21:37 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” giải quyết những bất cập trong công tác giáo dục phòng, chống ma túy học đường

PV | 18:47 01/07/2021

(THPL) - Trong cuộc chiến chống ma túy, công tác truyền thông là hết sức cần thiết và mang tính cấp thiết. Đặc biệt là trong môi trường học đường, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để các em học sinh không sa ngã vào tệ nạn ma túy luôn được quan tâm, chú trọng phát triển.

Những năm vừa qua, nhiều địa phương, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã được triển khai phong phú, đa dạng trong các trường học góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên trong công tác đấu tranh phòng ngừa tệ nạn ma túy lây lan trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng được Sở Giáo dục và Đào tạo coi là một nội dung giáo dục quan trọng đối với tất cả các cấp học. Sở đã chủ động triển khai toàn diện các chương trình phòng, chống ma túy tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn Ngành. Các đơn vị đã làm chủ được tình hình, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra góp phần tích cực trong việc giữ gìn trật tự an ninh và an toàn xã hội ở địa phương. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy trong học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp về công tác phòng, chống ma túy tại các trường học trên địa bàn Thành phố, trong đó có việc nghiên cứu triển khai, sử dụng bộ tài liệu chính thống về kỹ năng phòng, chống ma túy do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để các em học sinh không sa ngã vào tệ nạn ma túy luôn được quan tâm, chú trọng phát triển. 
Bộ sách kỹ năng phòng chống ma túy 

Còn tại Phú Thọ, trong 10 năm qua, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống ma túy học đường. Kết quả, đã tổ chức hơn 6.800 buổi ngoại khóa, mít tinh, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền những kiến thức cơ bản về phòng chống ma túy cho gần 3 triệu lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Bên cạnh đó, cấp phát 5.500 tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu, hơn 7.500 cuốn sách, tạp chí, bản tin có nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy.

100% các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia vào tệ nạn ma túy. 100% nhà trường và các cơ sở giáo dục đã xây dựng hòm thư tố giác tội phạm. Đến nay, các đơn vị, trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên nào bị phát hiện có liên quan đến ma túy.

Điều này chứng tỏ rằng công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường đang mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc công tác phòng, chống ma túy trong nhà trường cũng đang còn gặp phải nhiều hạn chế. Cụ thể, nội dung tuyên truyền ở một số nơi còn đơn điệu; đối với những vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa số lượng người dân trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ cao nên việc tuyên truyền bằng hình thức kẻ vẽ pano, áp phích hay sử dụng những thuật ngữ chưa mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các mô hình, hoạt động điển hình tiêu biểu trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy tại nhiều nhà trường chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác kiểm tra, đôn đốc của một số trường học chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao.

Những hạn chế này nếu không khắc phục sớm sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung, thậm chí còn khiến các em học sinh nhận thức sai lệch về ma túy và gây ra “phản ứng ngược” không mong muốn. Để công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy đạt hiệu quả tốt nhất, cần có sự đồng lòng chung sức của cả cộng đồng thực hiện những giải pháp đồng bộ, khắc phục những bất cập và tồn đọng mà công tác này đang gặp phải trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, cần tập trung đổi mới và đẩy mạnh những hình thức tuyên truyền mũi nhọn, trong đó tập trung báo nói, báo hình, hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang thông tin điện tử, đặc biệt là hệ thống trạm, loa truyền thanh tại các trường học ở xã, phường, thôn, bản nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế và địa hình còn nhiều khó khăn....là những phương tiện truyền thông vô cùng hữu hiệu, có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng đến nhận thức của mọi đối tượng, tầng lớp, thành phần xã hội.

Ngoài ra, để tránh “thông tin” một chiều trong các buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ, lớp tập huấn, tuyên truyền nên dành một lượng thời gian nhất định sau khi thực hiện buổi giao lưu để trao đổi, hỏi đáp những thắc mắc, những điều chưa rõ hoặc cần nhấn mạnh, thu hút sự chú ý. Vận động nhân dân tham gia nói lên suy nghĩ của mình để công tác tuyên truyền phát huy sức mạnh của cộng đồng. 

Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về ma túy cán bộ làm công tác tuyên truyền cần được đào tạo, bồi dưỡng am hiểu phong tục tập quán của địa phương, thường xuyên bám dân, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Phát huy vai trò của người đứng đầu các trường học, có tầm ảnh hưởng để họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong giáo dục, vận động, tố giác, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống ma túy, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã biên soạn và phát hành Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy".

Bộ tài liệu này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, gồm có 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Mỗi cuốn tài liệu sẽ trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Với những giá trị mà Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” mang lại, có thể khẳng định sự ra đời của nó là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết những bất cập và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống ma túy học đường.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu