07:40 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Nhức nhối nạn phá rừng nghèo kiệt để trồng keo

11:53 12/07/2017

(THPL) – Gần đây trên địa bàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều trường hợp phá rừng nghèo kiệt để tận thu và trồng keo, mặc dù địa phương này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án trên. Điều đáng nói, thay vì quyết liệt ngăn chặn, xử lý thì chính quyền địa phương sở tại đang rất thờ ơ và có biểu hiện của việc tiếp tay cho sai phạm

Rừng nghèo kiệt trên địa bàn xã Thanh Tân đang bị tàn phá.

Xã Thanh Tân có khoảng 9.000 ha rừng, lợi dụng địa thế khó khăn, bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của của chính quyền địa phương, một số đối tượng đã công khai phá rừng nghèo kiệt để trồng keo. Một số điểm ghi nhận được thuộc các thôn Tân Quang, Khe Cát.

Những nơi xảy ra hiện tượng trên không chỉ là nơi hẻo lánh, địa hình hiểm trở mà còn công khai tại khu vực thuộc thôn Thanh Quang, quan sát từ ngay mặt đường Nghi Sơn – Bãi Trành, tuyến đường huyết mạch của tỉnh Thanh Hóa có thể thấy rõ một mặt quả ngọn núi đã bị đốt trụi và chuẩn bị trồng keo.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ PV, cán bộ Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã cùng chính quyền xã Thanh Tân trực tiếp đi kiểm tra và lập biên bản hiện trạng. Theo như thông tin từ 2 đơn vị trên, sau khi nhận được thông tin đã cho cán bộ đi kiểm tra, lập biên bản hiện trạng và yêu cầu tạm dừng các vị trí rừng đang bị tàn phá để trồng cây.

Khi PV Thương hiệu và Pháp luật cung cấp thông tin về một trường hợp công khai ngay sát tuyến đường chính đã tàn phá, đốt rừng để chuẩn bị trồng cây khoảng 1 năm nay mà chính quyền địa phương không xử lý quyết liệt, ông Lương Văn Inh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Đối với trường hợp này, chính quyền đã phương đã nắm được, vào năm 2016 cũng đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng”.

Quan sát từ ngay mặt đường chính, có thể thấy rừng đã bị đốt trụi.

Theo tìm hiểu của PV được biết, trường hợp này có liên quan đến một cán bộ đang công tác trên huyện Như Thanh, ông Inh cũng thừa nhận thông tin trên và cho biết xử lý trường hợp này chưa quyết liệt và có phần cả nể.

Khi PV đề nghị được xem biên bản yêu cầu tạm dừng đối với trường hợp cán bộ nói trên và biên bản kiểm tra gần nhất, đại diện chính quyền xã Thanh Tân cho biết toàn bộ hồ sơ sau khi lập đã được chuyển lên Hạt Kiểm lâm Như Thanh để xử lý, vì với diện tích trên 0.5ha không thuộc thẩm quyền của xã.

Tuy nhiên, đại diện Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết hiện Hạt chưa nhận được hồ sơ liên quan mà xã gửi lên. Ông Lê Ngọc Khuyên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết Hạt đã cho đi kiểm tra thông tin mà báo chí phản ánh, bên cạnh đó cũng đang cho xác định đối tượng là chủ của những điểm tàn phá rừng nghèo kiệt nói trên để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Đại diện Hạt Kiểm lâm Như Thanh cũng từ chối cung cấp những hồ sơ liên quan đối với sự việc trên.

Qua trao đổi với chính quyền xã Thanh Tân, ông Inh cho biết qua thông tin được cung cấp, chính quyền xã đã cho đơn vị đi kiểm tra và phát hiện 02 trường hợp, diện tích rừng bị tàn phá khoảng 6ha. Chính quyền địa phương đã cho gọi một đối tượng lên để làm việc. Đối tượng đã thừa nhận sự việc trên và thông tin sau đó là đối tượng đã bỏ trốn vào miền Nam.

Vào tháng 4/2017, chính quyền xã đã cho thành lập Tổ công tác kiểm tra an ninh rừng trên địa bàn. Hàng tuần Tổ công tác có lịch đi kiểm tra và báo cáo về xã. Điều đáng nói là hành động tàn phá rừng nghèo kiệt đã diễn ra từ lâu, chính quyền xã đã nắm được và đã từng xử lý, yêu cầu tạm dừng một trường hợp từ năm 2016, thế nhưng đến thời điểm hiện tại hiện trạng trên vẫn ngang nhiên diễn ra.

Phải chăng chính quyền địa phương đang cố tình buông lỏng quản lý và xử lý có phần cả nể? Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các cấp cần vào cuộc một cách quyết liệt để chấm dứt hiện trạng tàn phá rừng nghèo kiệt, trước khi nó bùng phát trên diện rộng.

Một số hình ảnh PV Thương hiệu và Pháp luật ghi nhận tại hiện trường:

Khung cảnh hoang tàn sau khi rừng bị tàn phá.
Những gốc cây to còn sót lại cũng đã bị chặt hạ.
Nhiều loại gỗ quý sẽ được các đối tượng tận thu lấy gỗ.
Những nhánh cây không có giá trị sử dụng sẽ được bỏ lại.
Sau khi rừng bị chặt hạ, các đối tượng sẽ tiến hành tận thu lấy gỗ, phần còn lại sẽ được đốt bỏ và cải tạo lại đất để trồng keo.

Ông Hà Văn Khương (người dân thôn Tân Quang) cho biết: "Năm 2008, chính quyền có giao cho tôi giữ 31ha rừng thộc bãi Bon (thôn Tân Quang), sau khi tôi nghỉ làm Bí thư chi bộ đã giao lại cho chính quyền thôn quản lý. Vào đầu năm 2017, tôi phát hiện có người lạ đến địa điểm trên phát rừng trồng keo, khi tôi hỏi thì được biết chính quyền xã đã có chủ trương".

Quốc Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu