15:20 ngày 15/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công an đề xuất phạt người không tham gia chữa cháy đến 5 triệu đồng

11:26 15/01/2025

(THPL) - Bộ Công an đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Hiện, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nâng mức phạt tiền lên nhiều lần đối với một số vi phạm về PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực PCCC và CNCH, đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định vi phạm các quy định của nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.

Bộ Công an đề xuất phạt hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà lên tới 40 - 50 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, còn hành vi tàng trữ bị đề xuất phạt 25 - 30 triệu đồng.

Bộ Công an đề xuất phạt người không tham gia chữa cháy đến 5 triệu đồng. Ảnh minh họa

Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm được đề xuất phạt 40 - 50 triệu đồng, thay vì 30 - 40 triệu đồng như mức hiện hành. Hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy được đề xuất nâng tiền phạt từ mức 2 - 5 triệu đồng (mức hiện hành) lên 6 - 8 triệu đồng.

Hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ PCCC được đề xuất phạt 10 - 15 triệu đồng, thay cho mức 5 - 10 triệu đồng như hiện hành.

Bộ Công an cũng đề xuất phạt 25 - 30 triệu đồng thay vì 15 - 25 triệu đồng với hành vi không có hệ thống điện phục vụ phòng cháy, chữa cháy...Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được đề xuất cho lỗi không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất mức 15 - 25 triệu đồng với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng). Mức phạt tăng lên 30 - 40 triệu đồng với hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng).

Riêng với hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả, Bộ Công an đề xuất mức phạt 5 - 10 triệu đồng. Lỗi này đang áp dụng theo quy định hiện hành là 4 - 6 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức là 8 - 12 triệu đồng.

Luật PCCC và CNCH được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới đây. Luật này quy định rõ: nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.

Theo Bộ Công an, để phù hợp, thống nhất với luật mới, nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH cần được điều chỉnh; đồng thời nâng mức tiền xử phạt để tương đồng với các lĩnh vực khác, tăng tính răn đe, phòng ngừa xã hội.

Thống kê từ Bộ Công an vào năm 2023 cho thấy, trong vòng 10 năm qua, toàn quốc xảy ra 29.296 vụ cháy, làm chết 860 người. Chỉ tính riêng nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 13.465 vụ, chiếm tới 45,5%.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu