18:22 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ án 2 thanh niên đánh 1 cụ già: Những điều cần làm sáng tỏ

10:46 17/09/2019

(THPL) - Chỉ một vụ án “cố ý gây thương tích” nhưng đã 10 năm trôi qua mà Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn chưa thể đưa ra xét xử để trả lại công bằng cho người bị hại. Liệu Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã làm đúng theo quy định của Luật Tố tụng hình sự hay có sự bao che cho các đối tượng?

Trước đó, chiều ngày 22/8/2010, do có mâu thuẫn trong việc treo hộp công tơ tại số nhà 109 phố Huế, bị can Lưu Minh Khôi (Sinh năm 1980, trú tại 111 phố Huế) đã đấm vào mặt ông Phạm Tiến Dũng khiến ông Dũng bị chảy máu ở mặt, mũi, miệng và gục xuống. Tiếp đó, bị can Lưu Tùng Lâm (Sinh năm 1982, em trai ông Khôi) đã dùng một thanh kim loại to, dài đánh vào tay ông Dũng khiến tay ông bầm tím, sưng nề. Lúc này, bị can Khôi còn dùng bình xịt, xịt thẳng vào mặt vợ chồng ông Dũng.

Ngày 31/3/2011, cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng Hà Nội đã kết luận điều tra vụ án chuyển hồ sơ sang VKSND quận Hai Bà Trưng đề nghị truy tố hai bị can Lưu Tùng Lâm và Lưu Minh Khôi về tội cố ý gây thương tích. Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng cũng đã ra cáo trạng số 498/CT/VKS-HS ngày 17/10/2011 đề nghị xét xử 2 bị can trên tại Khoản 2, điều 104 Bộ luật Hình sự. 

Một vụ án tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng lại đang kéo dài đến 10 năm nay TAND quận Hai Bà Trưng chưa đưa ra xét xử mặc dù đã có tới 4 phiên tòa xét xử được mở ra trong suốt 10 năm nhưng với những lý do khác nhau mà cả 4 lần mở phiên tòa xét xử đều bị hoãn.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND quận hai Bà Trưng ngày 24/7/2019.

Phiên tòa đầu tiên vào ngày 30/12/2011, các bị cáo không đến nên tòa phải hoãn. Phiên tòa thứ 2 mở ngày 18/01/2012, bị cáo Lưu Minh Khôi là Đảng viên chưa có giấy tạm đình chỉ sinh hoạt nên tòa vẫn chưa thể đưa ra xét xử, buộc phải hoãn. Lần thứ 3, phiên tòa được mở vào ngày 11/10/2012, phía bị cáo yêu cầu giám định lại thương tật của ông Dũng nên cũng bị hoãn. Lần thứ 4, phiên tòa được mở vào ngày 22/8/2019, tuy nhiên, một lần nữa phiên tòa bị hoãn do bị cáo Lưu Minh Khôi không có mặt. 

Nhận định về vấn đề trên, luật sư Văn Trường Chinh – Trưởng văn phòng luật sư Nhân Nghĩa, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể: Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng. Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời điểm trên được tính từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Như vậy, TAND quận Hai Bà Trưng đã để vụ án kéo dài tới 10 năm vì cho rằng quá trình thu thập tài liệu ban đầu còn thiếu sót. Mặc dù đã nhiều lần trả lại hồ sơ để điều tra thêm, tuy nhiên sau mỗi lần mở phiên tòa xét xử thì lại có một lý do được đưa ra để hoãn lại. Vậy tại sao TAND quận Hai Bà Trưng không thống kê lại những vấn đề cần được điều tra làm rõ trong một lần mà phải trả lại hồ sơ nhiều lần. Kéo dài thời gian xét xử 1 vụ án như vậy liệu có đúng với luật tố tụng điều tra?

Mặt khác, theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp được phép hoãn phiên tòa xét xử có ghi “Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan”. Nhưng ở phiên tòa thứ nhất, cả 2 bị cáo đều vắng mặt không lý do. Ở phiên tòa thứ 4, bị cáo Lưu Minh Khôi cũng không đến với lý do sức khỏe nhưng Hội đồng xét xử lại không đưa ra một văn bản xác nhận y tế nào liên quan đến tình trạng sức khỏe của bị cáo Lưu Minh Khôi. Như vậy, TAND quận Hai Bà Trưng đã quá “dễ dãi” cho phép hoãn phiên tòa?

Bên cạnh đó, ở phiên tòa lần thứ 2, việc bị cáo Lưu Minh Khôi là Đảng viên chưa có giấy tạm đình chỉ sinh hoạt nên không thể xét xử. Như vậy, quá trình điều tra hơn 2 năm (tính từ ngày đưa ra cáo trạng đến ngày mở phiên tòa lần 2), cơ quan công an là người nắm rõ thông tin bị cáo Lưu Minh Khôi là Đảng viên nhưng lại không đình chỉ sinh hoạt Đảng để đưa ra xét xử. Chỉ đến khi phiên tòa thứ 2 được mở ra, TAND quận Hai Bà Trưng mới đề cập đến việc xác minh, xử lý về mặt Đảng viên đối với bị cáo Lưu Minh Khôi. Phải chăng các cơ quan điều tra đã “vô tình bỏ quên” điều tưởng chừng như hết sức đơn giản này? Hay nghiệp vụ của các thành viên điều tra có vấn đề? 

Phiên tòa thứ 3 bị hoãn do phía bị cáo yêu cầu giám định lại thương tật của ông Dũng. Như vậy chẳng khác nào không công nhận các kết quả khám thương trước đó của các bệnh viện và trung tâm pháp y? 

Theo nhận định của luật sư Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Đối với kết luận của các bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Hữu Nghị và các cơ quan tiến hành giám định sau này còn rất nhiều vấn đề phải làm rõ.

Đối với bệnh viện Thanh Nhàn, phim Xquang chụp các tổn thương của ông Dũng hiện nay đã mất mặc dù trước đó viện đã nộp cho TAND quận Hai Bà Trưng rồi được trả lại nhưng khi cơ quan công an điều tra quận Hai Bà Trưng yêu cầu nộp thì phim này lại bị mất. Có dấu hiệu gì mập mờ trong phim chụp của bệnh viện Thanh Nhàn? Đây là một tài liệu hết sức quan trọng để chứng minh các tổn thương của ông Dũng thì các cơ quan chức năng lại “xem nhẹ”. 

Đối với bệnh viện Hữu Nghị, ông Dũng đã tiến hành điều trị 3 đợt và được đọc phim Xquang cùng bác sĩ phụ trách. Kết luận xương quoai cẳng tay phải bị gãy rạn 1/3. Thế nhưng theo biên bản bàn giao phim của bệnh viện Hữu Nghị cho cơ quan cảnh sát điều tra quận Hai Bà Trưng thì chỉ còn 2 phim Xquang, 1 phim ngày 5/8/2010 và 1 phim không có ngày. Nhưng điều lạ là ngày 23/8/2010, ông Dũng mới nhập viện và ngày 25/8/2010 ông mới được bệnh viện cho đi chụp. Vậy phim ngày 5/8 là phim gì? Của ai? Và phim không có ngày là phim gì? Của ai? Tiếp tục những điều mâu thuẫn là cả 2 phim này đều cho rằng xương không gãy rạn, trái với giấy chứng nhận thương tích do khoa cơ xương khớp của bệnh viện Hữu Nghị kết luận. 

Đối với giám định của Viện pháp y quân đội được tiến hành chụp ở bệnh viện 108 thì theo luật sư Trần Đình Triển: giám định này không có giá trị vì kết quả phim không có chữ ký và dấu của khoa chẩn đoán hình ảnh. Bản thân thời điểm Viện pháp y quân đội tiến hành đưa ông Dũng sang viện 108 chụp phim thì phía bệnh viện cũng đã từ chối với lý do: trường hợp này không có chỉ định chụp. Khi Viện pháp y quân đội vẫn cố tình chụp thì phía bệnh viện 108 đã không đóng dấu xác nhận kết quả.

Đối với Viện pháp y quốc gia đưa ra kết luận một cách chung chung khi dựa trên phim cũ và mới để kết luận xương không gãy là điều tắc trách. Dựa vào phim cũ là phim nào và phim mới là phim nào? 

Đối với hội đồng chuyên môn Bộ Y tế do Cục khám chữa bệnh chủ trì lại căn cứ vào phim chụp ngày 5/8/2010 (theo ông Dũng đó là phim giả) để đưa ra kết luận xương không gãy do ông Hoàng Văn Thành - Phó cục trưởng ký. Còn biên bản của các thành viên hội đồng chuyên môn ký đến nay vẫn chưa thể đưa ra công khai.

Như vậy, đối với 4 cơ quan giám định là Trung tâm pháp y Hà Nội, Viện pháp y quân đội, Viện pháp y quốc gia và Hội đòng chuyên môn Bộ Y tế thì có 3 cơ quan giám định dựa vào những điều không đúng luật để kết luận xương không gãy. Việc làm đó của các cơ quan đang làm “lệch lạc” sự thật. 

Dư luận đang đặt câu hỏi: thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là cơ quan cảnh sát điều tra quận Hai Bà Trưng và TAND quận Hai Bà Trưng có phải đang “đá quả bóng cho nhau” để một vụ việc rõ như ban ngày lại kéo dài đến tận 10 năm? Như vậy những thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần của ông Dũng sẽ tính như thế nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tổn thương đó? 

Liệu rằng sự chờ đợi một ngày được trả lại công bằng có được đền đáp xứng đáng bằng một bản án hợp tình hợp lý cho những kẻ phạm tội? Dư luận vẫn từng ngày chờ đợi câu trả lời vào ngày 19/9/2019 theo lịch hẹn một lần nữa của Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Mạnh Nghiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu