21:48 ngày 28/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Báo chí Việt Nam một năm nhìn lại: Vui thì lắm, buồn cũng nhiều

09:26 03/01/2017

(THPL) – Năm 2016, trong những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước, của các địa phương, của nhiều ngành nghề, lĩnh vực…cũng như trong việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực đáng phê phán đều có vai trò của báo chí. Tuy nhiên, báo chí cũng còn tồn tại một số hiện tượng cần sớm khắc phục để ngày càng lành mạnh.

Niềm vui chân chính

Năm 2016 là năm báo chí chuyển mình vươn lên để thật sự là "phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân". 

Hệ thống báo chí nước ta, gồm báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử, có đội ngũ hùng hậu hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, cùng hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ hoạt động trong 857 cơ quan báo chí in, 125 cơ quan báo chí điện tử, 66 đài phát thanh và truyền hình với 182 kênh quảng bá, 82 kênh có thu phí… 

Ở đó, số đông nhà báo là các tác giả chính trực, phần lớn cơ quan báo chí đều nghiêm túc tuân thủ định hướng của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động báo chí luôn được tiến hành minh bạch, đúng tôn chỉ mục đích.

Hai sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước trong năm qua là Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng (Ðại hội), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (bầu cử).  

Báo chí luôn theo sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước

Trong thời gian Ðại hội và bầu cử diễn ra, thông qua báo chí mà toàn dân được tiếp cận dưới nhiều góc độ các vấn đề của đất nước, được bàn thảo, quyết định tại cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng và tại các kỳ họp Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Sau Ðại hội và sau bầu cử, báo chí đã góp phần nhanh chóng đưa các nghị quyết của Ðảng, các quyết nghị của Quốc hội vào cuộc sống.

Dù mạng xã hội và các công cụ truyền thông trên internet phát triển như vũ bão, khiến cho nhiều người lo ngại về vai trò của báo chí chính thống. Nhưng thực tế cho thấy, báo chí chính thống vẫn luôn luôn giữ vững vai trò chủ đạo, nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất đến với người dân. 

Thông tin trên báo chí luôn là thông tin chân thực, được xử lý một cách chuyên nghiệp, nguồn tin rõ ràng và hoàn toàn có thể kiểm chứng, mọi thông tin sai lệch đều chịu sự chế tài của pháp luật. 

Khi sự thật được truyền tải trên báo chí, tự nó đủ sức đẩy lùi các thông tin ngụy tạo, xuyên tạc tình hình đất nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, củng cố sự ổn định chính trị để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực. Và đó là niềm vui lớn nhất của những người làm báo. Trong đó, có những sự kiện tưởng là nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn. 

Nhờ sự vào cuộc của báo chí mà nhiều vụ việc liên quan những thân phận yếu thế đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Có thể nhắc tới sự kiện quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TPHCM), hay việc trả lại công bằng cho các ông Nguyễn Văn Chấn, Huỳnh Văn Nén bị oan sai…góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, đem lại sự an lành cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng, với chế độ.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh cũng bắt đầu từ một bản tin trên báo chí. Từ bản tin này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan của Ðảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước vào cuộc. 

Dù Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn và vụ án chưa kết thúc, nhưng qua sự việc này, Ðảng và Nhà nước tiếp tục đưa ra thông điệp không có "vùng cấm" đối với báo chí, không có bất kỳ ai phạm pháp hoặc tiếp tay, dung túng cho tội phạm lại có thể thoát khỏi vòng pháp luật. Tội phạm và các "nhóm lợi ích" đang lộng hành là nỗi buồn của đất nước, nên thông điệp đó của Ðảng và Nhà nước không chỉ là niềm vui với nhân dân, còn là niềm vui của những người làm báo.

Còn nhiều niềm vui khác nữa trong làng báo mà không thể kể hết trong bài viết này. Và bạn đọc có thể chung vui với các cơ quan báo chí, với các nhà báo trên những ấn phẩm, trên các trang tin và chương trình phát thanh, truyền hình nhân dịp Xuân Ðinh Dậu 2017.

Để lại sau lưng những nỗi buồn

Một lần được tâm sự cùng một lãnh đạo Cục báo chí, đồng chí tránh nhắc đến số tiền phạt thu được từ các cơ quan báo chí trong năm 2017, nghe nói số tiền đó ngót 2 tỷ đồng. Hỏi thì ông tâm sự: đó là một số tiền phạt kỷ lục nhưng đó có phải là thành tích để báo cáo đâu, càng thu tiền nhiều thì càng buồn cho báo chí nước nhà. Ngẫm lại thấy càng thấm hơn điều này.

Có thể nói, việc 50 cơ quan báo chí bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xử phạt, nhiều nhà báo bị thi hành kỷ luật, bị thu thẻ nhà báo trong vụ "nước mắm nhiễm thạch tín" là sự cố báo chí lớn nhất trong năm. Đó thật sự là nỗi buồn, là sự cố đáng hổ thẹn của giới báo chí chính thống nước nhà. 

Ðây là điển hình của sự câu kết giữa các nhà báo thoái hóa, biến chất với một "nhóm lợi ích", gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của đất nước, gây bất bình cho đông đảo người dân. Sự cố này là "điểm trừ" đối với uy tín của giới báo chí.

Câu chuyện đáng buồn diễn ra nhiều năm không dứt, là tình trạng đưa tin, viết bài giật gân, câu khách, câu view (thu hút lượt xem), chạy theo tâm lý tò mò không lành mạnh hoặc thị hiếu lệch lạc của một bộ phận người đọc. Những tin, bài, hình ảnh thuộc loại này được đăng với tần suất cao trên nhiều báo điện tử và một số báo in, mô tả hành vi, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhân danh chống bạo lực để kích thích bạo lực. 

Nhiều vụ án được mô tả với chi tiết rùng rợn không phải để công chúng lên án tội ác mà để kích thích tò mò. Một số doanh nhân, nghệ sĩ và các nhân vật trong giới showbiz (nghệ thuật biểu diễn) bị báo chí khai thác đời tư quá mức, thậm chí còn bịa đặt, thêm mắm, dặm muối để câu khách, câu view.  Gần đây nhất, cũng vì mục đích này, hàng loạt báo còn "tung hô" một nghệ sĩ vừa về nước sau khi thụ án tù ở Mỹ vì tội ấu dâm, tạo ra một xu hướng rất nguy hiểm, gây bất an cho các bậc làm cha mẹ.

Ðó là biểu hiện của tình trạng suy đồi về đạo đức, vượt khỏi giới hạn của văn minh trong một bộ phận những người làm báo. Tình trạng này nhất định phải chấm dứt, không chỉ từ sự tự ý thức về trách nhiệm của người làm báo đối với người đọc, mà còn từ các biện pháp kiên quyết của cơ quan chức năng.

Xử lý hành vi tiêu cực của một bộ phận nhà báo, của một số tòa soạn là đồng nghĩa với bảo vệ nhà báo chính trực, dấn thân vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Năm 2017 đã đến, những vận hội mới của đất nước ta đang đến với nhiều tín hiệu khả quan, tích cực. Báo chí Việt Nam cần tiếp tục góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, đem lại sự an lành cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng, với chế độ. Hơn bao giờ hết, báo chí Việt Nam cần tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những điểm yếu để ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu