11:53 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

KĐT Việt Hàn, Thái Nguyên: “Đầu tư bây giờ thì sẽ có rủi ro”

14:34 05/05/2021

(THPL) – Đó là lời của của nhân viên tư vấn bán hàng tại dự án KĐT Việt Hàn khi được hỏi về rủi ro của "hợp đồng vay vốn" khiến chúng tôi ngạc nhiên đến...tái mặt!.

Như trước đó, Thương hiệu và Pháp luật có bài viết phân tích về tính rủi ro trong việc huy động vốn bằng hình thức "Hợp đồng vay vốn" tại dự án KĐT Việt Hàn (TX Phổ Yên, Thái Nguyên) khi bạn đọc phản ánh.

Để xác minh thông tin của độc giả, PV Thương hiệu và Pháp luật trong vai khách hàng có nhu cầu đầu tư vào dự án. Tại đây, nhân viên tư vấn bán hàng giới thiệu là nhân viên Công ty CP BĐSHải Long Land cho biết: “Hiện tại hợp đồng bên em là hợp đồng vay vốn. Dự án bên em là hơn 38ha, đợt một bên em ra hơn 200 lô, đợt hai ra blok 29-30, đợt ba hiện tại là ra 18-19. Ở đây thì hết rồi, không còn lô nào, dự án cũng bán được nhiều rồi anh ạ. Giai đoạn ba đã bán liền kề 18-19”.

Theo lời người bán hàng thì các vị trí tô đỏ đã được bán hết.
Lách luật bằng hình thức vay vốn thì không có gì xa lạ tại dự án này.

Nhân viên tư vấn cho biết thêm: “Hiện tại hạ tầng chưa xong nên bên em làm hợp đồng vay vốn, khi xong hạ tầng sẽ làm hợp đồng mua bán.  Hiện bên em đang bán ở vị trí mà người ta đang san lấp ở cánh đồng kia đấy anh. Hai cái lô góc bên em ra giá là 35,5 triệu/m2, liền kề 17-11 là 35,5…. Bây giờ, bên em không còn nhiều nữa. Dự án triển khai nhanh thì tháng 8, tháng 9 là xong phần hạ tầng, nếu không thì cuối năm. Bây giờ các nhà đầu tư toàn xây chỉ mặt đường, còn phía trong thì người dân tự xây. Hầu như các dự án đều làm hợp đồng vay vốn. Theo quy định pháp luật, bây giờ phải xong hạ tầng thì bên em mới bán, nhưng lúc đấy mua giá nó đắt. Hợp đồng mua bán tốt hơn mà giá cả hợp lý”.

“Bên em đóng thành năm đợt, tháng 8 năm nay sẽ ra được hợp đồng mua bán, nếu đóng theo hợp đồng vay vốn này thì các anh đã vào được 80%. Lúc đấy muốn chuyển sang hợp đồng mua bán thì các anh phải đóng hết luôn. Không thì cứ theo hợp đồng vay vốn này khi nào đóng hết thì bên em sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán”, nhân viên tư vấn nói. 

Thậm chí, nhân viên tư vấn bán hàng tại Dự án KĐT Việt Hàn thẳng thắn chia sẽ quan điểm: “đầu tư bây giờ thì sẽ có rủi ro. Bao giờ chủ đầu tư cũng làm cái gì đó có lợi cho bên họ hơn”.

Nói về vấn đề trên, ông Lưu Viết Luyện – Giám đốc bán hàng của Công ty CP BĐS Hải Long Land cho hay: “Đến nay dự án Việt Hàn chưa mở bán”. Nhưng sau đó, vị này thừa nhận rằng đã ký kết hơn 100 hợp đồng vay tiền của người dân kèm Phiếu Đăng ký nhu cầu mà thực chất là mua bán “trá hình” hợp đồng vay vốn.

Thậm chí, trước đó, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Hải Long Land khẳng định: “Dự án mới triển khai chưa xong hạ tầng, do đó khi khách hàng đặt mua phải ký hợp đồng vay vốn thay vì hợp đồng mua bán”.

Giấy xác nhận của Công ty TNHH BĐS và Thương mại Việt Hàn.
Dự án đang triển khai san lấp mặt bằng.

Qua đó cho thấy, hiện nay, Dự án KĐT Việt Hàn chưa đủ điều kiện để bán, cũng như huy động vốn theo quy định của pháp luật và thông báo của Sở Xây dựng Thái Nguyên.  Tuy nhiên, trên thực tế chủ đầu tư dự án đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán ‘ẩn danh’ dưới dạng hợp đồng vay vốn. 

“Từ những phân tích ở bài trước, thì dưới góc độ pháp lý, dựa vào nội dung thỏa thuận trên hợp đồng vay vốn có thể thấy, đây là một hợp đồng giao dịch thông thường. Trong đó, bên cho vay là khách hàng, còn bên vay là chủ đầu tư dự án.

Nếu có tranh chấp thì chỉ giải quyết theo Luật Dân sự về hợp đồng vay vốn thông thường. Phải chăng, đây thực chất là một hình thức "lách luật" thay thế cho thỏa thuận đặt cọc mua nhà tại dự án.

"Đừng vì lời chào mời có cánh, hấp dẫn mà khách hàng vội bỏ tiền ra để rồi mang về một bản hợp đồng mua bán dưới hình thức vay vốn, góp vốn hay hợp đồng hợp tác. Bởi vì, rất có thể không nhận được đất, để rồi đưa nhau ra tòa. Và trong trường hợp đó, dĩ nhiên là bên mua đất sẽ phải chịu thiệt thòi”, Luật sư Lê Hữu Linh - GĐ Công ty Luật TNHH ATOZ bày tỏ.

Khi được hỏi về vấn đề trên, ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết: “Tôi sẽ cho anh em kiểm tra và phản hồi báo chí sau”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin từ đơn vị này.

Có thể nói rằng, việc chủ đầu tư xây dựng một dự án hàng ngàn tỷ đồng là cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Phổ Yên đang đánh giá tiềm lực kinh tế, kỳ vọng, đặt niềm tin vào doanh nghiệp đó, nhằm tạo nhiều đổi thay bộ mặt cho tỉnh nhà. Cụ thể đó là, Liên danh giữa Công ty CP BĐS Hải Long Land và Công ty CP Đầu tư đô thị và KCN Sông Đà 7.

Tuy nhiên, khi dự án đang còn dở dang thì chính doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Nguyên "chọn mặt gửi vàng" lại đi huy đông vốn bằng hình thức vay vốn. Phải chăng, năng lực tài chính của doanh nghiệp đang khó khăn nên mới làm như vậy? 

Đồng thời, chúng ta đều biết rằng rủi ro của khách hàng là năng lực tài chính, phương án kinh doanh của doanh nghiệp? Doanh nghiệp dùng tiền vay cho mục đính nào? Việc sử dụng này có được cơ quan nhà nước kiểm tra, đánh giá trước khi khách hàng cho vay?

Có lẽ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các cơ quan ban nghành cần nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng trước khi xảy ra những điều đáng tiếc.

(còn nữa)

UY VŨ - ĐỖ QUANG

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu