12:23 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bốn mảnh đời chung hoàn cảnh éo le ngày Vu Lan báo hiếu

16:27 30/08/2022

(THPL) - Mỗi câu chuyện chúng tôi gặp gắn với một cuộc đời rất riêng, một lát cắt nhỏ với những hình khối không giống nhau. Nhưng khi ta cẩn thận ghép từng lát cắt nhỏ ấy lại với nhau sẽ trở thành một bức tranh nhiều màu sắc trong ngày Vu Lan báo hiếu.

Chính nhờ có sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, họ đã ​kiên cường đi qua đau thương, xé bóng tối dày đặc trong cuộc đời, tự tin vươn mình chào đón những tia nắng ấm áp của cuộc sống.

Họ là ai? Mang cho mình một cuộc đời không giống ai, họ là những người bị xã hội khoác lên bằng những cái tên khiến chỉ nghe thôi cũng thấy chạnh lòng hoặc nổi da gà. Đó là những con “hủi” có khả năng lây nhiễm với tốc độ chóng mặt và không có khả năng để kháng cự. Là những em nhỏ đang từng ngày phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của chất độc da cam/dioxin từ chiến tranh để lại…

Mảnh ghép gam màu tối:  Con “hủi” báo hiếu

Nếu như nhà thơ Hàn Mặc Tử, một con “hủi” đã từng để lại cho đời những câu thơ như “máu trào ra đầu ngọn bút” thì bà Các, bà Trọng sẽ cho  chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn tình mẫu tử.

Kể từ ngày phát bệnh phong, 66 năm qua bà Hoàng Thị Các (sinh năm 1935, huyện Yên Phong) chưa từng bước chân ra khỏi trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh).

Cặp mắt long lanh trước kia của bà Các cũng khép lại nhường chỗ cho bóng tối bao trùm suốt cả cuộc đời

Bệnh phong theo thời gian đã bào mòn đi cả thể xác và tinh thần, món quà vô giá mà tạo hoá đã ban tặng cho người phụ nữ ấy. 22 tuổi, sự giày vò cả về tinh thần lẫn thể xác cứ thế đeo bám lấy bà Các từ ngày này qua ngày khác. Người đời gọi bà là con “hủi” với đôi tay, đôi chân chẳng lành lặn, cặp mắt long lanh trước kia cũng khép lại nhường chỗ cho bóng tối bao trùm suốt cả cuộc đời.

Hai ngôi mộ khang trang được xây mới với tổng số tiền là 36 triệu đồng, là di nguyện cuối đời của bà Các cũng vừa được hoàn thành. Đây là tất cả tấm lòng của bà Các đã dành dụm, chắt chiu hơn 6 thập kỷ ở thế giới “phong” thu nhỏ để tỏ lòng báo hiếu.

“Còn trẻ thì bị người đời đàm tiếu vì đẻ ra con “hủi”, đến khi chết cũng chẳng được nhờ con nên tôi làm vậy cho có hiếu, phải đạo chứ không cần phải đến ngày Vu Lan”, bà Các bày tỏ.

Trong trại phong gian khó, bà Các cũng đã từng nên duyên vợ chồng và có một cậu con trai. Nhưng mỗi khi nhắc tới con cái, đôi mắt bà Các lại rưng rưng nghẹn ngào: “Con trai bạc lắm, hơn 20 năm nay nó không đến thăm tôi nữa”. Đằng sau câu nói ấy là sự day dứt, đau đớn của người mẹ bị chính con trai của mình chửi bới bằng lời lẽ cay nghiệt “bà đẻ ra tôi, có nuôi tôi ngày nào mà làm mẹ”.

Kém may mắn hơn bà Các, lên 7 tuổi bà Đỗ Thị Trọng (sinh năm 1950, huyện Thuận Thành) đã phát bệnh. Từ lúc sinh ra không thấy mặt bố, đến khi phát bệnh mẹ lại đi tìm hạnh phúc mới. Bà Các trở thành kẻ cô độc.

Bà Trọng cùng Sơ Xuân - người mẹ thứ hai của gia đình bà tại trại phong.

Năm 1969, gạt bỏ mặc cảm và vượt qua sự kỳ thị, bà Trọng cũng xây dựng hạnh phúc cùng một người bệnh tại trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và có 1 cô con gái.

Cứ ngỡ cuộc sống sẽ có một phép nhiệm màu nhưng rồi chồng bà Trọng cũng nhắm mắt xuôi tay. Sức khỏe ngày càng giảm sút vì bệnh “hủi” nên hai mẹ con bà Trọng không còn cách nào khác là trở về trại phong Quả Cảm, nương nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước.

Bà Trọng chia sẻ, con gái tôi đã lớn lên trong sự thiếu thốn, cơ cực, miệt thị của người đời. Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của Y tá Nguyễn Thị Xuân (Sơ Xuân) mà trở thành một dược sĩ giỏi. Sơ Xuân chính là nơi nương tựa như người mẹ trong gia đình, tận tình giúp đỡ cho mẹ con chúng tôi sau những bất hạnh, buồn tủi…

Mảnh ghép mang màu da cam:  Những đứa trẻ…hiểu chuyện

Rời trại phong Quả Cảm, chúng tôi đến với Làng Hữu nghị Việt Nam ( xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gọi tắt là Làng - mái ấm nuôi dưỡng của các em nhỏ khuyết tật nhiễm chất độc da cam.

Các em đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng được lớn lên dưới một ngôi nhà đầy ắp tình thương, coi bảo mẫu chăm sóc như người mẹ…đúng nghĩa của một mái ấm gia đình. 

Lý Xuân Miu mỗi lần nhắc tới bố, mẹ là lại rưng rưng nước mắt. 
Mẹ Toàn là người luôn bên cạnh, bao dung và bù đắp sự thiếu thốn tình cảm trong Miu. 

Vào Làng từ năm 2012, em Lý Xuân Miu (sinh năm 2010, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có hoàn cảnh éo le khi nhắc đến khiến ai cũng nghẹn lòng. Trên gương mặt rạng rỡ  hồn nhiên là cả một câu chuyện buồn đến se sắt của cậu bé thiểu năng trí tuệ.

Bố mất vào năm 2017, mẹ bỏ đi lấy chồng nên em sống cùng với ông nội là thương binh đã ngoài 80. Tuổi cao, sức yếu lại là nạn nhân của chất độc da cam, ông đành phải đưa Miu về Làng nhờ sự chăm sóc, nuôi dạy của các mẹ.

Nhắc đến hai chữ “gia đình”, đôi mắt của Miu ướt lệ vì không kìm được cảm xúc. Mỗi lúc như vậy, Miu chỉ biết tìm tới mẹ Đặng Thị Toàn (phụ trách nhà T3) tại Làng để thủ thỉ, tâm sự. 

Mong muốn lớn nhất của em là được ngồi ăn một bữa cơm gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ cùng tiếng cười rộn rã. Nhưng ước mơ đó thật xa vời và thật khó có thể thực hiện được. Ngày bố Miu mất, em vẫn còn ở Làng mà chẳng được về dự đám tang, nhìn mặt bố lần cuối. 

Cũng tương tự Miu, em Đỗ Phương Nhung (sinh năm 2000, quận Bắc Từ Liêm) có bố Nhung là cựu chiến binh tham gia chiến trường miền Nam và bị ảnh hưởng chất độc da cam. Cả bố và mẹ Nhung đều qua đời vì căn bệnh ung thư, bố mất năm 2010, mẹ Nhung rời đi chỉ 5 năm sau đó.

Phương Nhung rất yêu bố mẹ, cô bé thỏa nỗi nhớ mong vào từng bức vẽ gia đình. 

Ngày bố mất cũng, Nhung phải rời xa gia đình về Làng sinh sống và học tập. Khi được hỏi đến ngày lễ Vu Lan, Nhung lắc đầu chẳng rõ là ngày gì nhưng tình cảm Nhung dành cho bố mẹ vẫn luôn đong đầy và chưa lúc nào nguôi ngoai. Trong ký ức của Nhung, bố mẹ là người yêu thương em nhất và mua nhiều đồ chơi, quần áo đẹp cho em.

“Được hỏi về bố mẹ, em rất vui. Em yêu bố mẹ lắm ạ!”, từng câu từng chữ được nói ra không rõ ràng, không rành mạch nhưng chất chứa bao tình cảm của Nhung với bố mẹ.

Có thể thấy, tình cảm gia đình giống như chất men say khiến cuộc sống của 4 mảnh đời bỗng chốc trở nên dịu dàng, như cây xương rồng giữa sa mạc họ vẫn mạnh mẽ vượt qua bao khó khăn giữa những khắc khoải về gánh nặng cuộc đời. Dù thiếu thốn về vật chất và khiếm khuyết về hình thể hằn sâu nhưng trái tim lúc nào cũng ngân nga khúc nhạc của tình yêu gia đình.

Cha cho chúng ta mầm mống hình hài, mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con… Công lao của cha mẹ không có gì so sánh được, họ đang ngày ngày chịu nắng phơi sương để cho con được bằng bạn, bằng bè, để con bước ra từ luỹ tre làng vươn tới cuộc sống tốt hơn. Cha mẹ chính là nhà, là nơi chúng ta trở về bất cứ lúc nào.  

Họ yêu thương, bảo vệ chúng ta hết mực dù có lầm đường lạc lối. Vậy nên, “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Với mỗi chúng ta, 365 ngày trong một năm đều là ngày lễ Vu Lan. Hãy trân trọng và biết ơn tới cha mẹ khi còn có thể.

 

Hồng Phúc (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu