20:38 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

“Vỡ trận” dịch tả lợn châu Phi, Phó Thủ tướng chủ trì họp khẩn

11:06 13/05/2019

(THPL) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên cả nước hiện nay, sáng nay, 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương để tiếp tục củng cố việc chống dịch cũng như đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi.

Theo báo An ninh thủ đô, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho thấy, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,22 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Xác lợn chết thả trôi sông tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo báo Giao thông, sau gần 4 tháng dịch được phát hiện vào Việt Nam, nhiều nơi đã có biểu hiện “vỡ trận” trong kiểm soát dập dịch. Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh rất nhiều xác lợn chết bốc mùi hôi thối trôi dọc con mương thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tương tự, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phản ánh, khu vực cầu phao sông Hóa, đoạn qua xã Cổ Am xuất hiện nhiều xác lợn trong bao tải hoặc vứt thẳng xuống sông, nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn đổ ra cửa biển Thái Bình, đến đoạn cầu phao thì bị chặn lại cùng các loại rác thải khác, ruồi nhặng bám đầy phía trên. Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) thừa nhận trên địa bàn dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp diễn và một số hộ chăn nuôi thiếu ý thức lén lút vứt lợn chết ra kênh.

Hiện nay, đa phần các tỉnh thành đã và đang có dịch tả lợn châu Phi hiện mới chỉ công bố dịch ở mức độ diện hẹp quy mô cấp xã. Tuy nhiên, thực tế một số huyện thuộc các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh… sau một thời gian dài chống dịch, lượng lợn phải tiêu hủy quá nhiều khiến một bộ phận cán bộ thú y xã bị quá sức và có tâm lý buông xuôi. 

Trước đó, nhóm chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc “công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch tả lợn châu Phi”. Tuy nhiên, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã bác bỏ khuyến nghị này.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), khuyến nghị của FAO chưa hợp lý, bởi dịch tả lợn châu Phi hiện đang xảy ra ở nhiều quốc gia, nhiều nước mức độ nặng hơn Việt Nam nhưng chưa có nước nào trên thế giới công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch bệnh này. “Ở Việt Nam, các ổ dịch tả lợn châu Phi đều xuất hiện ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và được phát hiện kịp thời, lợn mắc bệnh được tiêu hủy toàn bộ không còn nguy cơ đe dọa. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi là bệnh không lây sang con người, không đe dọa đến tính mạng con người hay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... nên khuyến nghị của nhóm chuyên gia FAO không hợp lý”, ông Long nói.

Tuy nhiên, thực tế dịch tả châu Phi đang có dấu hiệu bị mất kiểm soát, lan vào các tỉnh miền Nam. Ngày 11/5, Bình Phước đã công bố dịch, vài ngày trước đó tại Đồng Nai cũng phát hiện dịch tại 2 xã Trảng Bom và Nhơn Trạch. Hòa Bình là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố hết dịch nhưng nay cũng đã bị tái lại.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT mà cụ thể là Cục Thú y, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn “im hơi lặng tiếng”. Những ngày qua, PV Báo Giao thông đã tìm nhiều cách liên hệ với Cục Thú y, đặt vấn đề có hay không chuyện buông xuôi trong kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, song không nhận được phản hồi.

Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh.

Viurs gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 phút, 100 độ C trong 1 phút.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu