Nói lý trước đi đã...
Sẽ là câu chuyện ồn ào hay không nếu như nhân vật chính không phải là Kim Huệ, hoa khôi bóng chuyền Việt Nam, mà thay vào đó là một nam HLV hay nam VĐV bóng chuyền nào đó? Câu trả lời chắc chắn là không. Đơn giản, vì Huệ đẹp nên... dư luận có quyền.
Cái cảm tính đã bắt đầu từ khái niệm “đẹp” ấy rồi. Kẻ bênh Huệ sẽ bị cho là mê nhan sắc mà quên lý trí. Kẻ chê Huệ thì cứ vin vào cái cớ “chữ tín trong làm ăn” rồi “đạo đức làm nghề”. Thật sự, cả nhan sắc, chữ tín hay đạo đức đều chỉ là khái niệm mơ hồ mà mỗi người mỗi cách nhìn nhận. Ai cũng dễ nói về đạo đức nhưng hiểu thế nào là đạo đức, có hành vi đúng đạo lý thì lại khó vô cùng.
Bởi thế, cứ nói về luật trước đã.
VFV xử Kim Huệ và 3 VĐV Thu Hoài, Ninh Anh, Phương Anh của CLB Vietinbank dựa trên cơ sở “luận tội” nào? Thứ nhất, họ nói vi phạm quy chế chuyển nhượng VĐV được VFV ban hành từ 2010. Thứ hai, họ vin vào điều 10 luật TDTT để cho rằng Kim Huệ và 3 VĐV đã vi phạm đạo đức. Và kết luận, ông chủ tịch VFV tuyên cáo Kim Huệ và 3 VĐV đã gây rối loạn làng bóng chuyền.
Nói lý thì phải mở luật. Điều 10 của luật TDTT quy định gì? Từ khoản 2 đến khoản 6 của điều 10 nêu rõ những hành vi bị cấm bao gồm: “Sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao. Gian lận trong hoạt động thể thao. Bạo lực trong hoạt động thể thao. Cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.”. Liên quan đến trường hợp của Kim Huệ và 3 VĐV có thể là khoản 1 của điều 10 luật TDTT, được điều chỉnh năm 2018, cụ thể: “Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.”.
Nhìn sang Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền của VFV, một thứ quy định dưới luật, của tổ chức xã hội, tổ chức nghề, chúng ta sẽ thấy ở đó định nghĩa thế nào là chuyển nhượng và thế nào là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Sử dụng cả điều 10 luật TDTT lẫn quy chế chuyển nhượng, chúng ta có thể nhìn ra ngay cái sai cơ bản của án kỷ luật từ VFV lần này.
Đầu tiên, việc VFV xử án gộp cả HLV Kim Huệ lẫn 3 VĐV cùng một hình thức đánh giá sự việc, đối tượng tham gia sự việc là sai căn bản nhất. Trong quy chế chuyển nhượng VĐV, người HLV không phải là đối tượng điều chỉnh. Do đó, không thể “kết án” Kim Huệ trong trường hợp này bởi cô chỉ là một HLV, có loại hợp đồng lao động đặc thù với Vietinbank khác hẳn loại hợp đồng đặc thù của 3 VĐV nói riêng và các VĐV khác nói chung.
Đến đây, mổ xẻ tiếp, chúng ta chỉ chú trọng vào biến cố giữa CLB Vietinbank - 3 VĐV nữ - CLB Bamboo Airway Vĩnh Phúc mà thôi, tạm bỏ Kim Huệ sang một bên. Biến cố này không phải là một quan hệ “chuyển nhượng” đúng tinh thần chuyển nhượng thể thao chuyên nghiệp cũng như tinh thần thể hiện trong Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền (QCCN). Đơn giản, nó không phải mối quan hệ phát sinh giữa 3 bên nên không thể gọi là chuyển nhượng. Nó chỉ là 2 mối quan hệ song phương giữa VĐV với 2 CLB mà thôi.
Mối quan hệ song phương giữa 3 VĐV với CLB Vietinbank là mối quan hệ “phá vỡ hợp đồng”, mà theo QCCN gọi là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Để giải quyết mối quan hệ này, chắc chắn sẽ phải có những đền bù theo đúng ràng buộc hợp đồng ban đầu.
Mối quan hệ song phương giữa 3 VĐV với CLB Bamboo Airway Vĩnh Phúc chỉ là một mối quan hệ thương lượng tiền hợp đồng, chưa có giá trị ràng buộc lớn và chủ yếu dựa trên chữ tín với nhau mà thôi.
Trong khi đó, riêng trường hợp Kim Huệ, mối quan hệ giữa cô và các CLB liên quan chỉ là mối quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động. Trong mối quan hệ này, nếu Kim Huệ đâm đơn nghỉ sớm trước hợp đồng mà CLB Vietinbank ngăn cản, chắc chắn CLB Vietinbank vi phạm khoản 5 của điều 10 Luật TDTT là “Cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”.
Bây giờ, quay lại với điều 10, khoản 1 luật TDTT. Thế nào là phi đạo đức? Hành vi của Kim Huệ và 3 VĐV có trái với thuần phong mỹ tục, văn hoá và đạo đức hay không? Nó có xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức (2 CLB) hay không? Cụ thể, chi tiết đi nào. Chỉ có cụ thể, chi tiết cái thiệt hại, cái tổn hại đạo đức xã hội thì mới có thể xử phạt đối tượng một cách tâm phục khẩu phục được.
Và quy kết của VFV nói chung dựa trên việc xem chuyện Kim Huệ cùng 3 VĐV nhận tiền của bên thứ ba để phá vỡ HĐ sớm với Vietinbank nhằm đầu quân cho Bamboo Airway Vĩnh Phúc là hành vi “đi đêm”. Cái sai này mới đáng nói. Nếu coi hành vi đi đêm là vi phạm đạo đức cần phải xử lý thì tại sao VFV chỉ kỷ luật Kim Huệ và 3 VĐV mà không kỷ luật đối tượng đưa tiền cho họ trong cuộc đi đêm này?
Đi đêm, hay cụ thể là hành vi bắt tay nhau sau lưng CLB chủ quản là một hoạt động chì có thể được thực hiện khi có ít nhất từ 2 bên trở lên tham gia. Nếu hành vi này bị coi là phải xử lý nghiêm thì tại sao đơn vị chuyển tiền cho Kim Huệ và 3 VĐV lại bị bỏ qua trong án phạt này? Phải chăng, vì Bamboo Airway đang là nhà tài trợ cho giải VĐQG Bóng chuyền nên VFV sợ không dám đụng tới?
Rồi thêm một điểm nữa mà chúng ta cũng nên lưu ý. Pháp nhân chuyển tiền cho Kim Huệ và 3 VĐV là Cty CP từ thiện xã hội FLC. Thế thì mối liên hệ pháp lý trực tiếp giữa Cty này và CLB Bamboo Airway Vĩnh Phúc là gì? Bamboo Airway là chủ đầu tư CLB Vĩnh Phúc hay chỉ là nhà tài trợ mà thôi? Chưa xác định liên quan pháp lý này, kết luận Kim Huệ và 3 VĐV có hành vi vi phạm đạo đức là hồ đồ và cẩu thả.
Nếu bây giờ, người bỏ tiền cho Kim Huệ là thân nhân của cô chẳng hạn, với một đề nghị “Huệ nghỉ Vietinbank đi, cô/chú/dì/dượng cho con 5 tỷ để con bồi thường hợp đồng, rồi con về Vĩnh Phúc huấn luyện cho gần nhà cô/chú/dì/dượng” thì đề nghị ấy có phạm luật hay phi đạo đức hay không?
Đỉnh điểm của sự việc là khi Kim Huệ cùng 3 học trò quyết định ở lại Vietinbank và họ chuyển trả toàn bộ số tiền đã nhận về lại đơn vị gốc là Cty CP Từ thiện xã hội FLC. Dư luận lên án Kim Huệ cũng bắt nguồn từ đây. Nhưng ở mối quan hệ này, VFV có liên quan gì mà can thiệp? Nó hoàn toàn là một mối quan hệ dân sự và nó chỉ có thể được điều chỉnh bởi luật dân sự mà thôi. Còn lý do nào mà Cty CP từ thiện xã hội FLC không kiện ra toà dân sự và thay vào đó lại tố lên VFV thì chúng ta chịu.
Bây giờ thì nói cái tình
Nói lý như vậy đã đủ hiểu về luật, về lệ, Kim Huệ và 3 VĐV không sai trong trường hợp này. Phá vỡ hợp đồng trước thời hạn là một quyền chính đáng của họ mà không ai có quyền ngăn cản. Miễn sao, họ đáp ứng được mọi ràng buộc dựa trên hợp đồng đã ký là được.
Bây giờ, nói đến cái tình, để xem thực sự Kim Huệ và 3 VĐV có phải là những người bất tín, lật kèo Bamboo Airway Vĩnh Phúc hay không cái đã.
Nếu theo dõi bóng chuyền, chúng ta sẽ biết kết thúc giải VĐQG 2020, Vietinbank đã có một cuộc mất máu đáng kể. 3 VĐV chủ chốt của họ là Lưu Thị Huệ (phụ công - tuyển thủ QG), Đoàn Thị Xuân (đối chuyền - tuyển thủ QG), Vi Thị Như Quỳnh (chủ công - trẻ triển vọng) đã đâm đơn xin phá vỡ hợp đồng để đầu quân cho CLB Than Quảng Ninh. Sau đó HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cũng xin ra đi và Kim Huệ mới được đôn lên làm HLV trưởng. Cách đi của họ cũng y chang như vụ Kim Huệ lần này là phá vỡ hợp đồng.
Sự ra đi đó thực tế là hệ quả của một thời gian người lãnh đạo đầu tàu của Vietinbank không máu mê bóng chuyền cho lắm. Song, đến thời kỳ Kim Huệ muốn ra đi, tân lãnh đạo Vietinbank lại là người yêu bóng chuyền và đã có cuộc gặp mặt Kim Huệ lần đầu tiên trong đời. Ở cuộc gặp đó, ông thuyết phục thành công Kim Huệ ở lại Vietinbank bởi ông coi cô là biểu tượng của BCVN nói chung và Vietinbank nói riêng.
Kết quả của cuộc nói chuyện dẫn tới chuyện Kim Huệ “quay xe” với Bamboo Airway Vĩnh Phúc. Cô lập tức gửi trả lại toàn bộ tiền đã nhận cho Cty CP TTXH FLC kèm theo thư nêu rõ không thể thanh lý HĐ với Vietinbank. Khi quyết định quay xe, Kim Huệ có nói với 3 VĐV của mình đại ý “nếu các con muốn đi thì cô và CLB vẫn ủng hộ”. Cơ bản, từng là VĐV, Huệ hiểu giá trị của một hợp đồng tiền tỷ là như thế nào. Cơ hội ấy không phải lúc nào cũng có.
3 nữ VĐV trả lời dứt khoát đại ý “Cô đi thì cháu mới đi chứ cô ở lại cháu đi làm gì”. Và họ học theo HLV của mình, gửi hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ đối tác cũng như kèm theo một lá thư có nội dung tương tự lá thư của người thầy của mình.
Ở đây, quyết định của Kim Huệ và 3 VĐV chắc chắn khiến giới chủ CLB Bamboo Airway Vĩnh Phúc bị tổn thương. Nhưng rõ ràng là họ không bị lừa đảo tài chính. Họ cũng nhận được lý do rõ ràng. Không hài lòng trong một quan hệ có thể làm tổn hại cái tình nhưng chưa chắc người trong cuộc đã vô tình.
Cái đáng nói là từ đầu vụ scandal này cho tới nay, hoàn toàn chỉ một mình Kim Huệ là người đứng mũi chịu sào dư luận. 3 VĐV của cô không phải chịu búa rìu dư luận nào. Đó có phải là cái tình của người đi trước với lứa con cháu đi sau không? Tự chúng ta trả lời.
Song, có một lý do đáng nói là Vietinbank đã đăng ký danh sách thi đấu giai đoạn 2 giải VĐQG 2021 bao gồm 3 cái tên của 3 VĐV kể trên. Nếu vậy, việc ra đi của Kim Huệ có thể dẫn tới chuyện 3 cô gái trẻ kia sẽ gặp khó khăn trong khâu thủ tục với CLB Vietinbank. Theo QCCN, nếu có khó khăn dạng này, VFV sẽ phải mất 6 tháng để xử lý và đồng nghĩa với việc 6 tháng đó, 3 VĐV kể trên không thể thi đấu.
6 tháng ấy có những giải đấu dự kiến ở cả cấp ĐTQG lẫn cấp CLB. Nếu Kim Huệ chỉ lo được việc mình và cương quyết lên Vĩnh Phúc, cô có thể khiến 3 học trò của mình mất một SEA Games cuối năm. Làm thầy mà như thế, học trò nào phục. Kim Huệ chấp nhận là kẻ bất tín trước bàn dân thiên hạ là vì ai? Đó có phải là có tình hay không?
Nói về cái tình thì phải xét về độ thân thiết của những người trong mối quan hệ. Kim Huệ không thể thân với ông Quyết FLC hơn với 3 học trò mà gần như ngày nào cô cũng gặp. Lựa chọn giữa bên nào nhiều khi được tác động bởi độ thân thiết ấy. Và chính Kim Huệ cũng thổ lộ rằng “thực sự em thích lên Vĩnh Phúc lắm chứ. Cơ hội kiếm ngần ấy tiền đâu phải dễ”. Vậy thì để bỏ qua một cơ hội tiền tỷ, chắc chắn thứ Kim Huệ lựa chọn phải có giá trị lớn đến mức nào.
Ngoài những tin đồn loanh quanh chuyện bể kèo Kim Huệ - Bamboo Airway Vĩnh Phúc, dư luận còn đồn rằng Kim Huệ và 3 VĐV “chẳng phải dạng vừa” khi nhận quà là 4 chiếc iPhone của ai đó bên phía đối tác. Cái đồn đoán này mới là vô tình nhưng ác ý. Nhận quà thì có sao? Đó không phải là mè nheo yêu sách của Kim Huệ. Đó là sự tự nguyện. Đã tự nguyện thì đừng kể lể làm gì. Vả lại, Kim Huệ đẹp mà. Nàng đẹp, nàng có quyền nhận quà.
Dư âm
Dư âm của cuộc ồn ào này là gì? Thực tế, nó chính là cái bất cập trong quản lý thể thao hiện nay, cái lỏng lẻo trong các quy chế của VFV nói riêng và nhiều liên đoàn thể thao nói chung. Nó không đi theo con đường của luật mà nó chỉ mở ra những thứ lệ rất luộm thuộm. Và khi giới điều hành dùng thứ lệ luộm thuộm ấy, bảo sao VĐV không hành động manh mún và lem nhem.
Cứ thử nhìn lại bóng chuyền nói riêng và các môn thể thao khác nói chung ở Việt Nam bao nhiêu năm qua xem, chúng ta sẽ thấy thực tế không hề tồn tại hoạt động chuyển nhượng. Ông chủ CLB này chỉ rình rình gặp riêng VĐV của CLB khác để rủ rê họ về với mình, đưa tiền cho họ xúi họ tự phá vỡ hợp đồng với CLB chủ quản... thay vì hỏi mua một cách công khai, minh bạch và ngay thẳng. Giữa một môi trường bần tiện như thế, làm sao có được sự chịnh đại của thể thao? Bởi thế, cái quy chế nhẽ ra phải nhờ đội ngũ luật sư lành nghề hùng hậu thể hiện chi tiết thành 1 quyển đã chỉ được viết ra sơ sài bằng vài trang giấy. Và chính cái mớ giấy ấy nó là thứ chống lại sự sòng phẳng, công bằng đúng nghĩa của cạnh tranh thể thao.
Có thể, họ bận nói chuyện tình...
Tác giả: Hà Quang Minh
Thiết kế: Hồ Minh
- Đội tuyển bóng đá Việt Nam lên đường sang Hàn Quốc tập huấn, chuẩn bị cho giải AFF Cup 2024
- Say2tv Battle tạo tiếng vang lớn với bảng thành tích "cực khủng" của các cơ thủ dự giải
- Bùng nổ Ngày hội sinh viên – Khai mạc giải bóng đá sinh viên ĐHQG TP.HCM THACO CUP 2024
- UEFA Nations League 2024/25: Đội tuyển Đức lập kỷ lục với chiến thắng 7-0
- CLB Hà Nội trở lại top 3 LPBank V-League 2024/25
- Bế mạc giải cầu lông Kamito mở rộng tranh cúp Thương hiệu và Pháp luật lần thứ 3 năm 2024
-
Phát động phong trào “Tết nhân ái - Xuân Ất Tỵ 2025” và chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng”
-
Đội tuyển bóng đá Việt Nam lên đường sang Hàn Quốc tập huấn, chuẩn bị cho giải AFF Cup 2024
-
Sắp diễn ra Lễ hội hoa hướng dương lớn nhất từ trước đến nay tại TP. HCM
-
Dự kiến triển khai 3 dự án trọng điểm tại sân bay Đà Nẵng
-
Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đà tăng giá
-
Giải thưởng Loa Thành năm 2024 xướng tên 66 đồ án tiêu biểu
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM nhận hồ sơ niêm yết hơn 66 triệu cổ phiếu PDV của PVT Logistics
(THPL) - HoSE vừa có thông báo về việc đã nhận hồ sơ niêm yết hơn 66 triệu cổ phiếu PDV của Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương...23/11/2024 15:07:17Giá dầu thế giới tăng đạt mức cao nhất trong tuần qua
(THPL) - Hôm nay (23/11/2024), giá dầu thế giới tăng khoảng 1%, đạt mức cao nhất trong hai tuần, nguyên nhân có thể xuất phát từ cuộc xung đột...23/11/2024 15:05:56Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh – Người nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt Nam
(THPL) - Tôi từng có cơ hội biết tới nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh thông qua một chương trình về Tinh hoa ẩm thực được tổ chức tại tỉnh...23/11/2024 08:16:13Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Tôi nhìn thấy một Bức Tường trẻ”
23/11/2024 08:14:25