09:21 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo vệ học sinh trước sự bủa vây của tệ nạn ma túy

06:33 22/06/2021

(THPL) - Những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, tấn công trực diện vào các trường học. Để bảo vệ học sinh trước bủa vây của tệ nạn ma túy, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, căn cơ và quyết liệt.

Học sinh trước bủa vây của tệ nạn ma túy

Ma túy ngày càng đa dạng hơn, sử dụng cũng đơn giản hơn khiến không ít học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em khó phát hiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh các em tuổi còn rất nhỏ hút shisha, uống “nước vui”, dùng “bùa lưỡi”, “khô gà”... mà không biết thực chất đang uống, hút chất gì. Những sản phẩm thông thường như “keo chó” cũng có thể khiến thanh thiếu niên “phê”, và đặc biệt nguy hiểm khi “bóng cười”, “nấm thức thần”, “cỏ mỹ”, thuốc gây mê, gây tê cho động vật có thể coi là chất độc, giờ đây dưới bàn tay của các nhóm tội phạm công nghệ cao, hiểu biết về khoa học biến thành những chất ma túy mới, len lỏi vào trường học, bủa vây giới trẻ dưới mọi hình thức.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong trường học.
Theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa

Cảnh báo về nguy cơ “tấn công” học đường của kẹo thuốc lá và ma túy, PGS, TS. Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy thuộc Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết, đơn vị từng nhận được báo cáo đầu tiên về nấm thức thần vào năm 2016. Nấm thức thần được xếp vào cùng danh mục các loại ma túy nguy hiểm có nguồn gốc từ thực vật như cần sa, thuốc phiện, cỏ Mỹ, cây coca...

Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc chất kích thích trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử. Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hằng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau mà các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng không thể tìm ra hết. Độc tính của ma túy phá hoại trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim… như người nghiện lâu năm.

Theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để tiến tới đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.

Trường học - “Lá chắn thép” bảo vệ học sinh trước tệ nạn ma túy

Để bảo vệ các em học sinh trước hiểm họa ma túy, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong trường học.

Hiện tại, ngành giáo dục đang nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên và giáo viên, đặc biệt là tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

Ngày 10/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021.

Mặt khác, các trường học cũng lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy vào các chương trình giảng dạy phù hợp với các môn học như: giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, khoa học, hóa học, sinh học,... và nhiều hoạt động đa dạng và phong phú khác. Nhiều địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống ma túy phù hợp với đơn vị như theo năm học, theo học kỳ, theo các chuyên đề, chủ đề, chủ điểm.

Nhiều trường phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy nói chung và dự phòng nghiện nói riêng, như hỗ trợ duy trì, nhân rộng câu lạc bộ phòng, chống ma túy; tổ chức tọa đàm, tuyên truyền về phòng chống ma túy; tổ chức cho học sinh tham gia Lễ phát động hưởng ứng ngày phòng, chống ma túy...

Đồng thời, ngành Giáo dục cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống, cai nghiện ma túy nói riêng tại các cơ sở giáo dục, các trường học.

Bộ GD&ĐT thường xuyên trao đổi, phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy; phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức biên soạn bộ tài liệu phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông, đây là đối tượng “đích” cần tuyên truyền.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW; Tổng kết hoạt động Kế hoạch phối hợp và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo giữa Bộ LĐTBXH và Bộ GD-ĐT về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với HSSV, Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến 2020” và  Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”, Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của UBQG Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Văn bản số 684/TTg- KGVX về việc triển khai “Tháng Hành động Phòng chống ma túy năm 2021”; đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, không thể không nhắc tới ngày 10/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021. Đây là một kế hoạch lớn được xây dựng kịp thời, tổng thể có hệ thống, khoa học về phòng ngừa ma túy trong trường học.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu