06:25 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tưng bừng khai mạc Lễ hội Gò Đống Đa Xuân Canh Tý

14:26 29/01/2020

(THPL) - Kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, hôm nay, mùng 5 Tết (ngày 29-1), Lễ hội Gò Đống Đa tưng bừng khai mạc để tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng sĩ nghĩa quân Tây Sơn đã làm nên kỳ tích Ngọc Hồi – Đống Đa chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc.

Hội gò Đống Đa diễn ra với nhiều nghi thức, lễ thức, nhưng một nghi thức không thể thiếu được đó là tục rước Rồng lửa nhằm tái hiện lại trận đánh oai hùng của quân Tây Sơn với giặc Thanh. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang…

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại ấp Tây Sơn, làng Kiên Mỹ, huyện Bình Kê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nguyễn Huệ còn được biết đến là Quang Trung Hoàng Đế, hay Bắc Bình Vương. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi được các sử gia đương thời và sau này đề cao. Ông là Anh hùng dân tộc, có công lao cải cách đất nước, có hoài bão lớn lao nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh mọi mặt, nhất là về quân sự, ngoại giao. Đặc biệt ông còn là nhà quân sự lỗi lạc, nhà ngoại giao tài ba với khả năng đối nội, đối ngoại linh hoạt, chưa thất bại bao giờ trên cả hai lĩnh vực. Nhờ ông và những người anh em đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài của 2 tập đoàn phong kiến Trịnh (Bắc) – Nguyễn (Nam).

Sáng sớm ngày mồng 5 Tết Xuân Canh Tý, chiêng trống nổi lên rộn rã. Sau nghi thức thắp hương là nghi thức tế thần. Theo quy định thì khi tế thần sẽ dâng 6 tuần rượu và đọc văn tế. Lúc này là lễ rước thần, sau khi ba hồi chín tiếng trống hội vang lên, đoàn rước khởi hành theo trống lệnh, đi từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa, dài khoảng hơn 1 km. Trang phục đoàn rước giống như thời nhà Tây Sơn. Trong lúc đoàn rước hành lễ về gò Đống Đa, ở chùa Đồng Quang nằm trên phố Tây Sơn, đối diện gò và ở chùa Bộc trên phố Chùa Bộc gần đó, các tín đồ cũng tấp nấp ra vào để cầu hồn cho các quân sỹ  tử nạn. Chùa Đồng Quang là nơi cầu siêu cho các tử sĩ nhà Thanh, chùa Bộc là nơi cầu siêu cho các tử sĩ nhà Tây Sơn và tôn vinh hoàng đế Quang Trung.

Vẫn như truyền thống, tại Lễ hội, các võ đoàn đã biểu diễn võ thuật, nhiều màn múa rồng, múa lân diễn ra từng bừng, cuốn hút. Đặc biệt, nhạc kịch Ngọc Hân Công chúa và Hoàng đế Quang Trung kết hợp nhiều trích đoạn chèo, tuồng những điệu múa, bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi thủ đô đã được hàng nghìn khách thập phương đón nhận…

Thảo Phương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu