10:27 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Lâm Bình: Giữ gìn văn hóa và phát triển sinh kế bền vững

(THPL) - Về với huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, là đến với một mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Giữa không gian hoang sơ của núi rừng, đâu đó dọc những triền đồi, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang miệt mài bên khung cửi, tiếng “lách cách, lách cách” đều đặn của con thoi, cùng những tấm vải thổ cẩm tinh xảo được dệt nên từ đôi bàn tay khéo léo của họ.

Clam Shell Brown Creative Modern Pattern Background Photo Small Business Management Instagram Post-2

Đó là nghề dệt thổ cẩm - một nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn ở đây, không chỉ là phương thức để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc mà còn là sinh kế bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Những tấm vải mang hơi thở của đất, của người

Chị Ngô Thị Chín (ở thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm) kể với chúng tôi về công việc làm thêm của mình sau những giờ đồng áng. Công đoạn đầu tiên là lấy bông về rồi bật, bật xong mới kéo sợi, có sợi rồi mới se, se xong thì quấn quanh các cột nhà sàn để căng sợi cho vào khung dệt. 

Chị Chín bảo rằng, nghề dệt không hề đơn giản, nhưng với bà con nơi đây, đó không chỉ là công việc, mà là một phần của đời sống văn hóa, là cầu nối giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Những tấm vải dệt nên từ khung cửi không chỉ là vật dụng cần thiết mà còn chứa đựng những câu chuyện, những ký ức gắn bó với từng gia đình, từng bản làng.

Bản sao Clam Shell Brown Creative Modern Pattern Background Photo Small Business Management Instagram Post-2 6

Chị cho biết, vải thổ cẩm của chị thường được dùng để làm chăn, đệm, gối, và đặc biệt là những bộ chăn truyền thống dành tặng gia đình nhà chồng trong lễ cưới. Đây không chỉ là món quà, mà còn là một cách thể hiện sự kính trọng, lòng hiếu thảo của người con dâu đối với gia đình nhà chồng. "Ngày trước, về nhà chồng là phải có 13-14 cái chăn, bây giờ thì có thể mua thêm, nhưng tôi vẫn thích làm những thứ này bằng tay. Chúng mang đậm dấu ấn cá nhân và tình cảm".

Những bộ chăn thổ cẩm không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng tình cảm thiêng liêng. Dẫu cho xã hội có đổi thay, những người phụ nữ như chị Chín vẫn miệt mài với công việc này, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Cứ thế, nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị văn hóa đậm đà và cuộc sống đương đại.

Nghệ nhân nghề dệt với những câu chuyện từ khung cửi

Nghệ nhân Chẩu Thị Sen (52 tuổi, xã Thượng Lâm) là một trong những người đã gắn bó với nghề dệt từ những năm thiếu thời. "Tôi bắt đầu dệt vải từ năm 15 tuổi, ngày đó, con gái không biết dệt vải thì chẳng ai muốn lấy làm vợ", người nghệ nhân nhớ lại.

Clam Shell Brown Creative Modern Pattern Background Photo Small Business Management Instagram Post-3

Ngày ấy, công việc dệt vải là trách nhiệm của các cô gái, là một trong những yếu tố quan trọng để trở thành người con dâu đảm đang. Từ những bông bông được trồng, mỗi lần vào mùa thu hoạch, bà con lại rộn ràng chuẩn bị để tiếp tục công việc này.

Nghệ nhân Sen tâm sự: "Sau khi đi đồng về, mình lại bắt tay vào cán bông, bật, se sợi, rồi lên khung dệt. Mỗi nhà có con gái trong bản đều tự dệt, về nhà chồng là có đủ các thứ từ chăn đến gối”.

Trong không gian ấm cúng của nhà sàn, nghệ nhân Chẩu Thị Sen tự hào giới thiệu về những bộ chăn, gối thổ cẩm mà con dâu bà vừa mới làm. Dù thế hệ trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề dệt như thế hệ trước, nhưng trong những bản làng Tày ở Lâm Bình, những giá trị truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy.

Công việc dệt vải không chỉ đơn thuần là làm ra sản phẩm mà còn là cách để mỗi người thể hiện bản thân, gửi gắm những tâm tư, tình cảm vào từng họa tiết, hoa văn trên tấm vải.

Bản sao 2 3

Phát triển nghề dệt thổ cẩm, gắn với du lịch bền vững

Lâm Bình là một vùng đất hội tụ nhiều nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em. Ngoài những lễ hội truyền thống phong phú, các sản phẩm thủ công như thổ cẩm, đan lát mây tre cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Trước xu thế hội nhập và phát triển, nghề dệt thổ cẩm đã được quan tâm hơn, không chỉ vì giá trị văn hóa mà còn vì tiềm năng phát triển kinh tế, tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Nhằm thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch.

"Chúng tôi đã chú trọng đào tạo các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, may sản phẩm lưu niệm, để không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn giúp bà con tăng thu nhập, nhất là đối với chị em phụ nữ ở vùng cao", bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết.

Clam Shell Brown Creative Modern Pattern Background Photo Small Business Management Instagram Post-2

Để phát huy nghề dệt thổ cẩm, Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Lâm Bình đã được thành lập từ năm 2021. Từ chỉ có 7 thành viên, đến nay HTX đã có hơn 30 thành viên, chia thành các nhóm làm các sản phẩm khác nhau như khăn, chăn thổ cẩm, thêu, may đồ lưu niệm... Sản phẩm thổ cẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ nhu cầu của du khách thập phương. Các sản phẩm thổ cẩm của Lâm Bình ngày càng được nhiều người yêu thích, không chỉ vì chất liệu tự nhiên mà còn vì giá trị văn hóa sâu sắc ẩn chứa trong đó.

"Chúng tôi thấy được tiềm năng của thổ cẩm, là sản phẩm du khách ưa chuộng, đồng thời là sản phẩm có thể tạo thu nhập cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ nông thôn", bà Hồng nói thêm.

Thực tế, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình đào tạo và kết nối thị trường, nghề dệt thổ cẩm đã góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, đồng thời giữ gìn và phát huy một phần quan trọng trong nền văn hóa truyền thống.

Bản sao Clam Shell Brown Creative Modern Pattern Background Photo Small Business Management Instagram Post-2 4

Việc phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Bình không chỉ đơn giản là bảo tồn một phần di sản văn hóa mà còn tạo ra những cơ hội kinh tế bền vững cho cộng đồng. Những người phụ nữ nơi đây không chỉ khéo tay, mà còn sáng tạo trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra những sản phẩm không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có giá trị kinh tế. Những chiếc chăn, chiếc gối, chiếc khăn thổ cẩm không chỉ là những vật dụng sinh hoạt, mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của bà con dân tộc Tày, nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Bình đang dần trở thành một thương hiệu đặc trưng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, việc duy trì và phát triển nghề truyền thống này cũng là cách để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em tại Lâm Bình, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu của mảnh đất này.

Trình bày: Quốc An 

26/11/2024