15:13 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Ninh: Dầu sở sẽ sang Pháp trong tương lai gần

21:17 01/01/2018

(THPL) - Cây sở - loài cây đặc trưng của miền biên cương Bình Liêu (Quảng Ninh) đem lại cho đồng bào hướng phát triển mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo báo VOV, núi rừng vùng Đông Bắc ẩn trong mình rất nhiều những loại cây trồng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây sở - loài cây đặc trưng của miền biên cương Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ đem lại cho đồng bào hướng phát triển mới, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút hàng vạn du khách đến với vùng biên viễn.

Với nhiều đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, cuộc sống thường ngày gắn bó mật thiết với tán rừng sở. Cây sở (hay còn gọi là cây dầu chè, trà mai hoa) có giá trị sử dụng đa dạng, rễ cây dùng trị đau dạ dày; rễ và vỏ dùng để trị gãy xương, bong gân; vỏ phơi khô được dùng làm chất đốt, thuốc nhuộm.

Hoa sở, dầu sở, Đông Bắc, sang Pháp
Hoa sở là loài hoa đặc trưng của núi rừng biên giới Đông Bắc. Ảnh: Báo Dân Việt

Với quả sở, các gia đình bản địa vẫn truyền nhau bí quyết ép hạt lấy dầu, thường dùng làm dầu ăn hay thuốc y dược. Đây cũng là giá trị lớn nhất của cây, bởi dầu sở được coi là có giá trị dinh dưỡng không thua kém dầu oliu, có chứa nhiều omega 3, 6, 9, có thể tăng cường sức đề kháng, chống ung thư, giảm béo,... Thậm chí, bã sở sau khi ép dầu vẫn được dùng để làm sạch đầm tôm, làm phân bón nông nghiệp chất lượng cao.

Mặc dù có giá trị lớn như vậy nhưng trong một thời gian dài, diện tích rừng sở ở Bình Liêu đã bị suy giảm mạnh. Đất rừng phần lớn nhường chỗ cho cây keo hay hồi, quế.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu cho biết: Hiện nay sau khi xác định được các giá trị của cây sở đem lại thì huyện Bình Liêu đã có những chính sách để khuyến khích khôi phục phát triển lại cây sở. Đặc biệt là từ năm 2014 huyện đã thực hiện dự án Khôi phục phát triển cây sở trên địa bàn huyện đến năm 2020 với quy hoạch diện tích trồng khoảng 1.700ha, trồng mới 1.500ha.

Hỗ trợ đến 70% giá cây giống, hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình xây dựng Nông thôn mới và chương trình 135, huyện Bình Liêu đã thu hút được sự vào cuộc của đồng bào. Rừng sở dần phủ xanh lại núi rừng, đến nay đã có tới hơn 400ha tập trung tại xã Đồng Tâm.

Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây sở, thu mua và tiêu thụ quả sở tại chỗ. Hiện giá bán dầu sở trên thị trường khá cao, khoảng 400.000 đồng/lít, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và phản hồi khá tích cực.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được một doanh nghiệp của Pháp tới nghiên cứu đầu tư. Công ty TNHH Nor - Feed tại Việt Nam đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy chế biến dầu sở và chiết xuất dược liệu từ thực vật tại Bình Liêu với công suất 30-50 nghìn tấn hạt sở/năm, vốn đầu tư 1,2 triệu USD. Để đáp ứng cho nhà máy, 3.000ha cây sở đang được tích cực triển khai. Dầu sở miền biên giới Quảng Ninh sẽ sang Pháp, thị trường châu Âu trong tương lai gần.

sx_dau_so
Hiện nay, Bình Liêu chỉ có 2 cơ sở sản xuất dầu sở, quy mô nhỏ. Ảnh: Báo VOV

Theo báo Dân Việt, dự án nhằm mục đích sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu thô tại Việt Nam như cây sở để chế biến ép hạt sở lấy dầu, đồng thời phát triển sản phẩm dựa trên việc nghiên cứu thảo dược và cây trồng sẵn có. Công suất đầu tư từ 30.000 - 50.000 tấn hạt sở/năm. Tổng mức đầu tư ước tính giai đoạn 1 của dự án khoảng 1,2 triệu USD, thời gian dự kiến đầu tư trong năm 2017 đến hết năm 2019, diện tích nghiên cứu khoảng 15ha.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nếu dự án được triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển du lịch, mở rộng phát triển ngành dược liệu trên địa tỉnh. Tỉnh rất ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến dầu sở và chiết xuất dược liệu từ thực vật tại huyện Bình Liêu.

Bên cạnh đó, Bình Liêu cũng tổ chức Hội hoa Sở từ năm 2015, vừa tôn vinh loại cây trồng bản địa, vừa kết hợp giao lưu văn hóa các dân tộc, giới thiệu các sản phẩm độc đáo của địa phương.

hội hoa sở
Hoa sở nở trắng rừng mỗi dịp tháng 12 là cơ sở để Bình Liêu tổ chức Hội hoa, thu hút hàng vạn khách du lịch. Ảnh: Báo VOV

Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: "Hội hoa Sở tạo ra một hiệu ứng rất cao cho việc phát triển du lịch, đem lại giá trị về thương mại dịch vụ cho Bình Liêu những năm vừa qua. Năm 2017, Bình Liêu đón 6 vạn du khách. Năm 2018 là Năm du lịch Quốc gia do Quảng Ninh đăng cai, tôi tin khách đến với Bình Liêu sẽ đông hơn".

Theo ước tính, có khoảng 1 vạn khách đến với Bình Liêu dịp Hội hoa sở 2017 vừa qua. Hội hoa Sở đang dần trở thành thương hiệu của Bình Liêu, một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách đến với vùng cao.

Cùng với những loại nông sản độc đáo khác, cây sở sẽ góp phần mở rộng vùng dược liệu trên địa bàn Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ đó nâng cao đời sống đồng bào nơi biên cương xa xôi.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu