04:58 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gần 70% mẫu thịt ở TP.HCM nhiễm vi khuẩn gây viêm dạ dày

| 20:16 29/01/2018

(THPL) - Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 80 trong số 117 mẫu thịt do OUCRU lấy ở các siêu thị, chợ tại TP HCM, tồn dư kháng sinh, nhiễm khuẩn salmonella.

Theo báo Vnexpress, nhóm nghiên cứu của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã mua 117 mẫu thịt gà, bò, lợn từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017. Kết quả phân tích vừa được công bố cho thấy 80 mẫu (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn salmonella.

Thịt nhiễm vi khuẩn salmonella nếu không nấu chín kỹ có thể khiến người ăn bị viêm dạ dày ruột. Vi khuẩn salmonella trong khảo sát này là loại không gây bệnh thương hàn. Người nhiễm khuẩn hầu hết đều tự khỏi, một số trường hợp diễn biến nặng, tùy vào lượng salmonella nhiễm.

thit-lon
Nhiều mẫu thịt bán tại TP.HCM nhiễm vi khuẩn Salmonella gây các bệnh về tiêu hóa. Ảnh: Thanh niên

Bà Nguyễn Thị Nhung, tác giả chính nghiên cứu cho biết: "So với châu Âu thì tỷ lệ nhiễm này là cực kỳ cao". Số liệu giám sát từ Liên minh Châu Âu năm 2014 chỉ ra tỷ lệ các mẫu thịt nhiễm salmonella là 2,26%, 0,62% và 0,23% đối với gà, lợn và bò. Tỷ lệ tương ứng của nghiên cứu lần này trên mẫu thịt lấy từ TP HCM là 71,8%, 70,7% và 62,2%.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn salmonella phân lập từ thịt. Các chủng salmonella được nuôi trong phòng thí nghiệm rồi kiểm tra độ nhạy với 32 thuốc kháng sinh. Có đến 52,2% các chủng salmonella đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với ít nhất ba nhóm kháng sinh.

Theo báo Thanh niên, nhóm nghiên cứu còn hợp tác với Viện Thú y Quốc gia và Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Tháp để kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt. Các nhà khoa học đã kiểm nghiệm 357 mẫu thịt gà, heo, bò thu mua tại chợ và siêu thị tại TPHCM, Đồng Tháp và Hà Nội. Kết quả phát hiện 7,3% mẫu thịt (gà, heo, bò) có tồn dư kháng sinh. Trong đó tỉ lệ tại chợ truyền thống chiếm 9,6% và siêu thị là 2,6%.

Các nhà khoa học khuyến cáo, con người có thể bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh khi tiếp xúc xử lý thịt hoặc ăn thịt, trứng, rau chưa chế biến kỹ. Để phòng tránh lây nhiễm, người chế biến nên rửa tay sạch và cẩn thận trong khâu chế biến thực phẩm, bao gồm việc rửa rau.

“Kết quả trên cho thấy tỉ lệ tồn dư kháng sinh trong thịt có chiều hướng giảm so với những nghiên cứu trước đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ lệ dù thế nào thì tồn dư kháng sinh trong thịt đều không thể chấp nhận được vì nó thể hiện người chăn nuôi không tuân thủ thời gian ngưng sử dụng kháng sinh cho vật nuôi trước khi xuất chuồng. Tồn dư kháng sinh trong thịt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc, dị ứng, nguy cơ biến chứng các bệnh lý thần kinh, tim mạch, các bệnh lý đường ruột...”, nghiên cứu của OUCRU đánh giá.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu