22:23 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ ông Nguyễn Chấn tố bị chiếm đoạt 30.000 tỷ: Bảo vệ toà nhà nhất quyết không mở cửa

11:38 22/12/2019

(THPL) - Khi tổ công tác của Bộ Công an tới mở niêm phong két sắt để phục vụ điều tra, bảo vệ căn nhà số 141 Võ Văn Tần đã không mở cửa, không phối hợp, không ký vào biên bản làm việc vì phải đợi chỉ đạo từ lãnh đạo công ty.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP.HCM, liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Nam Á; Công ty TNHH Hoàn Cầu; Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang; Công ty TNHH Phương Long Bình, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4, ngày 20/6/2019 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Bảo vệ công ty Sao Sáng nhất quyết không chịu mở cửa để cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung Ương và Công văn số 5794/CSĐT (C01-P4) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 6/12/2019, Công an TP.HCM chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP.HCM phối hợp mở két sắt đang tạm giữ tại nhà số 141 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM, để xác định tài sản, giấy tờ hiện có trong két sắt phục vụ công tác điều tra.

Ngày 19/12/2019, tổ công tác gồm Điều tra viên Bộ Công an, Công an quận 3, Công an phường 6 (quận 3) cùng tổ trưởng tổ dân phố và các bên liên quan đã đến số nhà 141 Võ Văn Tần để tiến hành việc mở niêm phong két sắt.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, bảo vệ của Công ty CP Sao Sáng không cho tổ công tác vào làm việc và có đề nghị chỉ cho vào làm việc khi có chỉ đạo của Lãnh đạo Công ty CP Sao Sáng là ông Phan Đình Tân (Giám đốc, người đại diện pháp luật) hoặc có giấy giới thiệu của công ty này. 

Mặc dù trước đó ông Phan Đình Tân đã đồng ý tham gia chứng kiến việc mở két sắt với tư cách là đại diện Công ty CP Sao Sáng. Tuy nhiên, khi tổ công tác tới để thực hiện mở két sắt, ông Phan Đình Tân lại không có mặt và điện thoại cũng không liên lạc được.

Trước việc bảo vệ Công ty CP Sao Sáng không mở cửa, phối hợp nên tổ công tác đã không thể tiến hành mở niêm phong két sắt theo chỉ đạo của Lãnh đạo Liên ngành Tư pháp Trung Ương và Công văn của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. 

Sau nhiều giờ đồng hồ thuyết phục không được, tới khoảng 18h30 cùng ngày, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc trên trước sự chứng kiến của các bên liên quan. Tuy nhiên bảo vệ Công ty CP Sao Sáng cũng không chịu ký vào biên bản này.

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Chấn cho biết, ông có đăng ký HKTT tại số nhà 141 Võ Văn Tần từ năm 1996. Tuy nhiên, từ tháng 8/2018 ông đã không còn được sinh sống tại căn nhà này.

Chủ sở hữu của Công ty CP Sao Sáng và tài sản của công ty bao gồm két sắt có nguồn gốc là của vợ chồng ông. Do vậy, ông Chấn đã có đơn yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an lấy lại tài sản cho ông và tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để mở niêm phòng két sắt, xác định tài sản, tài liệu, đồ vật có trong két sắt để phục vụ điều tra và trả lại cho ông.

Ông Chấn cũng đề nghị được tiếp tục sinh sống, ra vào căn nhà 141 Võ Văn Tần và sử dụng các tài sản cá nhân trước đó ông sử dụng. Đồng thời đề nghị vụ việc sớm được giải quyết theo quy định của pháp luật và cho đội bảo vệ từng làm việc tại thời điểm vợ chồng ông Chấn sinh sống tại đây được trở lại làm việc thay cho đội bảo vệ hiện tại.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), căn cứ để tổ công tác tới mở két sắt phục vụ điều tra như trên là đúng; các thành phần tham gia tổ công tác cũng đầy đủ theo luật định.

Luật sư Bình cho biết, Điều 195, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định như sau:  Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến…

Trần Tuấn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu