23:47 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thần tốc ứng tiền “cứu” doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế tiền tỷ

14:10 12/10/2018

Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Điện Biên vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thi công xây lắp thuộc Dự án Đường Na Sang với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả, nhiều ý kiến phản ánh về những dấu hiệu bất minh tại các gói thầu này...

Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Điện Biên (Ban QLDAGT) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thi công xây lắp thuộc Dự án Đường Na Sang (Km146+200/QL.12) - TT. xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên (phân đoạn TT. Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả, nhiều ý kiến phản ánh về những dấu hiệu bất minh tại các gói thầu này cũng như tình hình tài chính thiếu lành mạnh của đơn vị trúng thầu.

Tiêu chí mập mờ, doanh nghiệp nợ thuế nhiều tỷ vẫn trúng thầu

Cụ thể là, tại điểm 3.1 Điều 3 trong mục Bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm của Hồ sơ gói thầu số 3 yêu cầu đơn vị dự thầu “nộp báo cáo tài chính từ năm 2014 đến năm 2016 hoặc từ năm 2015 đến năm 2017 để chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu”. Việc đưa ra tiêu chí mập mờ “từ năm 2014 đến năm 2016 hoặc từ năm 2015 đến năm 2017” là có dấu hiệu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng số 6 là đơn vị đứng đầu Liên danh trúng gói thầu số 03 đang bị “tố” đang nợ đọng tiền thuế nhiều tỷ đồng đến mức Cục thuế tỉnh Điện Biên phải ra văn bản cưỡng chế nợ thuế mà vẫn trúng thầu. Cụ thể là, Cục thuế tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 1421/TB-CT ngày 13/8/2018 thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 với tổng số tiền chưa nộp vào ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/7/2018 là 3.491.655.739 đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền phạt là 2.765.150.796 đồng; số tiền chậm nộp đến ngày 31/5/2018 là: 704.327.205 đồng; số tiền chậm nộp từ ngày 1/6/2018 đến ngày 30/6/2018 là: 22.177.738 đồng. Ngoài ra, số tiền nộp quá hạn phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là: 1.859.731.385 đồng. Theo Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì tại Điểm a, Khoản 1 Điều 2 ghi rõ “Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Trong trường hợp này, Cục Thuế tỉnh Điện Biên đối chiếu hồ sơ nợ của người nộp thuế; thực hiện phát hành thông báo và phạt chậm nộp tiền đối với các doanh nghiệp nợ thuế kéo dài. Các khoản nợ trên 90 ngày chuyển giao cho Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện các thủ tục cưỡng chế theo quy định.

Văn bản của Cục thuế tỉnh Điện Biên thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng. Ảnh: H.L

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một doanh nghiệp nợ đọng thuế nhiều tỷ đồng đến mức phải cưỡng chế thuế vẫn được Ban QLDAGT tỉnh Điện Biên “ưu ái” xác định là “có tình hình tài chính lành mạnh” để tham gia đấu thầu và trúng thầu? Điều đáng nói là, ngay sau khi thông báo trúng thầu, dù chưa có đủ các điều kiện để bàn giao mặt bằng, Ban QLDAGT tỉnh Điện Biên đã vội vàng tạm ứng ngay 43.202.141.024 đồng cho Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển. Trao đổi với phóng viên báo BVPL, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Ban QLDA GT tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay chưa có Lệnh khởi công của công trình này và theo Thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án này do ông Lê Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa ký ngày 25/9/2018 thì thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là từ ngày 26/9/2018 đến ngày 26/3/2019.

Phải chăng có lợi ích nhóm ở đây nhằm tạo “liều thuốc tiên” cứu doanh nghiệp đang nợ thuế? Được biết, hiện trong số 48Km nhưng mới chỉ có khoảng 3Km là mặt bằng sạch (nguyên đường dân sinh hiện nay sẽ được nâng cấp lên), còn lại là đường làm mới chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có một diện tích không nhỏ đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ quan điểm, các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu khi bị công bố nợ thuế, phí, tiền thuê đất thì sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của doanh nghiệp. Bởi, chủ đầu tư thấy doanh nghiệp nợ thuế thì có nghĩa sẽ không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu thầu, thực hiện dự án, công trình. Uy tín của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng là rất quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu doanh nghiệp có những “tì vết” không tốt về tài chính, năng lực thì sẽ phải mất nhiều thời gian để tẩy sạch.

Có hay không việc lợi ích nhóm trong các gói thầu trăm tỷ ?

Điều đáng nói là trước đó khi phát hành hồ sơ mời thầu của 03 gói thầu này, nhiều nhà thầu đã có đơn "tố" Ban quản lý dự án các công trình giao thông (QLDA GT) Điện Biên cài cắm “điều kiện" riêng nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực trong hồ sơ mời thầu, có hiện tượng “xã hội đen” đe dọa cản trở nhà thầu mua hồ sơ. Sau khi có ý kiến của các nhà thầu, Ban QLDA GT Điện Biên buộc phải thừa nhận sai sót, ban hành Quyết định số 190 ngày 01/3/2018 phê duyệt sửa đổi hồ sơ mời thầu Gói thầu số 01 và Quyết định số 191 ngày 01/3/2018 phê duyệt sửa đổi hồ sơ mời thầu Gói thầu số 02 với nội dung sửa đổi hàng chục tiêu chí theo ý kiến của các nhà thầu. 

Tiếp đó, ngày 6/3/2018, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản giao Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Ban QLDA các công trình giao thông Điện Biên và các cơ quan, đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ nội dung kiến nghị và yêu cầu trong quá trình xác minh không làm ảnh hưởng đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định. Trên cơ sở đó có báo cáo cụ thể và tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả công khai trả lời dư luận về việc xác minh cũng như hình thức xử lý kỷ luật đối với Lãnh đạo Ban QLDAGT tỉnh Điện Biên khi để xảy ra nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình mời thầu.

Hồ sơ mời thầu với nhiều tiêu chí không rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT. Ảnh: H.L

Trước đó, vào năm 2015, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6  từng bị “dính phốt” trong sự cố sạt lở xảy ra trong quá trình thi công những hạng mục cuối cùng của Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước Khu tái định cư Chi Luông, Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên được khởi công xây dựng đầu tháng 10/2015 và thực hiện cơ bản hoàn thành cuối tháng 12/2015. Đơn vị này đã để xảy ra vi phạm như chưa có phân tích, đánh giá để có cảnh báo kịp thời những sai sót, bất hợp lý trong hồ sơ khảo sát, thiết kế  nhằm kịp thời ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn cho công trình; chưa thực hiện hết trách nhiệm về Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình quy định tại Mục 7, điều 25 Nghị định số 46/2015-NĐ/CP. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 300 tỷ đồng, và chi phí để khắc phục sự cố sạt lở này lên tới 250 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án này lúc đó đã “đội giá” lên đến hơn 550 tỷ đồng. Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư "nhắc nhở" UBND tỉnh Điện Biên cần “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” và “kiểm điểm các tổ chức, cá nhân” có liên quan đến sự cố công trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1798 ngày 11/10/2016.

Ngoài nghi vấn nhà thầu nợ đọng thuế nhiều tỷ mà vẫn trúng thầu, các doanh nghiệp dự thầu còn cho rằng dự án này còn có nhiều điểm "mập mờ" chưa được làm rõ. Khi phóng viên đề nghị làm rõ những nội dung nghi vấn thì ông Tô Trọng Thiện- Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh Điện Biên lại đẩy trách nhiệm trả lời cho lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên. Trong khi đó, dư luận địa phương lại “dấy” lên nhiều thông tin rằng đơn vị trúng thầu là “sân sau” của lãnh đạo tỉnh? Đâu mới là sự thực và ai phải chịu trách nhiệm nếu có những sai phạm xảy ra trong quá trình đấu thầu dự án quan trọng này? Đề nghị UBND tỉnh Điện Biên làm rõ những nghi vấn về việc các cơ quan chuyên môn xác định có đủ mặt bằng thi công khi chưa chuyển đổi mục đích đất rừng sang đường giao thông, quy trình và các thủ tục tạm ứng vốn ngân sách Nhà nước khi chưa có lệnh khởi công và các điều kiện thi công công trình.., xử lý nghiêm theo đúng tinh thần Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. 

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Gói thầu số 01 Thi công xây lắp và đảm bảo giao thông từ Km0+00-Km16+540, với giá trúng thầu là 181.852.281.926 đồng, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng giao thông 208- Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Hải Lộc- Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hà Nội tại Điện Biên; Gói thầu số 02 Thi công xây lắp và đảm bảo giao thông từ Km16+540-Km34+00, với giá trúng  thầu là 159.770.287.878 đồng, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàng- Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên- Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Tùng Lâm- Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn; Gói thầu số 03 Thi công xây lắp và đảm bảo giao thông từ Km34+00-Km48, với giá trúng thầu là 130.048.588.273 đồng, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Thương mại và xây dựng số 6- Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Triển.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu