15:30 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vua dép lốp: Thương hiệu độc đáo mang bản sắc Việt

01:10 28/08/2017

(THPL) - Với slogan “Đi dép cao su mang ý chí mạnh hơn” - "Vua dép lốp" đang ngày càng trở thành một trong những thương hiệu lớn mạnh, mang đậm đặc trưng, bản sắc Việt Nam.

Ông Phạm Quang Xuân ở phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình (Hà Nội) năm nay gần 80 tuổi, và đã có hơn 50 năm theo nghề làm dép cao su.

Đi từ chiến tranh đến hiện tại

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những chiếc dép cao su đã trở thành một trong những vật dụng bất ly thân của bộ đội bởi tính tiện dụng, có độ bền cao, chịu được áp lực của những cuộc hành quân đường dài, phải trèo đèo lội suối.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 20 năm cuối đời (1947 -1969) thường xuyên sử dụng đôi dép cao su. Chúng gắn liền với chặng đường hoạt động cách mạng của Bác trong và ngoài nước. Vậy nên ngoài tên gọi truyền thống, ở Việt Nam loại dép này còn được gọi với cái tên khác là dép Bác Hồ, dép Hồ Chí Minh...

Sau giải phóng, những chiếc dép cao su đã dần bị lu mờ bởi sự xuất hiện của dép nhựa có ưu điểm về độ nhẹ và giá thành rẻ hơn. Thế nhưng ở một con ngõ nhỏ của Hà Nội hiện nay vẫn còn một nghệ nhân ngày ngày cần mẫn sản xuất những đôi dép của một thời quá khứ - Đôi dép Bác Hồ.

Dòng dép Khe Sanh 4 quai có mặt từ những năm 1968 nhưng đến nay vẫn được ngươi dân ưa chuộng và săn lùng

1 trong 5 người làm dép Bác Hồ

Đó là nghệ nhân Phạm Quang Xuân (SN 1942) tại phố Nguyễn Biểu, Ba Đình Hà Nội. Ông phụ bố làm dép cao su từ năm 12, 13 tuổi. Đôi dép cao su cùng ông lớn lên và gắn bó với ông như máu thịt. Đến năm 1965 ông làm việc tại xí nghiệp Bách Hóa cấp 2, 45 Hàng Bồ, Hà Nội. Ở đó sản xuất dép lốp làm theo dây chuyền: tổ phá lốp, tổ khoanh dép, tổ làm quai, tổ rút quai... Mỗi người chỉ chuyên một công đoạn.

Ông kể: “Nghề này cũng lắm thăng trầm. Đến năm 1975, khi những đôi dép lốp không còn được ưa chuộng, xí nghiệp giải thể, tôi phải chuyển sang làm nhiều việc khác để mưu sinh như khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất, cơ khí...”. Mặc dù vậy, tình yêu của ông với nghề, với đôi dép cao su luôn âm ỉ cháy.

Đến năm 1999, ông Xuân trở lại với nghề. Ban đầu ông chỉ làm vài đôi cho vơi bớt nỗi nhớ nghề và tặng bạn bè người thân làm kỷ niệm. Nhưng rồi người này truyền tai người kia, ngày càng nhiều người nghe tiếng và tìm đến ông để đặt mua. Từ đó, hằng ngày ông cặm cụi sản xuất những đôi dép lốp cho đến nay.

Dép được làm từ lốp cao su cỡ lớn

Những đôi dép do nghệ nhân Phạm Quang Xuân làm không theo một kiểu mẫu có sẵn, ông thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những miếng cao su và đáp ứng những yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt ông đặt tên cho hai mẫu dép là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp. Chúng được mô phỏng theo đôi dép mà Bác Hồ và Bác Giáp từng sử dụng.

Đôi dép Bác Hồ là một đôi dép lốp cũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong hơn 20 năm, từ năm 1947 đến khi qua đời. Những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, chịu nước, bảo vệ bàn chân kể cả khi dẫm lên mảnh chai, thép gai, lửa đỏ. Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Xuân đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kỹ càng hình mẫu đôi dép Bác Hồ cùng với những kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề để có thể mô phỏng chính xác đôi dép ấy.

Năm 1970, ông là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Hiện những đôi dép này đang được trưng bày tại Phủ Chủ tịch và bảo tàng Hồ Chí Minh.

Du khách Nhật Bản tìm mua dép cao su làm kỷ niệm khi đến Việt Nam

Tình yêu nước qua đôi dép cao su

Với hàng nghìn đôi dép được làm hoàn toàn thủ công từ lốp cao su, nghệ nhân Phạm Quang Xuân (Hà Nội) đã chinh phục được nhiều vị khách trong và ngoài nước, với đơn đặt hàng đến từ 60 quốc gia khác nhau.

Những đôi dép cao su với hình ảnh bản đồ Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và cả lịch sử Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ông Xuân cho rằng, “Đây là ý tưởng cần được thực hiện. Bởi lẽ, đất nước mình đã khẳng định chủ quyền về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Tôi nghĩ mình là con dân nước Việt, nên làm gì đó để thể hiện lòng tự hào dân tộc. Vậy là tôi thực hiện ý tưởng khắc bản đồ quốc gia trên đôi dép cao su.

Tôi thấy sản phẩm đôi dép cao su là đặc trưng của Việt Nam, nó đã trải qua 2 cuộc kháng chiến cùng với hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi nghĩ ngoài người dân trong nước, những người nước ngoài đến Việt Nam khi mua đôi dép cao su này về để làm kỷ niệm thì người ta cũng biết đây là sản phẩm của Việt Nam và sẽ có ấn tượng nào đấy. Đó là suy nghĩ rất tự nhiên. Từ ngày 2/9/2012, tất cả các sản phẩm dép cao su của tôi đều sẽ khắc sâu hình ảnh tổ quốc với bản đồ hình chữ S, cùng 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của người con rể, anh Nguyễn Tiến Cường, những đôi dép lốp của nghệ nhân Phạm Quang Xuân càng được nhiều người biết đến hơn nữa qua trang web depcaosu.com.

Hoàng Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu