04:15 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tổng Công ty Sông Đà: Tài sản đang bị bốc hơi và dự định IPO?

18:19 23/07/2017

(THPL) - Tổng Công ty Sông Đà vừa công bố báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, tài sản của Sông Đà bị "bốc hơi" kì lạ và đang sở hữu nợ khủng.

Trụ sở Tổng công ty Sông Đà

Tài sản đang bị bốc hơi và “nợ khủng”

Tổng công ty Sông Đà (Sông Đà) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016. Theo đó, điểm đáng chú ý nhất là tài sản của Sông Đà "bốc hơi" 3.225 tỷ đồng. Ngoài ra, Sông Đà còn sở hữu khoản nợ khủng tới mức sau mỗi 1 đêm, Sông Đà phải trả 3,6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2016, tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Sông Đà đạt 31.901 tỷ đồng, giảm 3.225 tỷ đồng, tương ứng 9,2% so với thời điểm đầu năm.

Đa số các chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán đều sụt giảm. Trong đó, đáng kể nhất là tiền mặt. Tiền và các khoản tương đương cuối năm 2016 dừng ở mức 799 tỷ đồng, giảm 645 tỷ đồng, tương ứng 44,7% so với số đầu năm. Tài sản dài hạn của Sông Đà cũng bốc hơi mạnh. Chỉ tiêu này đã giảm 1.268 tỷ đồng, tương ứng 6,2%.

Tuy nhiên, đây không phải vấn đề lớn nhất của Sông Đà mà việc Sông Đà đang sở hữu khoản nợ vay "khủng" mới là vấn đề lớn nhất.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng nợ vay của Sông Đà là 17.704 tỷ đồng, cao gấp 9,5 lần vốn góp của chủ sở hữu. Rõ ràng đây là tỷ lệ rất cao. Trong đó, vay và nợ tài chính ngắn hạn là 7.288 tỷ đồng, vay và nợ tài chính dài hạn là 10.416 tỷ đồng.

Khoản nợ khổng lồ không chỉ ảnh hưởng đến cân đối tài chính mà còn khiến Sông Đà gặp áp lực lãi vay. Trong năm 2016, ông lớn Nhà nước này đã phải chi ra 1.319 tỷ đồng tiền trả lãi vay. Điều đó có nghĩa mỗi ngày Sông Đà phải trả 3,6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. 

Tiền lãi trả ngân hàng của Sông Đà cao gấp 2,3 lần lợi nhuận sau thuế 2016 của Tổng công ty. Chi phí tài chính cao hơn các chi phí khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng cộng lại. Đây không phải kỳ duy nhất chi phí lãi vay của Sông Đà là con số cao ngất ngưởng. Năm 2015, chỉ tiêu này là 1.412 tỷ đồng.

Nguyên nhân do đâu?

Tháng 2/2012, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà với tổng số tiền lên tới 10.676 tỷ đồng. Những sai phạm này, tập trung từ việc không xác định lại giá trị vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của 6 tổng công ty (gồm Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, DIC, Sông Hồng) khi bàn giao cho HĐQT tập đoàn, dẫn đến những sai phạm trong đầu tư, thực hiện dự án.

Tổng số tiền 10.676 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý toàn bộ Tập đoàn Sông Đà, bao gồm: Tổng công ty Sông Đà (nòng cốt): 3.094 tỷ đồng; 5 tổng công ty (Lilama, Licogi, Coma, DIC, Sông Hồng): 7.582 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà cho hay đã xử lý những tồn tại về kinh tế với tổng số tiền là gần 3.094 tỷ đồng, tương ứng mức kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Trước việc Thanh tra Chính phủ cho rằng Tập đoàn Sông Đà đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ số tiền 2.335 tỷ đồng, Sông Đà đã có quan điểm khác.

Sông Đà cho rằng: Năm 2010 – 2011, tập đoàn đã có văn bản đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vượt vốn điều lệ hiện có vào một số dự án thủy điện Xecaman 1, Xecaman 3, Nậm Chiến, Sê kông 3 với tổng số tiền là 4.260 tỷ đồng; trong đó tiếp tục góp vốn điều lệ số tiền 1.945 tỷ đồng.

Mặt khác, ngày 6/1/2012, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 14/TTg-KTTH phê duyệt vốn điều lệ thời điểm 31/12/2010 của Công ty mẹ là 7.205 tỷ đồng. Sông Đà cho rằng: So sánh giữa mức vốn điều lệ của công ty mẹ - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh (7.205 tỷ đồng) thì giá trị đầu tư ra ngoài ngành tại thời điểm 31/12/2010 (số tiền 6.942 tỷ đồng) là không vượt vốn điều lệ. “Như vậy, số tiền đầu tư vượt vốn điều lệ 2.335 tỷ đồng đã được xử lý bằng văn bản ngày 6/1/2012, Sông Đà khẳng định.

Đối với kết luận đầu tư vào 2 quỹ mạo hiểm là Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ thành viên Vietcombank 3 số tiền 194 tỷ đồng không thu hồi được, Sông Đà cho hay đến nay, đã thoái toàn bộ vốn tại 2 quỹ này với tổng số tiền là gần 210 tỷ đồng (cao hơn gần 16 tỷ đồng so với vốn đầu tư bỏ ra).

Về việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN chưa đúng mục đích hơn 340 tỷ đồng, Sông Đà cho rằng: Tháng 7/2016, Bộ Xây dựng có quyết định phê duyệt giá trị DN để cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, trong đó xác định Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN đã nằm trong phần vốn nhà nước khi xác định giá trị DN của Sông Đà. “Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN đã được xử lý theo quy định của Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Sông Đà báo cáo.

Sẽ tiến hành IPO?

Với khoản nợ cao gấp 9,6 lần vốn góp chủ sở hữu, Sông Đà ghi tên mình vào danh sách các ông lớn Nhà nước có tỷ lệ nợ/vốn cao nhất. Vì vậy, đây là vấn đề nhà đầu tư cân nhắc khi góp vốn vào Sông Đà, đặc biệt trong bối cảnh, công ty mẹ đang có kế hoạch IPO.

Tổng công ty Sông Đà được cho là sẽ cổ phần hóa theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu (IPO) của Tổng công ty Sông Đà là 450 triệu đồng cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: 229,5 triệu cổ phần nhà nước, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Sau IPO, vốn điều lệ của Sông Đà sẽ đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 2.631 tỷ đồng, tương ứng 1,4 lần so với thời điểm cuối năm 2016.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu