18:23 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Phập phồng nỗi lo ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thu mua phế liệu

06:00 12/06/2017

(THPL) - Nhếch nhác, lộn xộn, không có giấy xác nhận về phòng cháy, chữa cháy… là những gì thường thấy tại các cơ sở thu mua phế liệu. Điều đáng nói, chính ngành nghề được xem làm sạch môi trường này lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm cao.

Theo Luật bảo vệ môi trường 2014, các cơ sở thu mua phế liệu, thường là các hộ kinh doanh gia đình, trước hết cần phải được cấp giấy phép thành lập, ký cam kết bảo vệ môi trường, xác nhận về phòng cháy, chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 300 cơ sở thu mua phế liệu, tuy nhiên số cơ sở này phần lớn chưa đáp ứng những yêu cầu trên.

Dạo một vòng quanh một số tuyến đường lớn, nhỏ trên địa bàn TP. Thanh Hóa, đặc biệt là các xã, huyện lân cận, không khó khi bắt gặp các bãi phế liệu nằm nhếch nhác, bừa bãi ngay giữa khu dân cư, cạnh các quán ăn, nhà hàng... Thậm chí, để tiện đường làm ăn, các chủ cơ sở còn ngang nhiên tận dụng vỉa hè, lòng đường thành nơi tập kết phế liệu.

Rác thải tập kết tràn lan 

Về xã Thiệu Vận (H.Thiệu Hóa), chúng tôi khá ngỡ ngàng khi bắt gặp nhiều cơ sở thu mua phế liệu xuất hiện dày đặc, chủ yếu hộ gia đình, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Hơn 20 năm trong nghề thu mua phế liệu, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh Nguyễn Viết Thành, thôn 5 được người dân trong xã biết đến là ông chủ “vựa” có tiếng. Với vỏn vẹn hơn 241m2, bao gồm nhà ở, mặt bằng, xưởng lại nằm trong khu dân cư nên nhiều năm qua gia đình anh đã tận dụng diện tích dọc hai bên tuyến đường liên xã để tập kết.  Theo quan sát, cơ sở này như một “bãi chiến trường”, nhếch nhác, lộn xộn, phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ chủng loại như bao bì, giấy, sắt, thép gỉ, nhựa, nilon, đồ điện tử cũ… nằm la liệt từ trong xưởng ra tận ngoài đường, gây cản trở tầm nhìn người tham gia giao thông, ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh.

Tình trạng tập kết phế liệu bên lòng lề đường, không che bạt tại cơ sở của gia đình ông Nguyễn Viết Thành, thôn 5, xã Thiệu Vận, Thiệu Hóa.

Khi được hỏi về giấy xác nhận về phòng cháy, chữa cháy, chủ cơ sở này tỏ ra thản nhiên, trong khi đó từ khi đi vào hoạt động đến nay, gia đình anh Thành không có cam kết về phòng cháy, chữa cháy, nhà xưởng không có hệ thống bình phòng cháy, cùng một số thiết bị khác.

Tương tự, tại một cơ sở thu mua phế liệu khác của xã Thiệu Vận nằm tại thôn 4 cùng không đáp ứng những yêu cầu cần thiết về đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Nguyễn Bá Thắng, chủ cơ sở, cho biết: “Trung bình hàng tháng, cơ sở thu mua 10 tấn nhựa phế, 20 tấn sắt, thép phế, lượng chất thải sản xuất thải ra môi trường 1,5kg/ngày.”

Do diện tích nhỏ, hẹp, sau khi tận thu nguồn nguyên liệu, anh Thắng cho tập kết cạnh nhà dân, lẫn trên đường. Trong đề án bảo vệ môi trường được anh trình bày, đối với các loại chất thải  như đất, cát… cơ sở sẽ thu gom và chôn lấp trong khuôn viên xưởng, tuy nhiên xung quanh cơ sở này chủ yếu là sông, nhà dân.  Hơn nữa, tại cơ sở này cùng không có giấy xác nhận về phòng cháy, chữa cháy cùng hệ thống, vật dụng phòng cháy khác.

Một chủ cơ sở thu mua phế liệu tại P.Tào Xuyên (TP. Thanh Hóa) cho biết: “Trong quá trình phân loại chỉ hơi có mùi, bụi một chút, không đáng kể nên môi trường cũng không ảnh hưởng nhiều…”

Tại một cơ sở thu mua phế liệu khác tại thị trấn Giắt (Triệu Sơn) nằm xen kẽ trong khu dân cư, hàng ngày nhiều chuyến xe nối đuôi nhau chất đầy phế liệu đổ về điểm này, người mua, kẻ bán vô tư đổ phế liệu xuống, bụi bay tứ tung.

Điểm chung của các cơ sở thu mua phế liệu trên chủ yếu nằm ở mặt đường, xen kẽ trong khu dân cư đông đúc, do diện tích nhà xưởng nhỏ hẹp, lại dựng tạm bợ, cũ kỹ, nên phế liệu được để ngoài trời, không mái che, nước mưa chảy vào phế liệu, ngấm vào lòng đất, mùa nắng nóng mùi hôi thối bốc lên, gây độc hại cho lao độn và người dân trong khu vực.

Bà Phan Thị Nhàn, xã Thiệu Khánh ( TP. Thanh Hóa), cho biết: “Nhà tôi ở gần một điểm thu mua phế liệu, tuy cơ sở mang tính chất hộ gia đình, hoạt động nhỏ lẻ, tuy vậy vào mùa mưa, phế liệu bị ướt nên bốc mùi hôi, mùa nóng dễ xảy ra cháy do giấy, bao bì, nhựa bề bộn”.

Vì hoạt động tự phát, manh mún, không tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các chủ thu mua phế liệu không quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động.

Thực tế, lao động trong các xưởng, cơ sở thu mua phế liệu thường làm thời vụ, lương thấp, không được đóng bảo hiểm, môi trường làm việc bụi bẩn, độc hại, dễ phát sinh những căn bệnh nguy hiểm.

Rõ ràng, các cơ sở thu mua phế liệu đã và đang đóng vai trò trong việc làm sạch môi trường, thông qua việc thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư. Tuy nhiên, do hoạt động cầm chừng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên nhiều cơ sở chưa, hoặc cố tình vi phạm đến các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, nhất là các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có cách nhìn thấu đáo, quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với loại hình sản xuất kinh doanh đặc thù này. Qua đó, cần tăng cường công tác xử lý, giám sát các cơ sở cố tình vi phạm; nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; lập quy hoạch xây dựng các bãi tập kết phế liệu tập trung; đối với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao ( không khí, tiếng ồn…) nên xác định lộ trình di dời vào các khu, cụm làng nghề để có điều kiện xử lý môi trường, tránh ảnh hưởng đời sống nhân dân…

 Trung Lê

 

  

  

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu