22:33 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát lại SGK Tiếng Việt lớp 1 trước ngày 17/10

Phương Anh (tổng hợp) | 10:44 12/10/2020

(THPL) - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1.

Theo nội dung công văn, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.

Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GDĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10.

 Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát lại SGK Tiếng Việt lớp 1 trước ngày 17/10 (ảnh: Internet)

Trước đó, nhiều phụ huynh, giáo viên đã lên tiếng trước việc nội dung trong SGK lớp 1 năm nay là quá “nặng”. Thậm chí, không ít ý kiến còn bày tỏ băn khoăn khi trong cuốn SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều có nhiều nội dung, câu chữ được cho là không phù hợp với tư duy của trẻ 6 tuổi.

Báo Pháp luật và Xã hội cho hay, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết: Tại các hội nghị tập huấn, các tác giả SGK đều đề nghị giáo viên nghiên cứu chương trình, lấy các yêu cầu cần đạt đã quy định trong chương trình làm chuẩn. Đối với lớp 1, chuẩn đó rất đơn giản. Trên cơ sở nắm vững mục tiêu của từng bài học và yêu cầu cần đạt cuối năm, giáo viên có thể và nên điều chỉnh độ nặng nhẹ của mỗi bài học phù hợp với phần đông học sinh lớp mình. Bản thân một số sách giáo khoa cũng được thiết kế với tinh thần “chương trình mở” để giáo viên sử dụng linh hoạt.

Ví dụ, các bài học chính trong bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều dự kiến dạy trong 332 tiết (bao gồm 253 tiết học chữ và học vần, 48 tiết đọc và viết trong phần Luyện tập tổng hợp, 31 tiết kể chuyện). Đó là “phần cứng”, giáo viên và học sinh cần hoàn thành. Bên cạnh đó, sách bố trí 88 tiết là “phần mềm” (bao gồm 64 tiết ôn tập, 16 tiết tự đọc sách báo, 8 tiết trải nghiệm – gọi là “Góc sáng tạo”). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành các bài học chính; tăng số tiết cho các bài học chính này. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài.

Ngay trong các bài học chính, khi dạy tập đọc, tập viết, giáo viên cũng có thể giảm yêu cầu với từng học sinh. Đối với những học sinh chậm, trong những tháng đầu, chỉ cần các em đọc chắc được một số câu chứa nhiều âm, vần mới học. Bằng cách khuyến khích học sinh xung phong đọc theo khả năng, giáo viên sẽ khích lệ được sự ham học ở các em một cách hoàn toàn tự nguyện. GS Thuyết tin rằng, các bộ SGK khác cũng có giải pháp tương tự.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu