01:46 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Năm 2016, chuyến sang cơ quan Công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu trốn thuế

| 10:50 23/01/2017

Tính đến tháng 11/2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, dấu hiệu trốn thuế; đề nghị phối hợp đôn đốc nợ đọng thuế, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; tăng cường xử lý các đơn vị sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Theo đó, cơ quan Công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu thu hồi 1.159 tỷ đồng; khởi tố điều tra 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Số vụ chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính là 324 vụ.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng như: Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.
Cơ quan thuế sẽ gia tăng kiểm tra hồ sơ thuế của các doanh nghiệp để ngăn ngừa gian lận. Ảnh: TH

Theo Bộ Tài chính, trước diễn biến phức tạp của tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động thu thập thông tin, nắm vững địa bàn, xây dựng phương án, xác lập chuyên án đấu tranh hiệu quả. Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; kiểm tra sau thông quan; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao. Đồng thời, làm tốt vai trò của Cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Với việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đã đưa ra, công tác điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 18.247 vụ việc vi phạm (giảm 20,84% so với cùng kỳ năm 2015), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 378 tỷ đồng (tăng 3,65%), thu ngân sách đạt hơn 156 tỷ đồng (tăng 36,58%); Ban hành 25 quyết định tịch thu hàng vô chủ do không xác định được chủ sở hữu; Xử lý 192/208 contenơ hàng hóa vi phạm. Trong năm 2016, cơ quan Hải quan đã khởi tố 39 vụ, tăng 44%, đạt 105% so với chỉ tiêu; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 91 vụ, tăng 4.6%, đạt 88% so với chỉ tiêu.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tổ chức sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế: Thanh tra các doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chuyển giá; doanh nghiệp lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn thuế lớn; Các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (xuất khẩu tại chỗ, bản quyền, chuyển giao công nghệ, dịch vụ bảo hành, ...); dược phẩm, thiết bị y tế; các doanh nghiệp xã hội hoá; Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế (kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, cà phê xuất khẩu qua đường biên giới đất liền...). 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, ban hành nhiều văn bản quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực thuế như: các Nghị định của Chính phủ quy định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; về danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các Hiệp định thương mại song phương, đa phương; về lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; về xử phạt vi phạm hành chính về giá, hóa đơn, phí và lệ phí... 

Năm 2017, ngành Tài chính tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin về người nộp thuế. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu, đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, dự án đất đai, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm,...Xây dựng và hoàn thiện đề án phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính và sổ tay nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo Bcd389.gov.vn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu