08:30 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Transerco sử dụng đất sai mục đích: Hô biến đất công thành “chùm khế ngọt" ?

12:50 27/12/2019

(THPL) - Mặc dù, việc cổ phần hoá (CPH) đang còn dang dở nhưng Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco lại tích cực “xẻ thịt” xây dựng hàng loạt ki - ốt, showroom ô tô cho thuê làm nơi kinh doanh, buôn bán và liên tục bắt tay với các đối tác tiềm lực để biến những mảnh “đất vàng” thành các toà cao ốc.

Theo tìm hiểu của Thương hiệu và Pháp luật được biết, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến đến năm 2020. Trong đó, danh sách các doanh nghiệp thuộc TP. Hà Nội nhà nước sở hữu từ 50% - 65% vốn có Transerco.

Theo Danh mục DNNN hoàn thành CPH (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, Transerco nằm trong kế hoạch năm 2018. (ảnh: Internet)

Về tiến độ cổ phần hoá, tính đến năm 2016, Transerco đã thoái vốn nhà nước tại bốn công ty: TNHH MTV Bến xe Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội); Xí nghiệp Xe điện Hà Nội (Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội); Xí nghiệp Vận tải du lịch (Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch - Newway); Xí nghiệp xe buýt Liên Ninh (Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh). 

Đặc biệt, đại diện Transerco từng chia sẻ trên báo chí rằng: sẽ triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước và cổ phần hoá tổng công ty trong năm 2019. Tuy nhiên, sắp hết năm 2019 nhưng việc cổ phần hoá tại Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco vẫn còn dở dang. 

Hô biến đất công thành “chùm khế ngọt”…

Với chức năng chính là thực hiện vai trò phát triển giao thông công cộng, bến bãi, giao thông tĩnh của Thủ đô Hà Nội. Nhưng thực tế cho thấy, hàng nghìn m2 đất vàng tại 103 Láng Hạ và Gia Lâm, Hà Nội đang bị Transerco “xẻ thịt” đất công, biến nơi đây thành Showroom ô tô và hàng loạt các ki-ốt cho thuê làm nơi kinh doanh, buôn bán…

Cũng theo bà N.T.H (người dân ở khu vực Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Transerco cho thuê đất công làm nơi kinh doanh Showroom ô tô đã diễn ra trong một thời gian nhưng không hiểu sao phía cơ quan chức năng vẫn im lặng..."

Transerco sử dụng nhiều diện tích đất sai mục đích làm làm bãi rửa ô tô, lau dọn nội thất, làm đá garito
Hay tại địa chỉ 103 Láng Hạ, Transerco đang xẻ thịt đất vàng cho thuê kinh doanh ô tô 

Trước đó, Transerco cũng dính tới hàng loạt các sai phạm tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) như: sử dụng hàng ngàn mét vuông đất để làm bãi đỗ - rửa xe, sân bóng…

Có thể thấy, quá trình CPH tại Transerco đang diễn ra ì ạch nhưng việc “xẻ thịt” đất vàng sử dụng sai mục đích vẫn ngang nhiên diễn ra.

Với việc “xẻ thịt” đất công cho thuê sai mục đích, số tiền mà Transerco thu được từ việc cho thuê đó sẽ chảy vào túi ai? Liệu số tiền trên có được hạch toán, báo cáo và nộp thuế cho Nhà nước hay không?

Xung quanh những “tồn tại” trong việc tự ý “xẻ thịt” đất vàng cho thuê kiếm lời của Transerco, đề nghị cơ quan chức năng như: UBND quận Đống Đa, UBND Gia Lâm và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm để trả lại trật tự đô thị và hiện trạng những khu đất công đang bị "xẻ thịt".

Mác phục vụ công ích ruột dự án nhà ở thương mại

Mục đích của Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội) từng được cho phép là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).

Tại Công văn số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012, UBND TP. Hà Nội thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Transerco, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế qua quy trình thủ tục và sự cho phép của UBND TP. Hà Nội, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Transerco đã trở thành dự án nhà ở thương mại do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng làm chủ đầu tư (gọi tắt là Sông Đà 7).

Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội) từng được cho phép là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).

Đặc biệt, trên nhiều website rao bán nhà tại tổ hợp nhà phố liền kề, shophouse, chung cư này không hề tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan tới cán bộ công nhân viên Transerco. Nếu tìm hiểu sâu danh sách những người mua nhà tại dự án này, thì có thể gặp một vài khách hàng có danh tính liên quan tới lãnh đạo của Tổng công ty này.

Cũng tại một diễn biến khác, giá căn hộ của dự án này được rao bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/m2, thậm chí, nhà liền kề lên tới mức giá 220 triệu đồng/m2.

Với mức giá này thì chắc chắn, đại đa số cán bộ công nhân viên của Transerco cũng không có đủ thu nhập để “với” tới giá nhà đang rao bán trên thị trường.

Hay nói cách khác, cán bộ công nhân viên của Transerco đã bị đem ra làm bình phong để chuyển mục đích sử dụng khu đất 90 Nguyễn Tuân, nhưng cũng đồng thời bị gạt luôn khỏi dự án trên khu đất ấy, vì giá bán quá cao.

Cũng theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, về cơ bản dự án do Transerco xin chỉ “mượn danh” cho cán bộ công nhân viên để dễ được thông qua hơn về chủ trương. Còn về tính pháp lý, đây vẫn là dự án bất động sản thương mại thuần túy. Đây chính là cái “bẫy” mà lãnh đạo Transerco giăng ra với cán bộ công nhân viên của tổng công ty.

Bên cạnh đó, với 3ha đất của Hà Nội vốn dùng cho mục đích công cộng - phục vụ sửa chữa xe buýt - đã trở thành đất xây dựng nhà ở thương mại, mà không cần qua bất kỳ khâu đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất nào (?)

Cũng theo nhiều nguồn tin riêng cho thấy, qua nhiều khâu “mập mờ”, “đánh lận con đen”, ngày 08/12/2017, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án 90 Nguyễn Tuân cho Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7.

Khi ấy, Công ty CP Sông Đà 7 đã hoàn tất thủ tục để được UBND TP. Hà Nội giao đất phục vụ mục đích công cộng, công ích để làm dự án nhà ở, mà không cần qua đấu giá mua quyền sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy rằng, Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco được giao đất nhưng bằng cách nào đó công ty này lại đang tích cực “xẻ thịt” xây dựng hàng loạt ki - ốt, showroom ô tô cho thuê làm nơi kinh doanh, buôn bán và liên tục bắt tay với các đối tác tiềm lực để biến những mảnh “đất vàng” thành các toà cao ốc nhằm kiếm lợi nhuận từ đất đai của Nhà nước.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu