06:21 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

UBND tỉnh Điện Biên nói gì về con đường chi gần 48 tỷ đồng cho 1 km?

17:07 21/02/2019

Sau khi chuyên trang Khỏe 365 đăng bài “Đằng sau Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về dự án con đường gần 286 tỷ đồng là gì?”, ngày 25/1, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn phản hồi.

Gần 48 tỷ đồng cho 1 km là có thật (!?)

Văn bản số 238/UBND – TN do ông Lê Thành Đô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký ngày 25/01/2019 gửi Ban Biên tập Khoe365.net.vn, UBND tỉnh Điện Biên đã cảm ơn Chuyên trang Khoe365.net.vn – Báo điện tử Người Đưa Tin đã kịp thời phản ánh những nội dung có liên quan về Dự án đầu tư xây dựng đường Thanh Minh- đồi Độc Lập và khu dân cư (đường vành đai phía Bắc) thành phố Điện Biên Phủ.

Văn bản của UBND tỉnh Điện Biên cũng khẳng định những nội dung Quyết định phê duyệt, tổng chiều dài con đường hơn 4,3 km với tổng mức đầu tư 285,826 tỷ đồng, chi phí xây dựng dự kiến 206,398 tỷ đồng là đầy đủ cơ sở và thực hiện đúng quy trình. Chi phí này “được khái toán trên cơ sở khối lượng trong thiết kế cơ sở và đơn giá định mức theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã được các Sở, ngành thẩm định, trình phê duyệt theo đúng quy định và phù hợp với quy mô, mục tiêu, sự cần thiết phải đầu tư của dự án”. Nhà đầu tư đề xuất Dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàng (địa chỉ số 12 D1 Đồng Quốc Bình, phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng). Như vậy chi phí bình quân gần 48 tỷ đồng cho 01 km đường như báo nêu là chính xác.

Giải thích về chi tiết các chi phí trong tổng mức đầu tư được cho là “cao ngất ngưởng” nêu trên, thì UBND tỉnh Điện Biên lại cho biết: “sẽ tiếp tục được chuẩn xác, cập nhật lại”. Tuy nhiên văn bản lại không nêu rõ “chuẩn xác, cập nhật lại” theo hướng nào mà chỉ nói chung chung. Vậy mức tổng đầu tư của dự án chưa phải con số chính thức, có thể giảm mà cũng có thể tăng (?).

Bản đồ quy hoạch khu dân cư hai bên đường Thanh Minh – đồi Đập Lập

Trước đó, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính ban hành văn bản 3515/BTC – QLCS đề nghị các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành”.

Mặc dù văn bản trên quy định về việc dừng “sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư” theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) chứ không dừng triển khai các dự án BT. Tuy nhiên trên thực tế khi dừng “sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư” là dừng các “điều kiện” tiên quyết để hình thành các dự án BT. Vì sẽ chẳng có nhà đầu tư nào lại đầu tư triển khai dự án một khi không biết chắc chắn mình sẽ được “thanh toán” hoặc được đối ứng bằng những tài sản công như thế nào?! Đây cũng chính là băn khoăn của đông đảo bạn đọc và dư luận đặt ra trong bài viết “Đằng sau Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về dự án con đường gần 286 tỷ đồng là gì?”.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai các dự án theo hình thức BT, ngày 28/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 160/NQ – CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao.

Trong văn bản này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và Nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.

Học sinh Điện Biên ở nhiều nơi phải chui túi nylon vượt sống suối đến trường khi mùa lũ vì tỉnh nghèo thiếu những cơ sở hạ tầng thiết yếu; Ảnh VOV

Vậy với một tỉnh còn nghèo như Điện Biên, UBND tỉnh quyết định triển khai dự án làm đường với chi phí 48 tỷ đồng cho 01 km (tổng số vốn lên đến 286 tỷ đồng cho 4,3 km) với mục tiêu “đảm bảo phù hợp với định hướng trong đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030 tầm nhìn 2050…” có thực sự cần thiết không? Con số 286 tỷ đồng cho 4,3 km đường của một đô thị trực thuộc tỉnh rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ theo tinh thần Nghị quyết số 160/NQ – CP của Chính phủ.

Nghị định hết hiệu lực, vẫn áp dụng Thông tư hướng dẫn (?)

Cũng theo nội dung Công văn của UBND tỉnh Điện Biên, “các văn bản làm căn cứ pháp lý ban hành Quyết định 741 nói trên chưa được thay thế hoặc bãi bỏ hoàn toàn và chưa được công bố hết hiệu lực”.

Trong các căn cứ đó có Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT là văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Mà ngày 19/6/2018, Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

Trang cuối của văn bản số 238/UBND - TH của UBND tỉnh Điện Biên gửi cơ quan báo chí

Điều đáng lưu ý tại văn bản 238/UBND – TH của UBND tỉnh Điện Biên gửi báo đã trích dẫn Khoản 1, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về nội dung: “Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Còn nội dung bài báo phản ánh về việc ra quyết định dựa trên văn bản “đã hết hiệu lực” được quy định cụ thể tại Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Như vậy tại thời điểm Nghị định 15/2015/NĐ – CP đã hết hiệu lực (trước thời điểm Quyết định 741 được ban hành), Thông tư 06/2016 (hết hiệu lực theo NĐ 15/2015/NĐ - CP) vẫn được UBND tỉnh Điện Biên sử dụng làm căn cứ pháp lý? Điều này, một lần nữa cho thấy những nội dung phản ánh của bài báo có liên quan đến việc Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 741/QĐ – UBND dựa trên một số căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực là chính xác khách quan.

Việc UBND tỉnh Điện Biên căn cứ vào báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên tại văn bản số 88/STP – XDKTVB ngày 24/01/2019 gắn với những trích dẫn nội dung không liên quan để phản hồi tới cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng đã gây ra sự nhận thức không thống nhất về bản chất sự việc.

Cũng từ đó, Văn bản của UBND tỉnh Điện Biên đã đi đến khẳng định “tại thời điểm phê duyệt dự án các căn cứ pháp lý trên vẫn còn hiệu lực…” là chưa thật chính xác như đã trình bày ở trên.

Cùng với đó Văn bản 238 đã kết thúc với đề nghị: “Quý báo khi thông tin phản ánh các nội dung cần có sự thẩm định thông tin một cách chính xác tránh có sự nhận định chủ quan, phiến diện về một vấn đề nào đó trên địa bàn tỉnh”. Nội dung có tính chất “ám chỉ” thiếu thiện chí và tinh thần xây dựng này hoàn toàn mâu thuẫn với những nội dung “cảm ơn” ở phần mở đầu của văn bản.   

Trên quan điểm đồng hành phối hợp cùng các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Chuyên trang Khỏe 365 – Báo điện tử Người Đưa Tin đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin trung thực, khách quan để làm rõ những nội dung có liên quan đến dự án với chi phí 48 tỷ đồng cho 01 km đường và kịp thời truyền tải những thông tin mới nhất tới bạn đọc.

Khỏe 365/Người đưa tin

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu