11:35 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tăng cường định hướng xuất khẩu chính ngạch

09:02 29/05/2020

(THPL) - Hiện tại dịch Covid-19 đã tạm thời được kiểm soát ở Việt Nam và Trung Quốc, nhu cầu trao đổi hàng hóa đang dần tăng trở lại. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra cảnh báo, nếu doanh nghiệp Việt Nam không bỏ thói quen xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này thì sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ tháng 4/2020 Trung Quốc bắt đầu tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, với giá trị đạt 39,2 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái,  hiện tại các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang ở vị trí cạnh tranh cao hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador do các quốc gia này vẫn đang phải chống chọi với Covid-19.

Xuất khẩu theo hình thức chính ngạch là hướng đi chuyên nghiệp và bền vững

Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,7 tỷ USD, tăng cao ở mức 22,1% so với cùng kỳ.

Xác định rõ tiềm năng của thị trường này khi dịch bệnh được kiểm soát, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (Lạng Sơn); cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long (Quảng Ninh), đồng thời cho phép UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc cẩn trọng để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn, bảo đảm tối đa công tác phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ Công thương cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến với Trung Quốc.  Gần đây nhất là vào ngày 26/5 tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020, đại diện phía Trung Quốc cũng thừa nhận nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản…  được người Trung Quốc ưa chuộng.

Triển vọng xuất khẩu của nông sản Việt Nam sang Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thói quen xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này, dù phương thức đó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bộ Công thương đã đưa ra phân tích, từ năm 2008, khi Trung Quốc có chính sách cho cư dân biên giới được phép mua hàng từ hai nước với giá trị 8.000 nhân dân tệ/người/ngày, rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã lợi dụng chính sách này xé lẻ các mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù, hai nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và có thuế quan 0%, nhưng khi nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải đóng các khoản thuế giá trị gia tăng từ 10% -13% tùy từng loại hàng. Nếu họ nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới thì sẽ được miễn các loại thuế này. Đây chính là một trong những lý do khiến rất nhiều thương nhân Trung Quốc đều muốn nhập khẩu theo hình thức tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc nhập khẩu tiểu ngạch cũng đi kèm với việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Ngoài ra, còn nảy sinh những biến tướng khác, như tận dụng những mặt hàng chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng trao đổi cư dân biên giới vẫn có thể đi được. Điều này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hình thành thói quen xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, bỏ qua nhiều công đoạn quản lý chất lượng theo đúng quy định của nước nhập khẩu, rồi từ đó bị phụ thuộc rất nhiều vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

 Do đó, các cơ quan quản lý đã đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách thức tiếp cận đối với thị trường Trung Quốc, sản xuất các mặt hàng bảo đảm đáp ứng đúng tiêu chuẩn và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, bởi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và đang ngày càng coi trọng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sau khi xảy ra dịch Covid-19.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu