20:10 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lâm Đồng: Cần Làm rõ nhiều sai phạm trong quản lý tài sản công tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt

10:41 13/12/2021

(THPL) - Như đã phản ánh ở kỳ trước, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt cho thuê đất công trái quy định khiến việc giải quyết hậu quả vô cùng khó khăn phức tạp. Hơn thế nữa, chúng tôi còn phát hiện nhiều công trình nhà ở ngang nhiên “mọc” trong khuôn viên của trường này. Và đặc biệt nghiêm trọng hơn là Khu trung tâm Dịch vụ và Đào tạo Lái xe rộng hơn 1 héc-ta được xây dựng khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Liệu “đất công” có trở thành “đất ông”?

Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt (CĐ Du lịch Đà Lạt) mà tiền thân là Trường Trung cấp Du lịch Đà Lạt được Tổng cụ Du lịch thành lập năm 2006. Trải qua quá trình hình thành và phát triển trường được nâng cấp lên Cao đẳng nghề năm 2013 và đến năm 2017 thì chính thức được mang tên Cao đẳng Du lịch Đà Lạt trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Trường có diện tích đất được giao 23,7 héc-ta, nằm trên một đồi thông thơ mộng tại KM5 đường Cam Ly, cách không xa trung tâm thành phố Đà Lạt, rất thích hợp cho việc tổ chức các loại hình đào tạo. Với diện tích và vị trí đẹp như vậy, nơi đây cũng khiến nhiều cá nhân “nhăm nhe” vào quỹ đất để phục vụ cho những lợi ích khác nhau.

Căn phòng ông Trần Đình Sơn chiếm hữu với nhiều hồ sơ, tài liệu của Trường CĐ Du lịch Đà Lạt.( Ảnh: Nguyễn Phong)

Có mặt tại trường này vào những ngày đầu tháng 12/2021 chúng tôi nhận thấy: từ cổng phụ đi vào khu Kí túc xá Sinh viên chừng hơn 200m, chúng tôi phát hiện phía trái hướng đi có tới 3 căn nhà được xây dựng lợp mái tôn nằm cách nhau không xa. Căn nhà thứ nhất khá lớn tọa lạc trên diện tích đất khoảng 600m2. Căn nhà này có hai phần riêng biệt, phía ngoài là nơi sinh hoạt của gia đình thầy D. và cô L., phía trong là một căn phòng được ông Trần Đình Sơn (nguyên Hiệu trưởng, đã nghỉ hưu tháng 5/2020) sử dụng. Theo quan sát của chúng tôi, căn phòng này được bố trí giường ngủ, bàn làm việc và rất nhiều thùng hồ sơ, tài liệu.

 Căn nhà thứ 2 đang có sự hiện diện của gia đình ông Trần Đình T. là nhân viên của trường. Qua tìm hiểu được biết gia đình ông T có hoàn cảnh khá khó khăn, cả hai vợ chồng đều có thu nhập thấp, chưa có nhà riêng, con còn nhỏ. Ông T. đã được lãnh đạo trường “cho mượn” đất và tự bỏ chi phí để xây dựng nhà. Dĩ nhiên việc linh động giải quyết này cũng hoàn toàn sai nguyên tắc.

Khu nhà được xây dựng không phép nơi anh H. sở hữu một phần. ( Ảnh: Nguyễn Phong).

Căn thứ 3 là một dãy nhà dài nằm quay lưng ra đường, được chia ra hai phần, trong đó công nhân đang sử dụng một phần, phần còn lại thuộc quyền quản lí của anh Hiếu (nhân viên cũ của trường đã thôi việc, hiện kinh doanh lĩnh vực xây dựng-PV ). Theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, để được sở hữu một phần dãy nhà này anh Hiếu đã phải chi ra một số tiền không nhỏ cho việc “quan hệ” với lãnh đạo nhà trường. Điều đáng nói, 3 ngôi nhà không phép này vốn nằm trong địa giới quản lý của nhà trường, nhưng thời gian gần đây hàng rào trường đã dịch chuyển và 1 trong 3 ngôi nhà này không còn nằm trong khuôn viên trường nữa?!

Tiếp tục đi hướng vào khu Kí túc xá, chúng tôi còn phát hiện nhiều vị trí đã được san gạt, có dấu hiệu phân lô, trong đó một diện tích khoảng 2000m2 đã được đưa ra phía ngoài hàng rào. Trong khi đó, theo những cán bộ đã tham gia tiếp nhận ranh giới đất của đơn vị thì diện tích trên nằm trong mốc giới của nhà trường. Cũng theo con đường dẫn vào Kí túc xá, khu vực sân tập lái xe ô tô được xây dựng sắp hoàn thiện cũng được phơi bày.

 Ngang nhiên xây dựng Trường lái khi chưa được phép

 Tại hiện trường, theo ghi nhận của chúng tôi, một khu dự án rộng lớn đã được triển khai xây dựng. Nhiều hạng mục: Dốc “đề pa”, nhà chờ, đường lăn, sân đỗ, v.v... đã hoàn thiện, có lẽ chỉ cần lắp đặt thêm một số thiết bị nữa là công trình này có thể đưa vào khai thác.

Một phần khu Trường lái đã xây dựng về cơ bản các hạng mục. ( Ảnh; Nguyễn Phong) 

Qua tìm hiểu của PV, thì đây chính là Khu trung tâm Dịch vụ và Đào tạo lái xe (Trường lái) trong khuôn viên Trường CĐ Du lịch Đà Lạt. Các hồ sơ thể hiện Trường lái này mới chỉ được Bộ VHTTDL chấp thuận về chủ trương, chưa được phê duyệt đề án xây dựng. Cụ thể, ngày 29/9/2010 Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 3476/QĐ-BVHTTDL bổ sung chức năng đào tạo lái xe cho Trường CĐ Du lịch Đà Lạt. Trên cơ sở đó, trường đã thành lập Trung tâm dịch vụ và đào tạo lái xe với biên chế 3 người nhưng gần 10 năm qua chức năng đào tạo lái xe của trung tâm hoàn toàn không hoạt động. Ngày 19/10/2019, Trường CĐ Du lịch Đà Lạt có tờ trình số 97/TTr-CĐDLĐL trình Bộ VHTTDL xin phê duyệt chủ trương xây dựng đề án Trường lái. Đến ngày 23/10/2019 tại văn bản số 4282/BVHTTDL-KHTC về việc quản lí tài sản công, Bộ VHTTDL đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng “Đề án liên kết đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng hiện có Khu quy hoạch Trường lái".

Mặc dù mới chỉ được cơ quan chủ quản chấp thuận về chủ trương và chưa xây dựng đề án Trường lái trình Bộ VHTTDL phê duyệt, nhưng ông Trần Đình Sơn, Hiệu trưởng (lúc đó) và Ban lãnh đạo nhà trường đã gấp rút ban hành các thủ tục “Liên kết đầu tư” “Lựa chọn đối tác”, thành lập Hội đồng thành viên góp vốn và một loạt các thủ tục khác để lựa chọn và giao Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt triển khai xây dựng Trường lái.

Khu vực nhà chờ và dốc "đề pa" trong khuôn viên Trường lái. ( Ảnh: Nguyễn Phong)

Ngày 20/2/2020 Trường tiếp tục có tờ trình số 75/TTr –CĐDLĐL trình Bộ VHTTDL về việc đề nghị phê duyệt Đề án liên kết đầu tư hoàn thiện hạ tầng hiện có tại Trường lái. Tuy nhiên, đến nay tờ trình này vẫn chưa được Bộ VHTTDL xem xét phê duyệt. Điều đáng nói, nội dung văn bản Trường CĐDLĐL nêu: đã góp 4,3 tỷ đồng để xây dựng Trường lái; Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt góp hơn 15,3 tỷ đồng.

 Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt) qua điện thoại PV được ông cho biết: “Chi phí đã đầu tư phần xây dựng sân bãi là gần 1,5 tỉ đồng chưa tính những khoản chi không chính thống khác. Vì quá tin tưởng vào lời hứa cũng như những hồ sơ mà phía lãnh đạo trường do ông Sơn đưa ra nên chúng tôi đã nóng vội bỏ tiền đầu tư. Hiện tại, các hạng mục đã cơ bản hoàn thiện, nhưng sau khi có đơn thư của cán bộ nhà trường thì dự án bị đình trệ trong thời gian cả năm nay khiến chúng tôi rất khó khăn và cũng chưa biết lúc nào thì được thi công trở lại.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

Làm việc với ông Phan Minh Đạt, Quyền Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Đà Lạt về những vấn đề liên quan, ông Đạt cho biết: Khu trung tâm Dịch vụ và Đào tạo lái xe chưa được Bộ VHTTDL phê duyệt đề án xây dựng. Trước đây, ông Trần Đình Sơn (nguyên Hiệu trưởng) đã ký văn bản liên kết hợp tác với Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt theo hình thức góp vốn để xây dựng Trường lái (lúc đó ông Đạt đang là Phó hiệu trưởng –PV). “Trường cũng đã thực hiện góp vốn 4,3 tỷ đồng để triển khai xây dựng Trường lái; Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt cũng đã triển khai xây dựng một số hạng mục tại đây nhưng do có sai phạm nên đã đình chỉ xây dựng”.

Bảng Chi tiết tài sản đầu tư giữa Trường CĐ Du lịch Đà Lạt và Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt..

"Còn 3 căn nhà mọc trên đất nhà trường đều là nhà tạm, không có phép. Căn nhà thứ nhất là nhà ở công nhân gói thầu 09 do nhà thầu làm để phục vụ thi công các hạng mục tại trường. Sau khi hoàn thành, đơn vị thi công không tháo dỡ nên trường để lại làm nhà kho. Gần đây, có trường hợp gia đình cán bộ nhà trường khó khăn về nơi ở nên trường bố trí cho họ về ở tạm. Căn nhà thứ 2 của gia đình ông Trần Đình T nhân viên nhà trường, có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi tạm cho xây dựng nhà tiền chế để ở. Căn nhà thứ 3 cũng là nhà ở công nhân, các nhà này có từ thời thầy Trần Đình Sơn còn đương nhiệm. Còn việc hàng rào được đẩy ra sau lưng ngôi nhà mà ông Sơn đang sở hữu một phần (ngoài phạm vi đất nhà trường) là do trước đó đất sạt lở nên mới tạm dời hàng rào như hiện nay, chúng tôi đang liên hệ với cơ quan chức năng để xác định lại mốc giới", ông Đạt cho hay.

Trả lời câu hỏi của PV, vì sao ông cho rằng căn nhà thứ nhất là nhà kho nhưng lại để ông Sơn chiếm hữu một phần trong khi đã thôi nhiệm vụ từ tháng 5-2021? Vì sao hồ sơ, tài liệu của đơn vị lại có trong phòng phía ngoài bờ rào của ông Sơn, trong khi khu nhà Hiệu bộ của trường rất rộng? Hướng xử lí tiếp theo đối với những căn nhà không phép đã nêu ra sao? Việc để xây dựng khu trường lái khi chưa được phép thì trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lí tiếp theo như thế nào?

Ông Phan Minh đạt cho biết, sắp tới sẽ cho dỡ bỏ nhà kho, tiến hành lập đoàn công tác để tiến hành kiểm đếm và xác định số hồ sơ trên để có phương án bảo quản phù hợp. Riêng việc xây dựng khu Trường lái đã xảy ra trong thời kì anh Sơn làm lãnh đạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Bộ VHTTDL phê duyệt đề án và sau đó mới cho tiếp tục hoàn thiện công trình." 

Như vậy “quả bóng trách nhiệm” được chuyền qua lại giữa ông Đạt và ông Sơn mà chưa có câu trả lời thỏa đáng cho công luận. Trong khi ông Sơn đã thôi nhiệm vụ từ tháng 5/2020 mà vẫn còn chiếm hữu một căn phòng nằm ngoài tường rào và đưa về đó nhiều hồ sơ, tài liệu của trường thì không ai hiểu nổi công tác quản lí của đơn vị này như thế nào?!

Nhiều câu hỏi được đặt ra: cơ quan nào cấp phép xây dựng cho công trình xây dựng Trường lái? Vì sao thủ tục liên quan chưa được phê duyệt mà Ban lãnh đạo trường căn vào đâu để "chọn thầu" và "giao thầu" cho Công ty TNHH Thành Thắng Đà Lạt? Căn cứ nào để lãnh đạo nhà trường tự định giá gần 11.000m2 đất có giá 4,3 tỉ đồng và chỉ chiếm 22% trong tỉ lệ nguồn vốn của liên doanh này như đã thể hiện tại Bảng chi tiết tài sản đầu tư? Liệu việc biến quỹ đất này thành tài sản góp vốn có hợp lệ, có làm mất đi quyền sở hữu tài sản công, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước giao?!

Đến đây có thể thấy rằng, ban lãnh đạo Trường CĐ Du lịch Đà Lạt đã vi phạm nghiêm trọng Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Bởi lẽ, đề án Trường lái chưa được phê duyệt mà những người đứng đầu Trường này đã tự ý triển khai, liên kết gốp vốn và để hàng loạt công trình xây dựng không phép tồn tại hiên ngang trong khuôn viên đơn vị.

 Với nhiều bất thường trong quản lý đất mà chúng tôi đã nêu, người dân và dư luận nghi ngờ đang có việc chuyển hóa từ đất công thành đất ông nơi đây. Dư luận cho rằng, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lâm Đồng cần chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh, cập nhật đến bạn đọc những bài viết tiếp theo.

Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu