19:44 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn từ 1/1/2025

20:18 05/12/2023

(THPL) - Từ ngày 1/1/2025, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo nghị định này, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước; vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường… Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn từ 1/1/2025. Ảnh minh hoạ

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

Liên quan đến phân loại rác tại nguồn, một số ý kiến cho rằng, từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu, bao gồm đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn sẽ là một bài toán khó… Bởi thực tế, đã có những địa phương, việc phân loại rác dù đưa vào thực hiện hơn 5 năm qua - nhưng vẫn chưa thể hình thành tính chủ động của người dân…

Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu gom, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại rác.

Để thực thi quy định phân loại rác thải tại nguồn, TP Hà Nội và nhiều đô thị sẽ triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng các trạm trung chuyển, phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển riêng biệt từng loại rác và cách tính phí xử lý rác theo khối lượng hay theo thể tích cần có các quy định cụ thể.

Bà Ngô Thanh Loan - Trưởng phòng truyền thông, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay: "Cho đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể của thành phố. Chúng tôi mong thành phố sớm có kế hoạch phân loại chất thải sinh hoạt, kèm theo đó là đơn giá định mức, cho công tác thu gom vận chuyển đối với từng loại rác được phân loại".

"Trước mắt quận phối hợp URENCO - là đơn vị thu gom vận chuyển từng bước xây dựng phương án. Sau khi có hướng dẫn chính thức về kỹ thuật, đơn giá thì quận sẽ triển khai thực hiện", ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội nói.

Theo số liệu của tỉnh Lào Cai, tỷ lệ phân loại rác bình quân tại các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn của tỉnh này, bao gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, bình quân đạt 75 - 95%.

Còn theo đại diện UBND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, tỷ lệ các gia đình tự nguyện phân loại rác đạt 30 - 45%... Mặc dù tỷ lệ này còn thấp tuy nhiên cũng đã giảm phần nào lượng rác hữu cơ phải xử lí ở một địa phương nông thôn. Và lượng lượng rác này được phân loại sẽ xử lí trở thành phân bón ngay tại gia đình có ruộng vườn…

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu