00:03 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Một công ty mới được thành lập nhưng đề xuất xin dự án nghìn tỷ

14:30 29/08/2019

(THPL) - Dự án xây dựng hệ thống nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh Thanh Hóa lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo hình thức sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ. Điều đáng nói là Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thanh Bình là Công ty mới thành lập và chỉ là nơi buôn bán quần áo lại đứng ra xin dự án khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu Công ty Đầu tư XNK Thanh Bình có phải là “Công ty ma”?.

Trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư XNK Thanh Bình chỉ là cửa hàng bán quần áo.

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thanh Bình (Cty Thanh Bình), được đăng ký lần đầu ngày 10/7/2019, có địa chỉ trụ sở chính số 17, đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Có tên người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Ngọc Tùng, với vốn điều lệ là 350 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thanh Bình có địa chỉ ở số 17, đường Lê Hữu Lập chỉ là cửa hàng bán quần áo?

Mục sở thị của PV được biết, trụ sở mà Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thanh Bình, đăng ký tại số 17, đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa chỉ là một cửa hàng bán quần áo có tên Đại lý sản phẩm dệt may Khatoco Biển Hằng bán buôn, bán lẻ quần áo.

Theo một người dân cạnh cửa hàng bán quần áo này cho biết, tầng 1 là cửa hàng bán quần áo, tầng 2 là chủ nhà ở chứ có phải là trụ sở của Công ty nào đâu chú? chắc các chú nhầm rồi, ở đây chả có Công ty nào cả.

Điều đặc biệt là chỉ sau khi thành lập được 12 ngày, Công ty này đã có Văn bản số 01/2019/ĐT, ngày 22/7/2019 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị thực hiện “Dự án xây dựng hệ thống nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.

Trong khi đó, dự án nêu trên đã được UBND tỉnh Thanh Hóa lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo hình thức sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hungary. 
Theo thông tin về dự án của Cty Thanh Bình trình bày được biết, dự án sẽ xây dựng 1 trạm xử lý nước sạch công suất 100.000m3/ngày/đêm; tuyến ống nước thô sẽ đi dọc đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47 qua địa bàn các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, TP Thanh Hóa; có trạm bơm tăng áp, công trình thu và trạm bơm nước thô… Tổng vốn đầu tư là gần 1.200 tỷ đồng, vốn tự có và huy động hợp pháp khác của doanh nghiệp.

Căn cứ vào văn bản thực hiện Dự án đầu tư của Công ty cổ phần đầu tư XNK Thanh Bình, ngày 21/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở KHĐT rà soát khả năng tham gia của tư nhân trong việc thực hiện dự án này. Sở KHĐT đã xin ý kiến của các ngành, địa phương có dự án đi qua về chủ trương thực hiện. 

Văn bản số 4773/STNMT - QLĐĐ của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Cty Thanh Bình.

Tại các văn bản số 4773/STNMT - QLĐĐ về việc tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư  hệ thống cấp nước thô... đã khẳng định vị trí các khu đất đề nghị thực hiện dự án của Cty Thanh Bình là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Thọ Xuân và Triệu Sơn được duyệt.

Mặt khác, dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa vận động đầu tư từ nguồn vốn ODA của Hungary. Do đó, không thống nhất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do Công ty Thanh Bình đề xuất.

Cùng tham gia ý kiến về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, Sở Tài chính Thanh Hóa nhận định, tổng mức đầu tư của dự án là gần 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 397 tỷ đồng, vốn huy động 800 tỷ đồng, trong khi đó không có cam kết của các tổ chức tín dụng. Như vậy, nhà đầu tư là Cty Thanh Bình chưa chứng minh được khả năng tài chính của nhà đầu tư cũng như khả năng huy động vốn nên chưa đủ điều kiện về năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Về hiệu quả của dự án, theo đề xuất của nhà đầu tư về giá bán, sản lượng nước tiêu thụ dự án sẽ khó có tính khả thi vì vậy cần xem xét lại hiệu quả kinh tế của dự án, đặc biệt là tính khả thi của sản lượng nước tiêu thụ. 

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chủ trương đầu tư dự án từ nguồn vốn ODA với tổng mức 1.260 tỷ đồng, do đó Sở Tài chính đề xuất Sở KHĐT nên nghiên cứu, xem xét tính khả thi của dự án để báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Cửa hàng bán quần áo "xin dự án" 1.200 tỷ đồng

Theo đó Cty Thanh Bình có địa chỉ trụ sở chính đóng ở số 17 Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được công khai.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 27/8, PV đã đến trụ sở Cty này theo số nhà đã đăng ký trong giấy Chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp thì tại đây không có biển treo là “Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thanh Bình”. Thực tế, số nhà này ở tầng 1 đang treo biển là “Đại lý sản phẩm dệt may Khatoco Biển Hằng” chuyên bán buôn, bán lẻ quần áo. Trên tầng là chủ của ngôi nhà sinh sống.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, một số người dân và chính người bán hàng quần áo tại cửa hàng này đều cho rằng, không có Công ty Thanh Bình hoạt động ở số nhà 17 Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa như trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mà đây chỉ là nhà của gia đình buôn bán quần áo ở tầng 1 còn tầng 2 là phòng khách và phòng ăn, ngủ của chủ nhà, người dân ở đây cho biết.

Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp Công ty Cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thanh Bình có địa chỉ tại số 17, Lê Hưu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa nhưng thực chất đây chỉ là cửa hàng bán quần áo không phải trụ sở Công ty.

Để có thông tin chính xác về Công ty Thanh Bình có trụ sở tại số 17, đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, PV đã điện thoại liên lạc với ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Lam Sơn và được ông cho biết, “Cty này tôi chưa hề nghe tới, không biết nó thành lập lâu chưa nữa. Chắc thành lập để lấy số liệu thôi. Rất nhiều doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa có đăng ký thành lập, nhưng thực tế có hoạt động đâu, chắc ảo thôi hoặc thành lập để làm việc gì đó thôi”.

Trước sự việc trên, nhiều người dân ở đây thắc mắc: “Nếu là trụ sở chính của công ty, mà có vốn điều lệ lên đến 357 tỷ đồng như đăng ký thì phải có văn phòng, nhân viên, trụ sở làm việc đàng hoàng chứ, khi làm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cũng phải có ban ngành chuyên môn đến kiểm tra, thẩm định...rồi thì mới cấp giấy chứng nhận chứ, ai lại cấp Giấy chứng nhận đăng ký với số vốn điều lệ lên đến 350 tỷ mà lại không có việc thẩm định rồi cấp chui như vậy, một người dân nhận định.

Văn bản số 5122/SKHĐT-KTĐN của Sở KHĐT ký ngày 21/8/2019 do ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Sở này lại ký và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phải có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định về hình thức đầu tư dự án này.

Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, trong văn bản số 5122/SKHĐT-KTĐN của Sở KHĐT ký ngày 21/8/2019 do ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Sở này lại ký và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phải có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định về hình thức đầu tư dự án này. “Sau khi có ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về hình thức đầu tư dự án trên, giao Sở KHĐT tham mưa cho UB tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư triển khai, thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo theo quy định của pháp luật”, nội dung văn bản nêu.

Được biết, trước đó cũng dự án này nhưng sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungary đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và cho lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại Văn bản số 10141/VPCP-QHQT ngày 23/9/2017 và được Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương đầu tư. 

Ngoài ra, dự án đã được UBND tỉnh này bố trí 2 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện tai, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án và gửi Bộ KHĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. 

Thế nhưng, điều “tréo ngheo thay” đó là Sở KHĐT tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý chấp thuận đầu tư dự án này, nhưng lại “vẫn cố tình” đề nghị UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về chủ trương đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Thanh Bình có trụ sở chính ở số 17, Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn chỉ là nơi bán quần áo, nguồn tài chính chưa chứng minh như Sở Tài Chính đã có văn bản số 3453/STC-ĐT đã chỉ rõ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thanh Bình chưa chứng minh được khả năng tài chính của nhà đầu tư cũng như huy động vốn nên chưa đủ điều kiện về năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Được biết, đây là dự án an sinh xã hội, nhằm phát triển kinh tế của các huyện dọc Quốc lộ 47 của tỉnh Thanh Hóa, đang được các bạn ngành chức năng quan tâm, quyết định vậy vốn của nước ngoài, việc vay vốn để đầu tư là đúng hướng với sự phát triển bền vững cho tỉnh Thanh Hoá, để người dân được hưởng lợi về lâu dài nhưng không hiểu lý do gì lại được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa lại dành phần "ưu ái" cho Công ty Cổ phần đầu tư XNK Thanh Bình, để Công ty tư nhân này có "đề xuất" xin dự án nghìn tỷ như vậy thì liệu có công tâm, vì sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá.

Vậy là đã rõ, có hay không lợi ích nhóm trong vụ việc "đề xuất" xin dự án nghìn tỷ của Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Thanh Bình? Ai là người đứng sau lập nên Công ty này để xin dự án trục lợi, rất cần có sự vào cuộc làm rõ vấn đề của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Bộ kế hoạch đầu tư khi triển khai dự án này?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin sự việc này đến bạn đọc.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu