17:28 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tuyên Quang: Ai sẽ trả lại tiền mà người dân đã đóng góp xây dựng đường điện nông thôn?

22:15 07/08/2017

(THPL) - Với lời hứa sau khi đường điện hoàn thành sẽ trả lại tiền nhưng đến nay đã 8 năm trôi qua, người dân xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên) vẫn không biết số tiền của mình đi đâu, về đâu và ai sẽ là người trả khi vay lãi để đóng góp cho ngành điện lực nhằm xây dựng đường điện 04KV, đưa ánh sáng về phục vụ nông thôn.

Đường điện tại thôn Thôm Vá.

Nhiều hộ trong diện nghèo

Bà La Thị Lắm (SN 1961, trú tại thôn Thôm Vá) cho biết: “Với bao năm mong ước điện thắp sáng, dù nghèo nhưng gia đình tôi cùng các gia đình khác trong thôn đã bảo nhau thực hiện chủ trương của địa phương vay tiền ngân hàng về đóng góp xây dựng đường điện 04KV với số tiền 1,3 triệu đồng/hộ (tương đương với 3 chỉ vàng 9999-PV). Ngày đó, họ hứa là sau khi đường điện hoàn thiện sẽ được thanh toán, trả lại số tiền mà người dân đã đóng góp nhưng đến nay vẫn chưa được trả”.

Cùng suy nghĩ với bà Lắm, ông Ma Văn Liên (1964) trú tại thôn Lục Sơn, xã Yên Thuận nói: “Sau khi ngành điện lực cùng với nhân dân xây dựng đường điện 04KV thành công, chính quyền địa phương đã thành lập HTX Thuận Thành do ông Vi Văn Tấn trực tiếp quản lý và kinh doanh đường điện. Đến năm 2009, HTX chuyển lại cơ sở hạ tầng cho Phòng điện lực huyện Hàm Yên quản lý. Người dân chúng tôi nhiều lần ý kiến nhưng ngành điện vẫn không trả lại cổ phần của nhân dân đóng góp”.

Còn ông Phạm Thanh Hoà (SN 1964) buồn bã chia sẻ: “Sau rất nhiều ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử tri ở địa phương, ý kiến trực tiếp của người dân kể cả bằng văn bản đến các cơ quan chức năng, câu trả lời là ngành điện quản lý theo hình thức góp vốn, không hoàn trả lại vốn đóng góp cho dân. Điều này thật phi lý!”.

Người dân phản ánh với phóng viên.

Trước đó, trong văn bản số 04/CV-UBND xã Yên Thuận về việc trả lời đơn thư công dân ngày 24/01/2014 có nội dung: “Số tiền các hộ gia đình đóng góp xây dựng đường điện 04KV, đến nay UBND xã chưa nhận được văn bản nào chỉ đạo của cấp trên về chi trả lại tiền đóng xây dựng đường điện mà nhân dân đóng góp xây dựng sau khi bàn giao cho ngành điện quản lý”.

Còn tại văn bản số 62/BC-UBND xã Yên Thuận ngày 22/10/2016 trả lời ý kiến cử tri thôn Thôm Vá cũng khẳng định: “HTX Thuận Thành bàn giao cho ngành điện quản lý theo hình thức tăng vốn cho ngành điện không hoàn trả lại vốn đóng góp của dân”.

Mới đây, phía chính quyền địa phương và ngành điện một lần nữa khẳng định không hoàn trả lại phần đóng góp của các hộ dân trong biên bản làm việc ngày 12/5/2017. Như vậy có thể thấy, sau khi chuyển giao cho ngành điện thì UBND xã Yên Thuận không đủ thẩm quyền để giải quyết vụ việc, hoàn toàn phụ thuộc vào Công ty điện lực Tuyên Quang.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Vi Ngọc Tấn – Chủ tịch UBND xã Yên Thuận lý giải: “Đường điện 04KV là do người dân phải đóng góp xây dựng. Trước đây, UBND xã giao cho HTX Thuận Thành quản lý, kinh doanh. Đến năm 2009, HTX bàn giao lại toàn bộ cho Công ty điện lực Tuyên Quang theo quy định của UBND tỉnh”.

Ông Vi Ngọc Tấn – Chủ tịch UBND xã Yên Thuận.

Về việc có trả lại tiền cổ phần cho người dân địa phương hay không, ông Tấn cho biết: “Việc này có văn bản của ngành điện tiếp nhận nội dung, xã chỉ thực hiện việc trả lời theo nội dung đó”. Ông Tấn cũng thừa nhận xã hiện có trên 50% hộ nghèo và thuộc vùng 135, đây cũng là xã khó khăn nhất của huyện Hàm Yên, việc phát triển kinh tế - xã hội vẫn thuộc chương trình hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Nếu người dân được hoàn trả số tiền cổ phần sẽ giúp cho nhiều gia đình giảm bớt khó khăn.

Phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Hàm Yên được giới thiệu làm việc với ông Nguyễn Việt Phương – Chánh thanh tra huyện Hàm Yên: “Thanh tra huyện không được giao giải quyết, chỉ giúp UBND huyện tiếp nhận, theo dõi nội dung đơn thư của công dân. Sau đó chuyển về cho UBND xã trực tiếp xử lý”, ông Phương nói. Như vậy, vụ việc được đùn đẩy từ xã lên huyện, rồi lại từ huyện về xã.

Làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang, phóng viên được ông Hồ Hữu Việt – Phó Ban tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Để quy hoạch lại ngành điện của tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và giao cho ngành điện. Nếu những nơi mà cơ sở hạ tầng còn sử dụng được thì phải thanh toán cho dân. Còn nếu đã xuống cấp không thể tái sử dụng thì không phải thanh toán nhưng cũng phải giải thích rõ cho người dân hiểu. Ngành điện lực khi mua lại cơ sở hạ tầng cột đường dây phải tính trừ khấu hao sử dụng, lập danh sách cụ thể, Người dân có yêu cầu, nguyện vọng gì, việc mua lại hay chưa thì phải liên hệ với ngành điện thì mới biết rõ được”.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với Công ty điện lực Tuyên Quang. Tuy nhiên, ông Vũ Hải Dương – Chánh văn phòng công ty trả lời: “Hiện Giám đốc công ty đi vắng và đề nghị phải có công văn, ngành điện mới trả lời”.

Qua tìm hiểu, được biết theo biên bản thẩm định giá trị lưới điện hạ áp nông thôn của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Thuận bàn giao cho ngành điện quản lý được lập vào ngày 18/10/2009 của Hội đồng thẩm định giá lưới điện hạ áp nông thôn huyện Hàm Yên, năm 2001, tổng số tiền do dân đóng góp trên 1 tỷ đồng để xây dựng đường điện, sau 8 năm sử dụng giá trị chỉ còn lại là 20% (tương đương với trên 200 triệu đồng).

Người dân địa phương không chỉ thiệt đơn, thiệt kép bởi việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định huyện Hàm Yên có thực sự khách quan hay không khi cơ sở hạ tầng vẫn nguyên vẹn từ cột bê tông, đường dây theo tiêu chuẩn…Trong khi đó, người dân vay ngân hàng phải trả lãi hàng tháng và sau 8 năm, số tiền họ bỏ ra giá trị còn lại gần như bằng không.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu