00:12 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN
Lối thoát nào cho tình trạng ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá (Bắc Ninh)

Bài 4: Những “nút thắt” chưa được tháo gỡ

Lâm Tới | 07:57 12/12/2023

(THPL) - Mặc dù đã ban hành Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026, nhưng hơn một năm qua (kể từ ngày triển khai thực hiện đề án), vấn đề ô nhiễm tại các cơ sở tái chế nhôm trong làng nghề và các cơ sở tái chế nhôm trong cụm công nghiệp vẫn chưa được khắc phục.

Sau khi Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026 được thông qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản số 1876/UBND-NN.TN về việc tiếp tục xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong). Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh, huyện Yên Phong và các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát lại những khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng định mức, đơn giá xử lý chất thải tồn đọng; công tác xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện vận chuyển chất thải trái quy định ra, vào xã; tiến độ thực hiện dự án CCN, khu xử lý chất thải tập trung… qua đó kịp thời tham mưu với UBND tỉnh có phương án giải quyết tối ưu nhất. 

Trong Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn giai đoạn 2022 – 2026, trọng tâm là đề xuất lộ trình chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời vào CCN làng nghề đối với các cơ sở tái chế nhôm, huyện Yên Phong đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ lực: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các chủ sản xuất và người dân nơi đây; quản lý, xử lý cơ bản chất thải rắn làng nghề tồn đọng và phát sinh mới; giải pháp về xử lý khí thải; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra CCN làng nghề Mẫn Xá. 

Thực tế, trong 5 nhóm giải pháp chủ lực trên thì tới nay có 4 nhóm giải pháp chưa thực hiện đạt kết quả. Minh chứng ở việc, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xây dựng được đơn giá xử lý khối lượng hơn 400.000 tấn chất thải rắn tồn đọng ngoài môi trường từ nhiều năm nay; chưa giải phóng xong mặt bằng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề Mẫn Xá, diện tích 3,8 ha; hều hết các cơ sở sản xuất chưa vào được CCN làng nghề Mẫn Xá do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư. Đặc biệt, đến nay, trong tổng số 297 hộ làm nghề cô đúc nhôm tập trung chủ yếu ở làng nghề Mẫn Xá, chỉ có 6 hộ sản xuất đóng thuế và cơ bản chấp hành các quy định về môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Vi phạm về xả thải, tiếp nhận chất thải công nghiệp làm nguyên liệu tái chế; hệ thống xử lý khí thải chưa đạt chuẩn hoặc không có; chất thải rắn công nghiệp, chất thải bị nghi là chất thải nguy hại đổ tràn lan ngoài môi trường; không có hoặc không đầy đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường; PCCC…

Về giải pháp xử lý chất thải rắn tồn đọng. Đây có thể nói là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Tuy nhiên, như nói ở trên, đến nay vẫn chưa xây dựng được phương án và đơn giá xử lý, nên chưa thực hiện được các bước tiếp theo.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 2788/UBND-NN.TN về việc lập dự án đầu tư: Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong; giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự án đầu tư; chủ đầu tư là UBND huyện Yên Phong; kinh phí thực hiện khoảng 165 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường năm 2021-2022.

Qua trao đổi với đại diện UBND huyện Yên Phong, sau khi được UBND tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư, UBND huyện đã phối hợp với Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng lập định mức, đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp triển khai với Sở Tài nguyên và Môi trường, một số sở, ngành liên quan, nhằm bảo đảm tính pháp lý, tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên do vướng về pháp lý, trong đó có Luật Đấu thầu nên tiến độ thực hiện bị chậm.

Về dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn, diện tích 3,8 ha, hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa thực hiện xong.

Ngoài vấn đề xử lý chất thải rắn tồn đọng thì việc thu hút, di dời các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư vào CCN làng nghề, sản xuất tập trung, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ổn định sản xuất có lẽ là giải pháp then chốt nhất. Thế nhưng, đến nay tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện; chưa có PCCC, trạm xử lý nước thải. Trong khi đó, 80% phần diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thuê, khoảng 249/619 lô đất cho các tổ chức, hộ gia đình thuê để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng cơ bản không phải hộ sản xuất nằm trong làng nghề.

Theo khảo sát, hiện tỉ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu vực dân cư rất thấp, khoảng 12,8% (38/297 hộ), nguyên nhân là do kinh phí thuê mặt bằng tại dự án CCN làng nghề Mẫn Xá cao hơn so với khu vực. Theo phản ánh của nhiều người dân, trong quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng CCN, tại các buổi họp với dân có đất thu hồi, đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka có hứa với dân khi xong dự án, doanh nghiệp này sẽ cho thuê với giá từ 4-5 triệu đồng/m2, song thực tế sau này các lô đất được chủ đầu tư cho thuê với giá khoảng 8-9 triệu đồng/m2, thậm chí có lô hơn 10 triệu đồng/m2 nên người dân có nhu cầu thuê đất không tiếp cận được.

Một trong những bãi chất thải rắn đang tồn đọng tại làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong

Về công tác thanh, kiểm tra, thời gian qua huyện Yên Phong mới chỉ thanh, kiểm tra được các cơ sở tái chế nhôm trong khu dân cư. Đối với các cơ sở trong CCN, huyện vẫn chưa thể tiếp cận được.

Với những giải pháp còn dang dở nêu trên, hiện UBND Yên Phong đang kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù chỉ định một đơn vị đủ chức năng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá để có cơ sở lập dự án, xây dựng đơn giá làm căn cứ thực hiện. Đồng thời tổ chức thanh, kiểm tra dự án CCN làng nghề Mẫn Xá, qua đó xác định giá đất và mục đích triển khai dự án. Như vậy, sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh giao nhiệm vụ cho UBND huyện Yên Phong và các cơ quan chuyên môn, trước thực trạng bế tắc, “quả bóng” trách nhiệm lại được đẩy lên phía UBND tỉnh, còn vấn đề xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá vẫn là câu chuyện của thời gian.

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu