05:41 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TP. HCM: Hiệu quả mô hình điện tử hóa trong lĩnh vực y tế

13:47 18/12/2017

(THPL) - Hiện rất nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý bệnh viện, khám chữa bệnh, trong đó điển hình như ứng dụng bệnh án điện tử, số hóa khi hồ sơ, lấy số thứ tự khám bệnh qua tin nhắn… bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân.

Theo báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin trước đó, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, từ 1/1/2018, sẽ có 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai bệnh án điện tử nhằm giảm bớt việc ghi chép, giảm áp lực hành chính cho nhân viên y tế.

Theo ông Tường, việc triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại các bệnh viện là một hoạt động quan trọng của Bộ Y tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện tại đã có 6 bệnh viện (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM) đang trong quá trình triển khai bệnh án điện tử. Với bệnh án điện tử, mọi kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, kê đơn thuốc, diễn tiến trong quá trình điều trị... thay vì ghi trong bệnh án giấy như hiện nay thì sẽ được lưu lại trong máy tính.

13m_Baohaiquan_vn
TP.HCM: Hiệu quả mô hình điện tử hóa trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Báo Hải quan.

Bệnh án này giúp kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... và thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các bệnh viện, chi phí đầu tư cho bệnh án điện tử khá tốn kém, trung bình khoảng 8-9 tỉ đồng/bệnh viện.

Các lãnh đạo bệnh viện đều cho rằng, việc triển khai bệnh án điện tử là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển y tế điện tử ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, mỗi cơ sở y tế hiện đang dùng những phần mềm khác nhau dẫn đến việc chưa tương thích tại một số thời điểm, một số hạng mục, gây khó khăn trong việc chuyển dữ liệu, liên thông dữ liệu của các cơ sở y tế.

Theo báo Hải quan, ngày 13/12, đưa con trai 6 tuổi đi khám tại Bệnh viện quận Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Thu, ngụ tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức TP.HCM cho biết, trước đây mỗi lần đi khám bệnh, hai mẹ con phải tất bật dậy từ rất sớm chuẩn bị giấy tờ, sổ khám bệnh, photocopy thẻ bảo hiểm, nhưng từ ngày bệnh viện thay đổi phương pháp lưu giữ hồ sơ khám chữa bệnh, hồ sơ của con chị đã có sẵn trên hệ thống. “Giờ đến khám, tôi chỉ cần đưa thẻ bảo hiểm y tế của cháu để quét mã thẻ, chọn khoa, phòng cần khám là xong. Không phải làm thủ tục rườm rà, mất thời gian. Từ khi khám bệnh đến lúc nhận thuốc chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng”, chị Thu vui vẻ cho biết.

Là bệnh viện đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án bệnh án điện tử, từ tháng 7/2015 đến nay, Bệnh viện quận Thủ Đức đã triển khai thành công mô hình này. Các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đã quen thuộc với hồ sơ bệnh án điện tử, mọi thao tác của bác sĩ, điều dưỡng từ ghi dấu hiệu của bệnh nhân sau khi thăm khám, diễn tiến bệnh, đến chỉ định thuốc, chỉ định xét nghiệm, thực hiện y lệnh… đều được thao tác trên máy tính bảng và máy tính để bàn kết nối mạng của bệnh viện. Khi hoàn tất một đợt nằm viện điều trị, hồ sơ bệnh án điện tử được in ra và lưu trữ theo đúng quy định.

Không dừng lại ở bệnh án điện tử, Bệnh viện quận Thủ Đức đã bắt đầu lộ trình số hoá tất cả hồ sơ bệnh án giấy đã được lưu trữ trong kho hồ sơ ở thời điểm trước khi triển khai bệnh án điện tử. Đã có gần 6.000 hồ sơ giấy từ năm 2015 trở về trước được scan toàn bộ bằng máy scan chuyên dụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, theo quy định, bệnh án phải lưu trữ ít nhất 10 năm, nếu hồ sơ bằng giấy thì việc lưu trữ có nhiều khó khăn, như: Tốn chi phí cho việc thuê kho lưu trữ, quản lý và tìm kiếm vất vả, tốn thời gian. Việc số hoá kho hồ sơ bệnh án giúp lưu trữ hồ sơ bệnh án được an toàn hơn, thời gian lâu hơn, đặc biệt giúp cho các bác sĩ dễ dàng truy cập hồ sơ bệnh án cũ phục vụ công tác điều trị và nghiên cứu khoa học của bệnh viện.

Ngoài ra, Bệnh viện quận Thủ Đức đã triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các quy trình hành chính của bệnh viện. Hiện bệnh viện cũng “nói không” với việc in rửa phim chụp, giúp tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn, không gây ô nhiễm môi trường, cũng như nặng nề trong quá trình lưu trữ. Hình ảnh phim trên máy tính có thể phóng to thu nhỏ, chỉnh sáng dễ dàng, có sẵn công cụ đo lường thuận tiện trong chẩn đoán, hội chẩn… Nhờ đó, người bệnh hài lòng, tin tưởng đến khám và điều trị tại bệnh viện đã tăng lên rõ rệt từ 100 lượt khám mỗi ngày vào năm 2007, đến nay trung bình bệnh viện tiếp nhận gần 5.000 lượt khám/ngày và 800 bệnh nhân nội trú.

Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh viện đã triển khai thực hiện hệ thống lấy số thứ tự khám bệnh bằng tin nhắn qua tổng đài 19001000 (còn gọi là dịch vụ khám bệnh thông minh) từ đầu tháng 10/2016. Sau khi triển khai khoảng bệnh viện đã thực hiện khảo sát về sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ. Kết quả, trong 1.263 người đăng ký khám bệnh qua tin nhắn, có đến 96% người hài lòng vì dịch vụ này đã giúp người bệnh chủ động được thời gian đến bệnh viện khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi tại bệnh viện, tránh tập trung tại khu khám bệnh. Theo bác sĩ Bảo Tuấn, trước đây khi bệnh viện chưa triển khai dịch vụ này, một số đối tượng "cò" đã lợi dụng lấy số thứ tự, sau đó “bán lại” cho người bệnh với giá 200.000 - 300.000 đồng/số. Nay có phần mềm “khám chữa bệnh thông minh”, người bệnh khám theo BHYT, khám thường, khám dịch vụ đều có thể sử dụng dịch vụ này.

Ngoài ra, hiện nhiều bệnh viện trên địa bàn TP. HCM cũng đang thực hiện việc nhắn tin lấy số khám bệnh qua tổng đài nhằm giúp người dân chủ động trong việc khám chữa bệnh. Hay như mô hình "khoa khám bệnh thống minh" của Bệnh viện Nhân dân Gia Định giúp bệnh nhân từ lúc vào lấy số thứ tự, đến lượt khám, các xét nghiệm, viện phí, thuốc... là một chuỗi liên tục kết nối vào phần mềm quản lý tổng thể của bệnh viện. Khi có sự ùn ứ, trục trặc ở khâu nào sẽ được xử lý kịp thời nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh làm hài lòng người bệnh. Mô hình này đã nhận được giải Nhì về chất lượng khám chữa bệnh thành phố năm 2017. Hay như “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh” của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và “Chương trình giám sát trực tuyến kê đơn thuốc” của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng nhận được sự đánh giá cao của người bệnh và giới chuyên môn.

Mặc dù, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được ứng dụng vào các quy trình quản lý, khám chữa bệnh, tuy nhiên việc triển khai bệnh án điện tử tại TP.HCM mới có duy nhất một bệnh viện là Bệnh viện Quận Thủ Đức trên tổng số 6 bệnh viện của cả nước áp dụng mô hình này. Vì thế, người dân khi đi khám bệnh vẫn phải thực hiện việc mua sổ khám bệnh và lưu giữ trong quá trình điều trị gây tốn kém và phiền hà.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu