17:21 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Ninh: Cần giải quyết thỏa đáng cho các hộ dân “mất trắng” đất tại xã Điền Công

10:02 15/08/2018

(THPL) - “Thu trắng” hàng trăm héc ta ruộng nhưng không thông báo, giải quyết quyền lợi của người dân; chậm trễ giải quyết khiến các hộ dân liên tục khiếu nại kéo dài hàng chục năm qua… là những vấn đề hết sức bất thường trong vụ việc các hộ dân tại xã Điền Công (TP Uông Bí, Quảng Ninh) bị lấy đất ruộng giao cho tổ hợp nuôi trồng thủy sản.

Dân bỗng dưng “mất trắng” hàng trăm héc ta ruộng

Theo nhiều hộ dân xã Điền Công (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), từ những năm 1989-1990, hàng trăm hộ dân đã tiến hành khai khoang đất để trồng cây, canh tác cấy lúa tại đượng Xuôi Tai, khu vực Hố bom, núi Chã, thác Vòi và khu vực phía Nam bờ ngăn thuộc đầm tôm số 2, thuộc huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí).

Những năm sau đó, các hộ dân trồng lúa được mùa, cải thiện điều kiện cuộc sống, thóc còn dư để bán ra thị trường, có năm còn đóng thuế cho xã 3kg/1 sào.

Ruộng Điền Công
Ruộng của người dân bị thu trắng, giao cho tổ hợp nuôi trồng thủy sản...để cấy lúa.

Đến năm 2006, người dân bất ngờ nhận được thông tin ông Vũ Ngọc Trai (trú tại xã Điền Công) được giao thầu ô đầm số 2 để nuôi trồng thủy sản. Sau đó, chủ đầm giữ nước to để thả cá, khiến cho các hộ dân đang cấy lúa bị cá ăn, cộng với nước to làm ngập úng chết hết lúa.

Các hộ dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương nhưng không được xem xét, giải quyết thấu đáo.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 14/10/2005, UBND huyện Yên Hưng đã ra Quyết định số 1906/QĐ-UB do Phó chủ tịch Đỗ Văn Nghi ký, về việc Thanh lý tài sản ô đầm số 2 đầm Điền Công, bao gồm toàn bộ tuyến đê bao phía đông dài 1.647,7 m: 1/2 đê ngăn giữa đầm 1 và đầm 2. 1/2 đê ngăn đầm 2 và đầm 3 đầm Điền Công cho ông Vũ Ngọc Trai (xã Điền Công), với giá gần 440 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 24/3/2006, Chủ tịch UBND huyện Yên Hưng Lê Xuân Tặng tiếp tục có Quyết định số 345/2006/QĐ/UBND về việc Cho tổ hợp ông Vũ Ngọc Trai thuê đất tại ô đầm NTTS (nuôi trồng thủy sản) vùng II – xã Điền Công để sử dụng vào mục đích NTTS, với diện tích 890 nghìn m2, thời hạn 20 năm.

Ruộng ngập
Nhiều khu vực bị chủ đầm tháo nước, gây ngập úng không thể canh tác.

Điều đáng nói, các văn bản trên không hề đề cập tới việc thu hồi đất của các hộ dân đang canh tác ổn định, không có tranh chấp tại khu vực này; cũng như các quyền lợi liên quan của người dân khi tiến hành giải phóng mặt bằng, giao đất cho tổ hợp nuôi trồng thủy sản.

Trao đổi với PV, nhiều hộ dân cho biết, trước khi tổ hợp ông Vũ Ngọc Trai được giao đất NTTS, các hộ dân không hề được chính quyền địa phương thông báo để họp bàn về phương án thu hồi và tiến hành các bước bồi thường giải phóng mặt bằng đất theo quy định của nhà nước.

“Để có được ruộng canh tác trồng cây, cấy lúa như vậy, chúng tôi phải vất vả, đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi, ròng rã nhiều tháng, nhiều năm trời ngâm mình trong nước đi chặt cây lậu, đào gốc sú… vậy mà họ đã lấy đi công sức của chúng tôi một cách trắng trợn”, một người dân bức xúc.

Chính quyền khẳng định “Có đất khai hoang của các hộ dân” nhưng vẫn không giải quyết?

Trao đổi với PV, bà Hà Thị Huyền, Bí thư đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Điền Công cho biết: “Vừa qua chính quyền xã đã đứng ra làm chung gian cùng chủ đầm để đối thoại trực tiếp, họp các hộ dân để trả lời, giải quyết. Cuộc họp diễn ra rất thỏa đáng, chủ đầm vẫn đồng ý cho các hộ dân được cấy lúa, nhưng các hộ dân vẫn có ý muốn chính quyền xã Điền Công đưa ra văn bản pháp lý để các hộ dân và nhà đầm bám vào văn bản để thực hiện”.

UB xã Điền Công
Hiện tại, UBND xã Điền Công đã xác định có phần đất khai hoang của các hộ dân tại khu vực đầm NTTS.

Theo Biên bản cuộc họp ngày 28/6/2018, bà Huyền khẳng định các hộ gia đình có ruộng khai hoang tại khu vực đầm tôm hiện ông Phạm Văn Giáp và ông Vũ Ngọc Trai thuê (ông Vũ Ngọc Trai Đã qua đời, chuyển lại cho ông Phạm Văn Giáp). UBND xã đề nghị chủ đầm tạo điều kiện điều tiết nước hợp lý, cho các hộ dân có thể canh tác cấy lúa, tăng thêm thu nhập.

Bà Huyền cho biết thêm, sự việc đã xảy ra hơn 11 năm rồi khi huyện Yên Hưng ban hành Quyết Định cho tổ hợp ông Vũ Ngọc Trai thuê đất tại ô đầm số 02, xã Điền Công để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích cho thuê sử dụng 890.000 m2.

“Thời điểm này, về nguyên tắc, huyện Yên Hưng phải mời các hộ dân có đất khai hoang để họp bàn giải quyết chế độ, quyền lợi cho các hộ dân”, bà Huyền thẳng thắn chia sẻ.

Để làm rõ sự việc, bà Huyền cũng đề nghị PV làm việc với ông Vũ Văn Đổng – Chủ tịch HĐND xã Điền Công (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Điền Công), do trước đây ông Đổng nhiều lần phụ trách giải quyết, kết luận đơn thư khiếu nại của người dân về vụ việc trên, tuy nhiên ông Đổng liên tục từ chối với lý do bận.

Theo một số văn bản người dân cung cấp, qua các lần kiểm tra, giải quyết kiến nghị của người dân, ông Vũ Văn Đổng và các lãnh đạo xã Điền Công đều kết luận không có phần đất khai hoang của các hộ dân tại khu vực đất giao cho tổ hợp nuôi trồng thủy sản của ông Vũ Ngọc Trai (?!)

Phòng nông nghiệp Yên Hưng
Phòng nông nghiệp Yên Hưng 2
Phòng NN&PTNT huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) xác nhận việc người dân xã Điền Công đã bỏ nhiều công sức khai hoang hàng trăm héc ta ruộng tại khu vực đầm NTTS.

Trước đó, ngày 27/4/ 2010, sau khi nhận được đơn thư kiến nghị của các hộ dân xã Điền Công yêu cầu giải quyết quyền lợi (thời điểm này xã Điền Công thuộc địa phận UBND thị xã Uông Bí), Phòng NN&PTNT huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) cũng đã có xác nhận bằng văn bản việc các hộ dân có khai hoang diện tích trong đầm nuôi trồng thủy sản tại xã Điền Công.

Cũng theo văn bản này, trước năm 1985, xã Điền Công chỉ cấy được 81 héc ta lúa, sản lượng bình quân đạt 140-150 tấn/ năm; đến năm 1995, diện tích cấy lúa đạt 147 héc ta (chủ yếu là do khai hoang, mở rộng diện tích trong khu vực đầm NTTS), sản lượng bình quân đạt 370 tấn; và đến năm 2005, diện tích cấy lúa đã tăng lên 212 héc ta.

Như vậy, một sự việc hết sức rõ ràng, được các cơ quan nắm bắt, báo cáo thường xuyên hằng năm nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Yên Hưng thời điểm đó lại nhắm mắt bỏ qua quyền lợi của người dân để “thu trắng” hàng trăm héc ta đất và giao cho người khác.

Thêm vào đó, các cấp chính quyền xã Điền Công và thị xã Uông Bí (nay là TP Uông Bí) cũng tiếp tục làm ngơ trước hàng trăm lá đơn kiến nghị của người dân, khiến sự việc hơn 10 năm qua vẫn không được giải quyết thỏa đáng, trả lại quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.

 Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu