12:53 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam

17:01 11/12/2017

(THPL) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các chuyên gia nông nghiệp để xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, gạo xuất khẩu muốn được dán nhãn thương hiệu Quốc gia phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGaP hoặc tương đương.

Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nằm trong phân khúc chất lượng thấp, trung bình. Mặc dù lượng gạo được xuất khẩu hàng năm nhiều, từ 5-7 triệu tấn/năm, nhưng lượng ngoại tệ thu về lại ít hơn các nước đã xây dựng được thương hiệu gạo khác như: Thái Lan, Ấn Độ… Đồng thời, gạo Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ thương hiệu gạo của các nước này. Do vậy, việc đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu gạo là một trong những giải pháp cấp bách của ngành nông nghiệp, thông tin trên TTXVN cho hay.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Quốc gia Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam, tạo niềm tin và uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng. Từ đó, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

gạo xuất khẩu, xây dựng thương hiệu
Cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: Báo Dân Việt

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo quy chế là điều kiện để sản phẩm gạo được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia, đó là gạo trong nước phải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Quy định này nhằm đảm bảo sản phẩm gạo có đặc tính và chất lượng ổn định, đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy định và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng lúa là quan trọng, cần khuyến khích. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tìm nguyên liệu của Vinafood 1 tương đối khó khăn. Vì qua 3 năm triển khai, vùng lúa trồng theo VietGAP là rất ít.

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng, quy chế về nhãn hiệu Gạo Việt Nam không nên quy định “cứng” là sản phẩm đạt VietGAP mà chỉ nên đưa vào là sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nói chung.

Theo báo Dân Việt, thương hiệu gạo Việt Nam cần được hiểu là sự nổi tiếng của gạo Việt trên thị trường, vì vậy sự nổi tiếng này không nhất thiết chỉ dựa trên một giống nào đó mà có thể là sự phong phú đa dạng về chất lượng, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người tiêu dùng các nước. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó... mà nó còn bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm (giống), kỹ thuật sản xuất (điều kiện sinh thái, canh tác, chế biến, đóng gói), sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng... Đây chính là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo Quốc gia. 

Theo báo Công Thương, trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo là mặt hàng có kim ngạch tăng cả về lượng và giá trị.

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu