18:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt nhiều thách thức từ thị trường xuất khẩu chủ lực

Tuấn Minh (t/h) | 14:59 14/10/2022

(THPL) - Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng qua tuy có tăng trưởng, nhưng từ tháng 5 đến nay doanh số giảm và tháng 9 chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD giảm 21% so với tháng trước đó. Để lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Theo TTXVN đưa tin, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thông tin những tháng gần đây thị trường gỗ đang ảm đạm, khi doanh thu và đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn.

Theo khảo sát của các hiệp hội gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy vài tháng gần đây đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm tới 50%.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm chính của Việt Nam, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đang có sự giảm tốc. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Mỹ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,25 tỷ USD, giảm 0,6 %.

Đại dịch Covid-19, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới trong đó có Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh… là những nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao, hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm. Việc này dẫn đến tồn kho sản phẩm đồ gỗ tại các thị trường này còn khá nhiều.

Tuy nhiên, tại Mỹ, những tháng cuối năm thường là giai đoạn người dân sẽ trang hoàng, sửa chữa lại nhà cửa để chuẩn bị đón một loạt các dịp lễ quan trọng như Noel, năm mới. Thông thường vào giai đoạn này, nhu cầu đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất sẽ tăng cao do đó đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt bứt phá những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp gỗ đối mặt nhiều thách thức từ thị trường xuất khẩu chủ lực. Ảnh minh hoạ

Theo kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp ngành gỗ của Tổ chức Forest Trends cũng cho thấy, sự sụt giảm rõ nét về đơn hàng gần đây. Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu sản phẩm gỗ đi Mỹ được khảo sát, có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, nhưng mức tăng rất nhỏ, ở mức 11%.

Thị trường EU cũng tương tự, trong số 38 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết, doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp xuất khẩu thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Với tình hình thị trường như hiện nay, doanh nghiệp cho rằng nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Báo VTV News đưa tin, theo một số khảo sát gần đây, dù có xu hướng hạn chế mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, tuy nhiên, 64% số người được hỏi cho biết vẫn sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các đồ dùng có chất lượng tốt, độ bền cao, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, thay vì chi tiền cho các mặt hàng có tính chất "thời vụ" như trước đây. Vì vậy, câu chuyện đối với các hãng sản xuất đồ nội thất Việt Nam là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm để hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; bên cạnh đó cũng cần đa dạng về chủng loại và mẫu mã để phù hợp với các tầng lớp khách hàng khác nhau.

Theo báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố bất định, trong đó khó khăn, thách thức là rất lớn, có thể tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức cụ thể là lạm phát cao ở nhiều nước; đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại chậm lại; đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi do Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu…

Về phía doanh nghiệp gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, lâu nay, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ lực nên mỗi khi các thị trường này có biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay lập tức bị ảnh hưởng . Do đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với địa phương theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là vấn đề nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu…

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu