02:09 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN
Văn hóa - Du lịch
Bóng đá Việt Nam nhìn mặt sân đến cơ sở vật chất: Không thể phát triển bằng... niềm tin!
Nguyên Khôi - Hồ Minh 15:53 12/04/2024
THPL - Thật sự rất hài hước khi HLV trưởng CLB Thanh Hóa chê chính mặt sân Thanh Hóa, nhưng nghe đầy đủ phát biểu thì thấy xấu hổ cho chính bóng đá Việt Nam.

Chuyện mặt sân ở V.League…

Cách đây một tháng, HLV Velizar Popov nói: “Mặt sân Thanh Hóa tệ đến mức bạn đi bộ cũng có thể dính chấn thương”.

Tuần trước, thủ môn Filip Nguyễn đưa lên mạng xã hội về mặt sân Thanh Hóa theo cách hài hước. Anh chia sẻ hình ảnh mặt sân xấu xí, kèm theo ba đáp án: Camp Nou – bãi biển – sân cỏ V.League. Không khó để hiểu Filip Nguyễn chê mặt sân Thanh Hóa chẳng khác gì bãi biển. Còn HLV Velizar Popov của Thanh Hóa nói gì?

HLV Velizar Popov nói: “Mặt sân Thanh Hóa tệ đến mức bạn đi bộ cũng có thể dính chấn thương”

“Rất tiếc tôi không thể nói gì về bóng đá cả, mặt sân hôm nay thật tồi tệ. Đây là mặt sân tệ nhất không chỉ ở V.League, mà tính cả ở giải hạng Nhất nữa. Chuyện phải chơi bóng đá chuyên nghiệp trên mặt sân này là điều đáng tiếc. Điều này không hề bình thường, CLB phải chịu trách nhiệm. Ba tháng qua, tôi còn không thể cho đội tập một bài kỹ thuật nào ở mặt sân này, nói gì đến chuyện thi đấu.

Chúng tôi không thể chiến thắng ở trên một mặt sân như thế này, bởi lối chơi của chúng tôi dựa trên việc kiểm soát bóng. Tôi đang làm phần việc của mình, CLB cũng nên làm phần việc của họ, vì các cầu thủ của họ”, HLV Popov nói.

Chuyện mặt sân ở V-League không mới, nhưng luôn nóng...

Hãy đặt ra vài câu hỏi như thế này để thấy một điều tồi tệ đã tồn tại ở bóng đá Việt Nam:

- Ban tổ chức giải đã làm gì trong nhiều tháng qua khi trước mỗi trận đấu của CLB Thanh Hóa đều có phần kiểm tra mặt sân?

- Nếu mặt sân Thanh Hóa đạt chuẩn để có thể thi đấu chuyên nghiệp thì tại sao HLV Popov nói ba tháng rồi không thể tập kỹ thuật?

- Trường hợp không đạt chuẩn theo cách nói của HLV Popov là “tệ đến mức bạn đi bộ cũng có thể dính chấn thương”, VPF chấp nhận cho thi đấu thì chẳng khác làm hại cầu thủ?

Công tác quản lý của VPF thực sự có vấn đề quá lớn! Nên nhớ, HLV Popov không chỉ chê mặt sân Thanh Hóa một lần, mà phát biểu rất nhiều lần.

Với những ai dõi theo bóng đá Việt Nam, chuyện mặt sân V.League luôn là bài ca bất tận. Điển hình từng có sân Vinh, sân Lạch Tray trong quá khứ cũng bị nói tệ như sân ruộng. Nghe thôi đã xấu hổ, còn hậu quả thì ai cũng thấy được, cầu thủ rất dễ bị chấn thương, hình ảnh CLB lẫn giải đấu bị ảnh hưởng…

…Đến sân bóng và cơ sở hạ tầng

CLB và sân bóng, điều gì có trước? Câu hỏi này dễ làm chúng ta liên tưởng đến câu đố con gà và quả trứng. Với bóng đá Việt Nam, chuyện lạ là các đội bóng ra đời rất dễ dàng, mà không hề quan tâm đến cơ sở vật chất.

Hà Nội FC có nhiều năm phải thuê cơ sở của Liên đoàn bóng đá Việt Nam để “đóng quân” và tập luyện. Sân Hàng Đẫy cũng được Hà Nội FC thuê để thi đấu. Tức đội bóng Thủ đô từng có thời gian dài chẳng có gì… ngoài đội bóng dù có nhiều lần vô địch V.League.

Cơ sở hạ tầng, sân bóng của các CLB cũng là vấn đề "nhức nhối" trong nhiều năm

Quảng Nam FC đang thi đấu ở V.League nhưng chưa có trận nào thi đấu trên sân Tam Kỳ. Một số vấn đề khác như sau: Chủ tịch CLB là ai? Đội bóng đang “đóng quân” ở đâu? Sân tập như thế nào?

Một đội bóng đang thi đấu ở sân chơi cao nhất mà thiếu thốn toàn diện, liệu các đội bóng phía dưới sẽ ra sao?

Kon Tum FC đang thi đấu ở giải hạng Nhì 2024. Đội bóng có biệt danh bầy dê núi thiếu toàn diện từ sân tập đến nơi ăn, ở, không có trung tâm đào tạo trẻ, không có cầu thủ địa phương…

HLV Trần Minh Chiến (giám đốc kỹ thuật CLB Kon Tum) nói rằng: “Thực sự thấy mạo hiểm và đầy thử thách, ai nhìn vào cũng nghĩ vậy. Vì đội bóng thiếu nhiều điều kiện cần thiết để đội bóng phát triển. Tôi thực sự rất mong CLB sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp và người hâm mộ”.

Câu chuyện của CLB Kon Tum phản ánh điều gì? Doanh nghiệp đứng ra làm bóng đá, nuôi cầu thủ và ban huấn luyện nhưng họ không được hỗ trợ về cơ sở vật chất. Đội bóng phải thuê nơi ở, sân tập và không có điều kiện để làm đào tạo trẻ.

HLV Trần Minh Chiến - Giám đốc kỹ thuật CLB Kon Tum

Cơ sở vật chất thiếu thốn, tồi tàn và lạc hậu là vấn đề thực sự của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Chúng ta luôn nói về việc phát triển bóng đá, hay tiến đến giấc mơ World Cup nhưng không có nền móng vững chắc.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản - Kozo Takashima từng đưa ra lời khuyên cho bóng đá Việt Nam: “Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu. Bóng đá luôn phải tập trung vào 3 nền tảng chính: Cơ sở vật chất, bồi dưỡng cho các HLV và đào tạo cầu thủ trẻ”.

“Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả" - Ông Kozo Takashima

Chúng ta thấy rằng, thứ tự theo ông Kozo Takashima đưa ra thì chuyện đào tạo cầu thủ trẻ đứng sau cơ sở vật chất và bồi dưỡng các HLV. Hãy nhìn câu chuyện của CLB Thanh Hóa có thể hiểu được vấn đề này. HLV Popov giỏi nhưng sân Thanh Hóa quá xấu, không tập chiến thuật được thì không thể chiến thắng. Vế còn lại là có điều kiện tốt và thầy giỏi thì công tác đào tạo trẻ sẽ tốt.

Bóng đá rõ ràng không thể phát triển bằng... niềm tin. Nếu không có thay đổi về việc phát triển cơ sở vật chất thì bóng đá Việt Nam đừng nói về giấc mơ World Cup!

Tin liên quan
TAG: THPLBóng đáCLBVLeaguesân tậpcơ sở hạ tầng

Bình luận