11:27 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thiệu Hóa - Thanh Hóa: "Mỏ vàng" để phát triển du lịch về nguồn

10:59 18/07/2017

(THPL) - Là một huyện đồng bằng trung tâm xứ Thanh, Thiệu Hóa là vùng đất của các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng nổi tiếng. Đây có thể coi là "bàn đạp" để phát triển du lịch về nguồn, nhưng đến nay huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của loại hình này.

Tiềm năng du lịch lớn

Thiệu Hóa  - vùng đất cổ, một địa danh nổi tiếng của xứ Thanh, là nơi giao thoa, hội tụ của thiên nhiên sông núi, gắn các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của cư dân Việt Cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhắc đến Thiệu Hóa, người ta không chỉ không biết đến nơi đây là vùng đất có lịch sử lâu đời, bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh nhiều vị anh hùng, danh nhân văn hóa của dân tộc, phải kể đến như: Nguyễn Quán Nho, Lê Văn Hưu, Đinh Lễ, Lê Khắc Tháo…

Chùa Hương Nghiêm (quần thể di tích lịch sử, văn hóa nhà sử học Lê Văn Hưu), xã Thiệu Trung.

Trong bức tranh lịch sử đầy biến động, cùng sự phát triển không ngừng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, những công trình kiến trúc, các di tích lịch sử, văn hóa đình, đền, chùa… luôn là một phần trong di sản văn hóa do nhân dân sáng tạo ra. Không chỉ là những “pho sử lộ thiên”, các công trình kiến trúc này còn hội tụ tất cả các giá trị văn hóa - nghệ thuật, kinh tế - du lịch, văn hóa tâm linh, két cấu cộng đồng.

Theo thống kê, toàn huyện có 272 di tích, trong đó có 44 di tích được xếp hạng (6 di tích cấp Quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh); 21 di sản văn hóa phi vật thể, có nhiều lễ hội, lễ tục, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống (đúc đồng, bánh đa). Phải kể đến các di tích lịch sử văn hóa  như: Đền thờ, lăng mộ Lê Văn Hưu (Thiệu Trung); đền thờ Nguyễn Quán Nho, Đinh Lễ; đền thờ Nguyễn Quang Minh (Thị trấn Vạn Hà); núi Đọ (Thiệu Tân); chùa Thái Bình (Thiệu Hợp); đình làng Chí Cường (Thiệu Quang); chùa Châu Long (Thiệu Giao); chùa Vĩnh Phúc (Thiệu Nguyên); chùa Thái Bình (Thiệu Hợp)…Những di tích này được xem là “mỏ vàng” vô giá để phát triển loại hình du lịch về nguồn, đồng thời cũng là nguồn tư liệu quý giá để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này.

Không chỉ có các di tích lịch sử, văn hóa, đến với Thiệu Hóa, du khách trong chuyến du lịch về nguồn có thể tham quan các di tích cách mạng, khảo cổ – nơi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng. Đó là đình Ngô Xá Hạ (Thiệu Minh); đình làng Tân Bình, Lam Vỹ, Yên Lộ (Thiệu Vũ); núi Đọ (Thiệu Tân); Trụ sở làm việc Tỉnh ủy thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (Thiệu Viên), nhà thờ họ Vương (Thiệu Tiến); Hầm kháng chiến (Thiệu Trung); cụm di tích cách mạng Thiệu Toán; địa điểm cuộc khởi nghĩa giành phủ Thiệu Hóa (Thị trấn Vạn Hà)…

"Mỏ vàng" chưa được khai phá

Với lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tiềm năng phát triển du lịch về nguồn gắn các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng kết nối các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện rất lớn. Thực tế đến nay huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình du lịch này. Trong khi đó, người dân cũng chưa thực sự hiểu và mặn mà với việc “làm du lịch”.

Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương, nơi thành lập Chi bộ Đảng (10/7/1930) xã Thiệu Tiến

Theo tính toán, trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện Thiệu Hóa sẽ tiến hành xây dựng và hình thành 3 điểm, tuyến du lịch. Tuyến du lịch văn hóa tâm linh linh tín ngưỡng đường sông (sông Chu và sông Mã); điểm du lịch làng nghề gắn các di tích lịch sử văn hóa; điểm tham quan di tích cách mạng và danh nhân. Dự tính đến năm 2020 đón trên 5.000 lượt du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, những năm qua, tiềm năng phát triển của loại hình du lịch này vẫn còn bỏ ngỏ, sản phẩm du lịch của huyện còn nghèo nàn, đơn điệu, hạ tầng cơ sở, các điểm lưu trú, công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư… còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện, chưa hình thành các tour du lịch, cơ sở vật chất, dịch vụ còn yếu kém, thiếu sự gắn kết các loại hình du lịch, chưa tạo được điểm nhấn níu chân du khách; xuất phát điểm của du lịch Thiệu Hóa còn thấp, hiệu quả du lịch không cao, mặc dù có tiềm năng nhưng chưa khai thác hiệu quả…

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành công nghiệp “không khói”, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, trước hết, huyện Thiệu Hóa cần có chiến lược cụ thể, với những bước đi phù hợp với điều kiện, thế mạnh vốn có của vùng.

Trên cơ sở lập quy hoạch tổng thể và chi tiết các điểm, tuyến du lịch, xây dựng quảng bá các sản phẩm du lịch có thương hiệu; tăng cường công tác nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên; đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, phục dựng lại các di tích, danh lam đã xuống cấp; tuyên truyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các điểm lưu trú, nghỉ dưỡng…

 Lê Trung

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu