06:31 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bài toán khó: Xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo mỹ phẩm, TPCN sai sự thật

14:30 03/11/2021

(THPL) - Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm, công dụng giữa mỹ phẩm, TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua các loại mỹ phẩm, TPCN sử dụng thường xuyên với mong muốn có thể điều trị bệnh.

Ma trận quảng cáo “giăng bẫy” người tiêu dùng

Ngành influencer marketing (tiếp thị thông qua người có tầm ảnh hưởng) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Khi chưa được quản lý nghiêm ngặt, nhiều nhãn hàng, công ty và "influencer" đã kiếm tiền từ các sản phẩm kém chất lượng.

Cũng từ đó, hàng loạt người nổi tiếng đang tận dụng các kênh trên mạng xã hội để quảng cáo về các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) với những công dụng trên mây dù chưa từng sử dụng trải nghiệm những loại sản phẩm này.  

Với vẻ bề ngoài bóng bẩy, hào nhoáng lại sở hữu số lượng người hâm mộ tới cả chục nghìn người, chẳng có gì lạ khi chỉ qua một chiếc màn hình các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được tâng bốc có công dụng lên tới tầm “tiên dược”. Để rồi, nhiều người tiêu dùng tin tưởng đã tá hỏa khi sự thật được phơi bày.

Ngoài ra, dạo qua một loạt website đang quảng cáo mỹ phẩm, TPCN, ngũ cốc,... không khó để bắt gặp tình trạng các bài quảng cáo theo mô típ khách hàng cũ từng sử dụng các sản phẩm này nhận xét, đánh giá về sản phẩm với những công dụng mập mờ, thậm chí còn gọi là thuốc, khiến nhiều người hiểu nhầm rằng những sản phẩm này có thể chữa trị bệnh. 

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm, công dụng giữa mỹ phẩm, TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua các loại mỹ phẩm, TPCN sử dụng thường xuyên với mong muốn có thể điều trị bệnh. 

Thực tế đáng buồn

Điều đáng buồn là, nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.

Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm, TPCN do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều mỹ phẩm, TPCN đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến cho nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN, mỹ phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.

Chưa kể, có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả bác sĩ, dược sĩ thực hiện tư vấn.  

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng

Để kiểm soát, dẹp “loạn” quảng cáo mỹ phẩm, TPCN, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN, mỹ phẩm... Trên trang web Cục ATTP (Bộ Y tế), Sở Y Tế cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo. Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...

Tuy nhiên, để kiểm soát quảng cáo TPCN có hiệu quả, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo sản phẩm TPCN. Quan trọng là, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, nhất là các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử.

 Có sự phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm TPCN trên thị trường…

MAI ANH

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu