13:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bất chấp dịch bệnh, lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng 18%

16:50 19/08/2021

(THPL) - Dù thị trường vận tải biển thế giới đối diện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động giá cước vận chuyển và một số sự cố hàng hải nhưng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn ổn định.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước tính đạt hơn 480,4 triệu tấn (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với các tháng trước, bởi thời gian vừa qua, một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông quan lớn phải thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa container qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng 2 con số với mức tăng 18%, ước đạt gần 16,7 triệu TEUs. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 5,4 triệu TEUs (tăng 16%) và hàng nhập khẩu đạt hơn 5,5 triệu TEUs (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái).

Báo Đảng Cộng sản VN đưa tin, cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, một số khu vực cảng biển có sản lượng hàng container thông qua cao nhất (tính trong 7 tháng đầu năm) như: Khu vực Quảng Nam (tăng hơn 115%); Khu vực Mỹ Tho (tăng 41%); Khu vực Hải Phòng (tăng hơn 17%); Khu vực TP Hồ Chí Minh  (tăng gần 16%).

Tuy nhiên, cũng có một số khu vực cảng biển có lượng hàng container giảm mạnh như: khu vực Quảng Ninh (giảm 98%); khu vực Đà Nẵng (giảm 38%); khu vực Cần Thơ (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020).

Bất chấp dịch bệnh, hàng container qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng 18%. Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về các giải pháp cấp bách liên quan đến nguồn lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong đại dịch Covid-19. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu thống nhất quy định về điều kiện đi lại cho công nhân cảng trong mùa dịch.

Theo Bộ GTVT, việc thực hiện giãn cách nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến lực lượng công nhân, người lao động của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cảng biển nói chung.

Đơn cử, tại cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất đã bị thiếu hụt 50%, chỉ còn 250 người do đội ngũ công nhân có nhiều người nằm trong các khu dân cư bị phong tỏa, quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch. Trong khi đó, lực lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường duy trì hoạt động khai thác trong ngày (3 ca sản xuất tiếp nhận trung bình 12 chuyến tàu container xuất nhập khẩu) là 500 người, chưa kể nhân viên hải quan, hãng tàu và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Để giải quyết bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng và hiệp hội cảng biển đã gửi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép số lượng lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất của cảng nếu không cư trú tại các khu vực bị phong tỏa được phép lưu thông đến cảng làm việc.

Theo TTXVN đưa tin, trong một diễn biến liên quan, nhận định các kịch bản phát triển cảng biển phía Nam gắn với tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng như sau:

Cụ thể, ở kịch bản số 1, dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, vaccine phòng dịch được tiêm chủng trên diện rộng, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 5-7%, khu vực Cái Mép sẽ tăng từ 12-15% so với 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân do các hãng tàu chủ động điều chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Kịch bản thứ 2, dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý 4/2021, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh dự báo tăng từ 3-5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15-17% do hãng tàu, khách hàng tăng cường chuyển đổi hàng hóa về Cái Mép và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai quy định thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 10/2021.

Còn kịch bản thứ 3 là dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý 4/2021, doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất vào các tháng cuối năm với đà phục hồi chậm hơn so với thời điểm thông thường do ảnh hưởng thời gian dài giãn cách. Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu