02:10 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vĩnh Phúc: Người dân kêu cứu vì rừng dự án 327 “chảy máu”

22:49 20/08/2017

(THPL) – Rừng dự án 327 bị “chảy máu” lâu ngày khiến người dân xót xa cho sự mất mát nên đã kêu cứu tới cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc.

Mới đây, Thương hiệu và Pháp luật nhận đươc thông tin phản ánh của người dân thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) về việc: “Rừng dự án 327 bị một số hộ dân là người nhà cán bộ thị trấn Tam Đảo chặt phá, lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí họ còn làm nhà”.

Rừng dự án 327 ở Thị trấn Tam Đảo bị "chảy máu" khiến người dân xót xa và phải cầu cứu tới cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh người dân cung cấp).

Người dân thị trấn Tam Đảo cho biết: “Năm 1996, vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo vườn quốc gia Tam Đảo và các huyện thị, thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327”.

“Năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo nhận với lâm trường Tam Đảo khảo sát và trồng 8ha rừng thông trong dự án 327. Sau đó, UBND thị trấn giao cho ông Trần Quang Thà - cán bộ khuyến nông lúc bấy giờ (nay là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo) đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường và chỉ đạo một số hộ dân thực hiện”, người dân nói.

"Sau đó, ông Thà chia thành bảy lô với tổng diện tích là 8ha cho 7 hộ dân là người nhà cán bộ, lãnh đạo thị trấn Tam Đảo. Cụ thể như sau: bà Đinh Thị Lan, bà Đinh Thị Hoa, bà Đinh Thị Nhung và ông Đinh Văn Hợp là người nhà của ông Đinh Tuấn Khanh - hiện đang là xã đội trưởng (trước đây là cán bộ địa chính); ông Nguyễn Xuân Ngọc và ông Nguyễn Xuân Hướng là em của ông Nguyễn Quang Hải - nguyên Bí thư thị trấn Tam Đảo, nay là Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tam Đảo; ông Nguyễn Văn Hùng là em của bà Nguyễn Thị Thanh Hải – Chủ tịch Mặt trận thị trấn”, người dân nơi đây thông tin với PV.

Điều đáng nói, từ năm 2004-2005, rừng dự án 327 bị các hộ nói trên chặt phá và lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí còn lấy đất bán cho người khác làm nhà ở. Trước cảnh tượng đó, người dân nơi đây xót xa cho sự mất mát tài nguyên rừng, dự án 327 bị "chảy máu" khi Nhà nước phải bỏ hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng ra để gây dựng những cánh rừng xanh bạt ngàn. Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, người dân đã nhiều lần đề nghị UBND, HĐND thị trấn điều tra làm rõ và có biện pháp ngăn chặn. Nhưng điều lạ thay, những lời đề nghị của người dân thì UBND thị trấn càng trả lời quanh co, thậm chí là "thoái thác trách nhiệm". 

Qua những hình ảnh người dân cung cấp, PV nhận thấy việc phá rừng thông trong dự án 327 được tiến hành một cách khá tinh vi và khôn khéo. Theo người dân nơi đây, họ đã bóc bỏ thông và sau đó bôi vôi để khiến cây thông chết dần, chết mòn. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc.

Theo ghi nhận của PV, hàng chục ngàn mét vuông rừng đã bị chặt phá và được thay vào đó là ngọn đồi trồng su su. Thậm chí có nơi vẫn xây dựng nhà kiên cố.

Theo người dân nơi đây, rừng thông dự án 327 nay đã được phủ xanh bằng những ngọn đồi su su và công trình xây dựng kiên cố.

Trước sự việc rừng dự án 327 “chảy máu” và tiếng kêu cứu của người dân, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Quang Thà – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, người đã trực tiếp đứng ra phân lô cho các hộ dân như người dân phản ánh. Ông Thà xác nhận với PV rằng: "Việc người dân phá rừng là có, còn việc xây dựng nhà trên đất dự án 327 là không có. Trong sự việc này, chắc chắn chính quyền có sai sót và cũng do chính quyền không có biện pháp đến nơi, đến chốn".

Ông Thà thông tin thêm: "Trước đây, tôi được cử đi hoạch toán cho người dân trồng cây. Tuy nhiên, một phần diện tích rừng 327 do dự án làm đường bê tông của UBDN thị trấn làm chạy qua, một phần do bão làm đổ cây". 

Ông Phạm Quang Nguyên – Bí thư Huyện ủy Tam Đảo thông tin với PV rằng: "Sự việc đó sẽ giao cho anh em kiểm tra lại và thông tin cụ thể".

Tình trạng phá rừng đã được lãnh đạo UBND thị trấn Tam Đảo xác nhận là có. Như vậy, liệu rằng lãnh đạo UBND thị trấn Tam Đảo và các cơ quan chức năng liên quan có yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hay thiếu trách nhiệm, thậm chí có sự cấu kết, bao che để rút ruột rừng dự án? 

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

UY VŨ

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu