05:55 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vĩnh Phúc: Phát triển thương hiệu Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn

07:54 10/10/2017

(THPL) - Từ bao đời nay, nghề chăn nuôi rắn đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường) được biết đến là một làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn rất nổi tiếng. Nghề nuôi rắn đã góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định việc làm cho người dân; một số sản phẩm được chế biến từ con rắn đã dần được hình thành và có thị trường tiêu thụ trong nước.

Một trại nuôi rắn quy mô lớn tại Vĩnh Sơn. (Ảnh: ITN)

Ông Hà Hồng Quảng, Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 800 hộ chăn nuôi rắn, chiếm gần 70% tổng số hộ dân, trong đó chủ yếu là chăn nuôi rắn Hổ mang sinh sản. Trung bình 1 năm sản lượng rắn thương phẩm xuất bán ước đạt 100 tấn; sản lượng trứng ước đạt 400.000 quả. Tổng thu nhập từ chăn nuôi rắn khoảng 20 - 30 tỷ đồng/năm. 

Chị Nguyễn Thị Hòa - một hộ nuôi rắn ở thôn 1, xã Vĩnh Sơn cho biết: Rắn là con vật dễ nuôi, có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng. Rắn là con vật dễ thuần hóa và chăm sóc rất đơn giản, 3-4 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn chủ yếu là cóc, gà con, vịt con. Chuồng nuôi phải giữ sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, nhiệt độ trong chuồng không được quá nóng hay quá lạnh. Với 1.500 con rắn Hổ mang sinh sản, trung bình 1 năm gia đình chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng tiền trứng.

Tuy nhiên, các sản phẩm được chế biến từ con rắn, đặc biệt là từ rắn Hổ mang chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế kinh tế và giá trị trong y học; sản phẩm chế biến ra mới chỉ được tiêu thụ ở một số tỉnh trong nước mà chưa có thị trường xuất khẩu, dẫn đến chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất về cho người chăn nuôi, chế biến, phát triển thương mại sản phẩm của làng nghề.

Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước có hiệu lực thi hành nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y dược có thể áp dụng để tạo ra sản phẩm mới từ con rắn, làm gia tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi, chế biến rắn nhưng chưa được khai thác triệt để. 

Bên cạnh đó, chăn nuôi tại các hộ gia đình không đồng đều; quy mô trang trại còn nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Để thương hiệu Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được phát triển, hoạt động chăn nuôi, chế biến rắn của Làng nghề Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự nhiệt huyết của các nhà khoa học, sự ra tay giúp sức của các nhà doanh nghiệp và sự cần mẫn, tự giác, dám nghĩ, dám làm của người dân.

Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức "Hội thảo khoa học: Phát triển thương hiệu Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc". Tại hội thảo, đồng chí Vũ Việt Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nghiên cứu các cơ chế chính sách để phát triển thương hiệu Làng nghề rắn Vĩnh Sơn, góp phần mở rộng, phát triển bền vững làng nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đặc biệt là nâng cao giá trị, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học...

Để giúp sản phẩm mang thương hiệu Làng nghề rắn Vĩnh Sơn ngày càng phát triển, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn hội thảo sẽ là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc gửi thông điệp về sản phẩm của một làng nghề đặc trưng, tiềm năng và đặc biệt hấp dẫn tới du khách trong, ngoài nước.

Anh Minh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu