16:06 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cậu bé mồ côi nuôi 5 em nhỏ bị điện giật phải bỏ hai cánh tay

14:02 14/07/2018

(THPL) - Nằm trên giường bệnh với đôi tay không còn lành lặn, nhưng cậu bé người Mông này vẫn lo lắng cho cuộc sống của 5 em nhỏ đang ở nhà.

Bố chết, mẹ bỏ đi, một mình em phải lo cho 5 người em

37015900_1054057678077168_4142861802306273280_n
Tay phải của Pao bị đứt lìa, tay trái hoại tử chuẩn bị phải cắt bỏ.

Theo Thời Đại, ngày 10/7, chúng tôi gặp Thào A Pao, người Mông (17 tuổi) đang nằm rên rỉ trên giường bệnh tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội).

Tay phải của cậu đã bị đứt lìa, tay trái hoại tử phải cắt bỏ, chân và nhiều vị trí khác cũng bị bỏng nặng trong đợt mưa lũ tàn phá khu vực Tây Bắc cuối tháng 6/2018 vừa qua.

Tiếp xúc với chúng tôi, Pao chỉ nói được một chút tiếng Việt nhưng không sõi, cậu bé kể: em sinh năm 2001, bản Sì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu, bố em chết rồi, mẹ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc hay sao nên không có liên lạc gì (!).

“Hôm nọ, em đi chăn trâu rồi bị điện giật cụt mất tay phải, giờ bác sĩ bảo phải cắt cả tay trái nữa”- Pao nói.

Từ ngày được chuyển từ Lai Châu xuống viện Bỏng Quốc gia để điều trị, Pao mất luôn cả khái niệm ngày tháng. Em bảo, không biết đã nằm ở đây bao lâu rồi, chỉ biết là rất lâu.

Từ ngày nhập viện, những cơn đau, cơn sốt hành hạ thân xác Pao khiến cậu không ngủ được. Lúc đau quá thì thiếp đi được một chút, thời gian tỉnh, ngoài cơn đau Pao còn lo lắng cho 5 đứa em nhỏ ở nhà.

Sợ phải đi tù vì làm mất trâu của chủ, em trèo lên trạm biến áp để tìm từ trên cao

photo-2-15313563849201335163527
Pao cho biết, chỉ vì sợ mất trâu nên cố gắng đi tìm. Ảnh: Thời đại

Kể về nỗi đau của đứa cháu, ông Ma A Nủ (chú rể Pao) cho hay, vào khoảng hôm 25/6, Pao đi chăn trâu thuê cho một gia đình ở thôn. Hôm đó đúng vào thời điểm mưa lũ đỉnh điểm, trời mưa, sấm chớp nổ đùng đoàng khiến đàn trâu chạy tán loạn.

Lo mất trâu và sợ phải đền hoặc ‘đi tù’, Pao trèo lên đồi cao để nhìn xuống xem có thấy trâu đâu không. Khi lên đến trên đồi, do cây cối rậm rạp, Pao thấy có trạm biến áp đặt trên đồi là chỗ cao nhất có thể nhìn xuống dưới.

Thấy vậy, do không hiểu biết Pao liền trèo lên mà không để ý đến những cảnh báo nguy hiểm.

Một tiếng nổ lớn vang lên, những người đi chăn trâu cùng chạy đến thì thấy Pao đã nằm bất tỉnh dưới đất. Tay phải Pao cháy đen, tay trái cũng bị tổn thương rất nặng. Ngoài ra, đầu Pao cũng bị một vết thương dài do va đập, bên gót chân phải bị cháy tróc da…

Pao bảo: “Lúc đó em chỉ sợ mất trâu nên không nghĩ đến việc bị điện giật hay nguy hiểm.”

Ông Nủ nhớ lại, lúc ông chạy đến thì thấy Pao đã tỉnh lại nhưng sức khỏe rất yếu, tay cháy đen xì, mọi người lập tức đưa Pao đến trung tâm y tế xã. Xã sơ cứu rồi chuyển gấp ra huyện rồi chuyển thẳng xuống Hà Nội.

Theo Đời sống Plus, ông Nủ chi biết,  bản Sì Phài, nơi mấy anh em Pao ở nhà ai cũng nghèo. Thế nhưng, nhà người ta khổ một, nhà Pao khổ mười. Quanh năm ruộng nương mà không đủ ăn cho 6 anh em, Pao là con cả, đứa thứ 2 năm nay 14 tuổi, còn đứa út thì mới 3-4 tuổi. Khi Pao nhập viện trong nhà không có nổi 1 đồng. Thấy Pao lâm nạn, dân bản thương, gom góp cho vay 5 triệu đồng để Pao về Hà Nội cứu mạng.

"Nhà nó nghèo, bố lại bệnh tật, đau ốm triền miên hay cãi vã với vợ. Có lần 2 vợ chồng cãi nhau, bố Pao nghĩ quẩn lên rừng ăn lá ngón tự tử. Còn mẹ với 6 đứa con, cuộc sống càng cơ cực, người mẹ này không chịu đựng được nên cũng bỏ các con thơ đi lấy chồng mới. Từ đó, Pao trở thành lao động chính để nuôi các em.", ông Nủ kể.

Từ ngày Pao nhập viện, rất nhiều người thương xót cho hoàn cảnh của em đã vào động viên chia sẻ. Những cá nhân, CLB từ thiện thì ủng hộ cơm, tiền. Thậm chí những người bệnh nằm cùng phòng, cùng bệnh viện biết được hoàn cảnh bi thương của Pao cũng xúm vào mỗi người giúp 1 chút. 

Bác sĩ Vinh - Khoa Bỏng người lớn cho biết, trường hợp của Pao rất thương tâm, cánh tay trái của Pao hoại tử, không thể giữ được dù bệnh viện đã rất cố gắng.  

Nói về hoàn cảnh của Pao, ông Phàn A Long, Chủ tịch UBND xã Dào San thốt: "Ôi, Pao nó khổ lắm! Bố ăn lá ngón tự tử, mẹ bỏ đi Trung Quốc, nhà có đông anh em quá!".

Theo ông Long, khi nắm được thông tin Pao bị điện giật thương tích nặng, chính quyền địa phương cũng đã cử người xuống nhà thăm hỏi, động viên. Tuy nhiên, do vùng cao, gia đình nào cũng hoàn cảnh nên không ai giúp được gì nhiều.

Ông Nủ bảo, những đêm vắng Pao vẫn thì thầm với ông. Chuyện nọ chuyện kia rồi vẫn quay về chủ đề mai này các em Pao sống thế nào? "Cứ nói đến đấy lại thấy nước mắt nó ứa ra, thương lắm", ông Nủ rầu rĩ.

Quý độc giả có lòng hảo tâm giúp đỡ cho trường hợp của Thào A Pao. Xin vui lòng trực tiếp đến phòng 614, khoa Bỏng Người lớn, Viện Bỏng Quốc gia.

Do những người thân của Pao không có chứng minh thư nhân dân nên không thể đăng ký được số tài khoản cá nhân. Quý vị có thể liên hệ qua số điện thoại của ông Thà A Chảo (bác ruột Pao): 01685492867.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu