02:00 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thừa Thiên Huế: Xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

00:03 15/05/2017

(THPL) - Trong những năm gần đây, các trang trại chăn nuôi trên vùng cát nội đồng ở huyện Quảng Điền phát triển rất mạnh, cùng với đó là sự ô nhiễm do các trang trại không thực hiện đúng các quy tắc, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo tìm hiểu của PV, huyện Quảng Điền có hơn 102 trang trại chăn nuôi ở vùng cát nội đồng với diện tích 390 ha; trong đó ở xã Quảng Lợi có 42 trang trại, xã Quảng Vinh có 29 trang trại, xã Quảng Thái có 23 trang trại. Việc chăn nuôi ở nhiều trang trại đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Các cơ sở chăn nuôi phải hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường.

Do đó, hiện nay, tính cấp thiết là khắc phục ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi gây ra. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên vùng cát nội đồng ở Quảng Điền trung tuần tháng này phải hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường, hoàn thiện hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nếu các chủ trang trại không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ sản xuất, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều trang trại không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi thôi thối, cùng với việc nhiều chủ trang trại tự ý đào cát đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm.

Việc ô nhiễm nguồn nước gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh trang trại.

Sau khi có chỉ thị của tỉnh, UBND huyện Quảng Điền đã yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi cam kết xử lý và kiểm soát chất thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng ở địa phương hướng dẫn chủ trang trại chăn nuôi phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã vừa ban hành “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, cơ sở chăn nuôi từ 1.000 m2 trở lên phải cách khu dân cư tối thiểu 500 m, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000 m2 phải cách khu dân cư tối thiểu 300 m. Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 300m. Nơi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho hoạt động chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Về xử lý chất thải, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành. Khi chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành. Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành...

Được biết, vùng cát nội đồng ở Thừa Thiên Huế có diện tích gần 50.000 ha, tập trung ở các huyện: Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... Những năm gần đây, tỉnh có chủ trương phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi ở vùng cát nội đồng. Mô hình chăn nuôi này đã và đang phát triển rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, thủy lợi... chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều trang trại chăn nuôi đã gây ô nhiễm môi trường.

>>> Thừa Thiên - Huế: Người dân kêu cứu vì bãi tập kết cát gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thiên Trường

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu