dời được thực hiện tại chỗ, người dân được đưa đến những nơi kiên cố như trường học, công sở. Đối với xã đảo Thạnh An, lực lượng công an và quân sự đã có mặt để hỗ trợ dân và bảo đảm an ninh, trật tự cũng như ứng phó sự cố. Lệnh cấm biển đã được huyện thực hiện từ 13h cùng ngày; tàu thuyền, đò ngang không được phép hoạt động, trừ phà Bình Khánh.

UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Vũng Tàu đã họp khẩn với các phòng ban, đơn vị, đoàn thể, phường xã nhằm triển khai phương án ứng phó với bão số 9. TP Vũng Tàu dự kiến sẽ sơ tán 1.250 người dân đến 10 địa điểm tập trung.

Từ chiều 23/11, TP Vũng Tàu cấm người dân và du khách tắm biển, kêu gọi neo đậu tàu thuyền, các nhà hàng nổi trên sông không được đón khách, không tổ chức ăn uống trên các bè. Trong khi đó, tại huyện Đất Đỏ, UBND thị trấn Phước Hải đã phát loa và đến tận vùng dân cư dọc bờ biển vận động người dân dùng bao cát chằng mái nhà, kêu gọi hàng trăm ngư dân đánh bắt bằng thuyền thúng gấp rút quay vào bờ. Chính quyền thị trấn thuê xe cẩu giúp người dân đưa hơn 300 thuyền lên bờ kè. Hơn 3.000 dân sẽ được di dời đến nơi tránh trú.

Các tàu du lịch ở Nha Trang được đưa về khu vực gần chân cầu Bình Tân tránh bão. Ảnh: Nguyễn Chung/báo Thanh niên

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết bảo đảm tính mạng con người là trên hết nên các địa phương phải chú trọng di dời dân đến nơi an toàn. Đến 12h ngày 24/11, tỉnh này tạm thời không đón khách du lịch và các địa điểm du lịch không được tổ chức ăn uống.

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn gần 1.000 tàu cá đang hoạt động trên biển. Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo tình hình và yêu cầu các tàu khẩn trương về bờ, tìm nơi tránh trú. Trước đó, tỉnh này cũng cấm tàu cá ra khơi từ đêm 22/11 và thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 24/11.

Trong ngày 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng có công điện khẩn yêu cầu toàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Yêu cầu sở ngành và các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra…

Theo báo Thanh niên, ngày 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký công điện khẩn, gửi các địa phương, các sở ban ngành về công tác ứng phó với bão số 9.

Theo đó, kêu gọi tàu, thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú an toàn; thông báo cho tàu du lịch và các phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 12h trưa 23/11. Đối với các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16h ngày 23/11 cho đến khi hết bão.

Xe cẩu đưa thúng của ngư dân ven biển Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu) lên bờ tránh bão số 9. Ảnh: Nguyễn Long/báo Thanh niên

Việc sơ tán, di dời dân đối với các hộ tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn... phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 23/11. Từ chiều 23 đến hết ngày 25/11, học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa nghỉ học.

Ngày 23/11, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ký công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương trong tỉnh không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển kể từ 10h cùng ngày; khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu; sơ tán dân đến nơi an toàn... Tất cả công việc phải hoàn thành trước 17h ngày 24/11.

Chiều 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến kiểm tra việc phòng chống bão số 9 tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong). Ông Hai yêu cầu các nhà máy phải cảnh giác, có từng phương án cụ thể để bảo vệ tài sản của nhà nước vì Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trị giá hàng tỷ USD.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, đến chiều qua các hồ chứa trên địa bàn có mực nước đều rất thấp. Toàn tỉnh chỉ còn 83 tàu thuyền ngoài khơi, trong đó 79 tàu đang vào bờ trú ẩn. Ông Hai đã phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, cấm người dân không được ở trên các lồng bè cá ngoài biển. Ngày 24/11, học sinh các cấp được nghỉ học (riêng học sinh Phú Quý nghỉ từ chiều 23/11). Lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn phương tiện cứu hộ, trực quân số 100% để chống bão số 9...

Tú Anh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu