05:20 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao điện tăng giá bất thường?

09:02 30/06/2020

(THPL) - Hàng tháng tiền điện chỉ vài trăm nghìn, nhưng những ngày qua, nhiều người dân "ngã ngửa" vì tháng này tiền điện tăng lên gấp 3 -5 lần những tháng trước đó. Nhiều hộ dân rất bức xúc khi nhận được thông báo tiền điện từ các công ty điện lực và mong muốn có thể theo dõi giá điện minh bạch để giám sát chặt chẽ, cũng như điều tiết việc sử dụng điện trong gia đình hiệu quả.

2 tháng qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các hộ dân sử dụng các phương tiện làm lạnh thường xuyên nên giá điện tăng, kèm theo đó là những lời ca thán, bất bình về hóa đơn tiền điện, sự thiếu công khai, minh bạch trong cách tính giá điện sinh hoạt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Người dân chịu áp lực khi “điện tăng giá” bất thường. Ảnh minh họa.

Những bức xúc đó là chính đáng bởi lý do khách quan là EVN đang độc quyền phân phối và truyền tải. EVN đang là doanh nghiệp nhà nước thay mặt Chính phủ cung cấp điện cho nhân dân. Tuy vậy, người dân đã thực sự hụt hẫng khi EVN lại đưa ra điệp khúc: hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến do… thời tiết.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ dân ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Quảng Bình … rất sốc khi tiền điện của gia đình mình trong tháng vừa qua bỗng dưng tăng chóng mặt.

Cụ thể, khi nhận được thông báo tiền điện kỳ hóa đơn tháng 6 từ Công ty Điện lực quận Hai Bà Trưng, chị H ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vô cùng bất ngờ khi tiền điện tháng này tăng rất cao. Chị H bức xúc nói: “Nhà tôi có sử dụng hai công tơ điện, hàng tháng chỉ mất vài trăm ngàn đồng, ngay như tháng trước từ tổng số tiền điện cả hai công tơ nhà tôi chưa đến 600.000 nghìn đồng, vậy mà đột nhiên tiền điện tháng này tăng lên gần 1,7 triệu đồng khiến tôi rất sốc”.

Chị H cho biết, đồ điện tử trong gia đình không có gì tăng thêm so với tháng trước, gia đình chị chỉ sử dụng duy nhất một chiếc điều hòa và thường chỉ bật vào ban đêm những hôm nắng nóng”, chị H nói.

Không chỉ chị H mà anh T.H.V ở quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết, tháng nào tiền điện cũng tăng thêm trong khi các thiết bị nhà anh không có thay đổi gì. Anh V trực tiếp cung cấp thống kê hóa đơn tiền điện online và không giấu được nỗi bức xúc. “Không hiểu bên điện họ tính toán thế nào, từ đầu năm đến nay gia đình không tăng thêm người, chỉ dùng một cái điều hòa, không trang bị thêm thiết bị sử dụng điện, thời gian sử dụng điện không thay đổi nhưng tiền điện phải trả cứ tăng đều.”

Anh L.V.T, một công nhân ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Hằng ngày tôi đi làm suốt nên lượng điện dùng cũng không nhiều. Các tháng đều đặn với khoảng 300 - 330 nghìn đồng. Tuy nhiên, tháng 6 này, tiền điện nhà tôi bất ngờ tăng lên hơn 600 nghìn đồng. Tôi liền kiểm tra lại công-tơ, thậm chí gọi cả thợ đến kiểm tra nhưng thiết bị vẫn chạy bình thường nên tôi cũng không hiểu lý do tại sao lại cao như vậy”, anh T không khỏi thắc mắc.

Việc tăng giá điện sinh hoạt đồng nghĩa việc nhiều chủ nhà trọ sẽ tiếp tục tăng giá điện và người thuê nhà sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền để chi trả cho lượng điện tiêu dùng hằng tháng. Phải mua 4 nghìn đồng cho 1 kWh điện khi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng, nhiều sinh viên, người lao động thuê trọ tại Hà Nội rơi vào tình cảnh bức xúc nhưng vẫn cắn răng chịu đựng.

Bạn N.L một sinh viên năm thứ 3 tại trường đại học công nghiệp Hà Nội cho biết, đang thuê trọ ở khu vực Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, với căn phòng chỉ vỏn vẹn khoảng 25 m². Theo thỏa thuận giữa bạn L và chủ nhà trọ thì mỗi tháng sẽ chốt số điện một lần vào cuối tháng và nhân theo đơn giá là 4 nghìn đồng 1 kWh điện. Tháng trước chỉ có 200 – 230 nghìn đồng nhưng tháng này tăng đến 500 nghìn đồng.

Trước đó, sáng 22/6, báo Lao Động cũng đưa tin về việc khách hàng tên T.V.D (Đồng Hới, Quảng Bình) nhận hóa đơn thông báo đóng tiền điện lên tới hơn 58.000.000 đồng tại kỳ thanh toán vừa qua. Điều đáng nói, con số này cao gấp cả 100 lần so với mức trung bình khoảng 500.000 đồng gia đình anh T.V.D chi trả những tháng trước.

Ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình thừa nhận có sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng vừa qua đối với trường hợp anh T.V.D.

Hay theo VOV đưa tin, tháng 3 vừa qua, hóa đơn tiền điện của một số hộ dân ở TP.HCM tăng cao. Nhiều hộ gia đình có mức tăng từ 20-30% so với tháng trước. Thậm chí, có hộ còn tăng ở mức 40-50%. Anh N.T. L (ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết, tháng 3 gia đình anh phải trả tiền điện 1,2 triệu đồng, trong khi tháng 2 chỉ khoảng 800.000 đồng, dù sinh hoạt gia đình không có sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng điện…

Với mức thu nhập của những người dân có chi phí thấp, đặc biệt là sinh viên hay người lao động phải thuê trọ, khi đứng trước cơn lốc giá điện tăng, họ sẽ phải đối mặt như thế nào ngoài việc bắt buộc phải chọn một trong hai cách, thắt chặt chi tiêu lại để dành tiền đi chợ hoặc cố gắng cắt giảm những thứ phải mua hằng ngày xuống.

Người dân không lên tiếng thì không có nghĩa là họ không bất bình với việc phải trả tiền điện tăng cao như vậy. Có rất nhiều người họ cố cho qua và chấp hành “luật chơi” của ngành điện để mang phần thiệt thòi cho mình mà không hề lên tiếng.

Vì vậy, trước khi có được đáp án chính xác từ ngành điện, bản thân người dân đành phải tự biết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả với một số cách như: tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11h – 14h và từ 18h – 23h hằng ngày); sử dụng các loại điều hòa tiết kiệm năng lượng có kết hợp thêm quạt và để nhiệt độ từ 26 độ C trở lên bởi việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ gây tốn điện.

Người dân đặt câu hỏi? Vậy hiện tượng tăng giá điện đã và đang diễn ra trên cả nước thì nguyên nhân chính là do đâu?

Rõ ràng, việc tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang hiện nay đã lỗi thời, là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt, gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Chưa kể, việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang rất phức tạp, mức tính tiền điện lũy tiến cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý. 

Mùa hè nào cũng vậy, EVN lại đối mặt với những hoài nghi khi tiền sử dụng điện của người dân tăng cao, cho dù có giải thích như thế nào chăng nữa. Nếu vẫn tiếp tục duy trì cách thức như hiện nay, những tranh cãi, hoài nghi ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Vậy lẽ nào người dân phải chấp nhận sống trong hoài nghi khi cầm tờ hóa đơn tiền điện?

Vào chiều 22/6, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả đầu tư lưới truyền tải.

Tại cuộc họp, trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Quang Thành - chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.

Đánh giá cao ngành điện bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa hè, nắng nóng gay gắt, song Thủ tướng nhấn mạnh Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước, lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện. Vai trò cá nhân trong chỉ đạo vấn đề này rất quan trọng, không để thiếu điện rồi lúc đó mới xem trách nhiệm thuộc về ai.

Phương Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu