17:41 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục miền núi nhìn từ góc độ thực tiễn

09:25 20/12/2017

(THPL) - Trong những năm qua, chất lượng giáo dục miền núi đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục vùng khó khăn. Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa còn nhiều việc phải làm.

Những "quả ngọt"

Thanh Hóa là một tỉnh rộng, tập trung 7 dân tộc anh em sinh sống, trải dài khắp 27 huyện thị, thành phố, cùng với đó kinh tế của 11 huyện miền núi có chút khởi sắc, nhưng nhìn chung trình độ dân trí, dân sinh còn thấp.

Với mong muốn nâng cao dân trí, đẩy mạnh chất lượng giáo dục miền núi lên tầm cao mới, đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, giai đoạn 2013 - 2020” ra đời, bước đầu đạt được những thành quả nhất định.

diem le ban tien, xa lam phu, lang chanh
Dù cơ sở vật chất thiếu thốn song nhiều giáo viên hàng ngày vẫn bám lớp, bám bảng để gieo chữ.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, đặc biệt trong năm học 2016 – 2017, mạng lưới trường, lớp tăng nhanh, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học không ngừng được bổ sung, đầu tư, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp học, ngành học không ngừng nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 655 trường, trong đó mầm non 203 trường, tiểu học 229 trường, TH&THCS 11 trường, THCS 184 trường và THPT 28 trường. Trong năm học 2016 – 2017, khối giáo dục miền núi có 2 trường có cấp THPT được thành lập mới và đi vào hoạt động (Trường THCS&THPT Như Xuân, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc), nâng tổng số trường có cấp THPT của 11 huyện miền núi lên 30 trường.

Có 279 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 42, 6% (mầm non 75 trường, tiểu học 124 trường, TH&THCS 77 trường, THPT 2 trường). Nhiều huyện có tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia cao như Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Thanh…

Số đông có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên trong tổng số lao động được đào tạo nghề đạt trên 110.734 (năm 2016), tăng 1,2% so với năm 2013, đạt chỉ tiêu đề ra trong đề án, số lượng giáo viên khu vực miền núi là 16.080, tỷ lệ đạt chuẩn 99,98%, trên chuẩn 72,04%...

Hiện có 9/11 huyện có số trường mầm non tổ chức bán trú 100% (trừ 2 huyện Mường Lát, Bá Thước), tỷ lệ trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng giảm xuống còn 7,45%. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, giáo viên miền núi không ngừng nâng cao…

Thực hiện đề án, các địa phương trong tỉnh không ngừng đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập trung một số vấn đề trọng tâm, như: Huy động học sinh ra lớp; nâng cao tỷ lệ chuyên cần, nâng cao hiệu quả chất lượng bán trú; chú trọng trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học; kiểm tra, đánh giá việc dạy, việc học, theo đối tượng từng vùng miền, tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi và học sinh lớp 1; lồng ghép thực hiện đề án với các chương trình, dự án khác; thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua bằng việc làm thiết thực, hiệu quả…

Theo đánh giá của ngành giáo dục tỉnh nhà, song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, các đơn vị cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, thông qua việc xây dựng Đề án các trường trọng điểm chất lượng cao.

Những khó khăn cần sớm giải quyết

Thiếu phòng học, phòng chức năng, nguồn nước sạch, các công trình vệ sinh, tồn tại nhiều điểm lẻ, lớp ghép ở bậc học mầm non, tiểu học, điều kiện sinh hoạt của nhiều thầy cô giáo… đặc biệt ở các trường khu vực vùng cao, biên giới; số lượng người mù chữ và tái mù chữ còn nhiều ở đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung tại các xã vùng cao, biên giới (tỷ lệ người dân tộc mù chữ đạt 84,7% trong tổng số người mù chữ). Tại một số huyện vùng cao còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, dẫn đến trình độ dân trí hạn chế… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Cách trung tâm huyện Lang Chánh chừng hơn 30km, Trường Tiểu học Lâm Phú có 343 học sinh, với 4 khu lẻ cách nhau gần 6km, giao thông đi lại hết sức khó khăn.

co so vat chat tai nhieu diem truong mam non c huyen lang chanh con thieu thon
Tại nhiều trường mầm non ở Thanh Hóa, cơ sở vật chất cho học sinh mầm non còn thiếu thốn. 

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng đại ngàn, bản Nà Đang, cách trung tâm xã Lâm Phú (Lang Chánh) chừng 17km, hiện lên với bức tranh u ám, bản hiện có 52 hộ, hơn 242 khẩu, nhưng có đến hơn 200 hộ nghèo, đời sống của đồng bào nơi đây còn khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng, trồng lúa, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trao đổi với thầy Phạm Hồng Nhiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú, được biết, trường có 4 khu lẻ, trong đó khu Nà Đang là xa xôi, khó khăn nhất, với 21 học sinh/3 lớp, trong đó có 2 lớp ghép ( lớp ghép 1- 3 và lớp ghép 4 - 5). Do giao thông đi lại khó khăn, cộng thêm điều kiện kinh tế của người dân còn thấp kém, trình độ dân trí hạn chế, công tác huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu nước sinh hoạt, cơ sở vật chất, nhiều giáo viên tại đây vẫn hàng ngày bám lớp, bám bản để “gieo chữ”.

Thiết nghĩ, để chất lượng giáo dục miền núi có nhiều đột phá, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa cần có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thúc đẩy để giáo dục miền núi có nhiều khởi sắc.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu