05:53 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đắk Nông: “Thâm nhập” đại công trường khai thác gỗ quy mô lớn (kỳ 1)

08:28 25/10/2019

(THPL) - Từ những lời tố cáo của những người dân gửi cho tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật điện tử. Họ tố cáo sướt mướt về một cuộc phá rừng quy mô, công khai nhưng dường như cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đều “im lặng” một cách khó hiểu. Và cứ thế, đại ngàn vẫn từng giây, từng phút bị các đối tượng “xẻ thịt” tuồn ra khỏi rừng.

Đại ngàn “gầm thét”

Thời gian gần đây, tôi đã đi và thực hiện hàng loạt phóng sự điều tra về cuộc “xẻ thịt” đại ngàn trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Với những tác phẩm phóng sự điều tra đó, phần nào đã phơi bày được sự thật bên trong đại ngàn và không ít cán bộ có biểu hiện tiếp tay, làm ngơ để “lâm tặc” hạ sát đại ngàn đã được đưa ra ánh sáng.

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của một người dân, họ tố cáo hành vi “xẻ thịt” đại ngàn và có dấu hiệu cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng “tiếp tay”.

Một cây gỗ hàng trăm năm tuổi đã bị lâm tặc hạ sát (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Một cuộc gặp gỡ bí mật mà người tố cáo đã sắp đặt sẵn cho chúng tôi. Họ cho biết, thời gian này bắt đầu là mùa nắng nên cuộc tàn sát đại ngàn diễn ra công khai, rầm rộ hơn rất nhiều. Tuy nhiên do “bị động” nên việc vận chuyển gỗ từ rừng ra gặp nhiều khó khăn.

Theo lời hướng dẫn của người tố cáo, chúng tôi khăn gói quyết định lên rừng để phơi bày sự thật ra ánh sáng. Để vào được vị trí khai thác, chúng tôi phải đi qua rất nhiều nương khoai, rẫy cà phê nằm sát nách rừng. Biết tôi đang băn khoăn vì sao lại có rất nhiều nương rẫy của người dân nằm sát nách rừng, người dẫn đường cho biết, đây hầu hết là đất rừng do người dân lấn chiếm. Họ ngang nhiên đến mức, mặc cho chốt bảo vệ rừng nằm sát bên, nhưng hàng chục hecta rừng vẫn bị cưa hạ, đốt cháy trơ trụi, đen nhẻm.

Đại ngàn vẫn từng giây, từng phút “chảy máu” (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

 Từ đây chúng tôi men theo con đường lớn chạy lên cửa rừng. Sau một thời gian dài ngồi trên xe máy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cửa rừng. Dọc con đường chúng tôi tiếp cận địa điểm khai thác rừng trái phép, con đường đã bị vết bánh xe độ cày nát. Tuy nhiên, vì lo sợ bị các đối tượng “lâm tặc” trả thù nên người dân không dám ý kiến.

“Tội ác” khủng khiếp bên trong đại ngàn

Vừa tiếp cận ngay cửa rừng, chúng tôi bàng hoàng phát hiện hàng chục cây gỗ có đường kính lớn vừa bị “lâm tặc” hạ sát, lá cây vẫn còn rấy xanh, nhựa vẫn “ứa máu” như oán trách tội ác con người đã để lại bên trong đại ngàn. Ngay dưới gốc cây, cành ngọn nằm rạp xuống đất, toàn bộ phần thân đã được “lâm tặc” cưa thành khúc vận chuyển ra khỏi rừng. Theo bản đồ của chúng tôi, những cây gỗ này nằm trên địa phận thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) và do HTX Nông nghiệp DV-TM Hợp Tiến, có địa chỉ tại thôn 3A, xã Quảng Sơn quản lý.

Cuộc tàn sát đại ngàn cho thấy sự chuyên nghiệp của những tên “lâm tặc” (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Ghi nhận hiện trường khai thác gỗ quy mô lớn và rồi chúng tôi đưa mắt nhìn lên những cây cổ thụ được “lâm tặc” đánh dấu sơn nằm trơ trọi giữa bao la đại ngàn, chúng tôi đang suy nghĩ không biết khi nào những số phận này sẽ bị những tên “lâm tặc” “khai tử”.

Đi tiếp, chúng tôi phát hiện thêm rất nhiều cây gỗ có đường kính lớn cũng bị “lâm tặc” hạ sát nằm rạp dưới đất, lá vẫn còn xanh rì. Hầu hết các cây gỗ vừa mới bị khai thác cách đây vài ngày và một phần thân gỗ đã bị đưa ra khỏi rừng. Tại các gốc cây, những lát cắt rất ngọt của cưa máy cho thấy sự ra tay rất chuyên nghiệp của những tên “lâm tặc”.

Lần theo con đường mòn do bánh xe độ chế để lại, chúng tôi bàng hoàng phát hiện một điểm khai thác gỗ có diện tích trên 1 hecta, hàng năm cây gỗ lớn nhỏ đều bị “lâm tặc” triệt hạ ngổn ngang. Tại hiện trường, lá cây vẫn còn rất xanh, nhựa cây vẫn đang chảy. Theo người dẫn đường cho hay, hiện trường phá rừng này vừa diễn ra cách đây 2 ngày. Theo ghi nhận, từ hiện trường phá rừng này đến chốt quản lý bảo vệ rừng chỉ cách khoảng 1km, nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng lại không hề hay biết.

Tiếp tục mở rộng hiện trường, chúng tôi phát hiện thêm nhiều cây gỗ có đường kính trên 60cm cũng vừa mới bị “lâm tặc” triệt hạ, toàn bộ tang vật vẫn còn nằm tại hiện trường.

Ai đã “bảo kê” cho lâm tặc hạ sát đại ngàn? (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Sau khi có trong tay những hình ảnh, thước phim về cuộc tàn sát đại ngàn tàn khốc, Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật điện tử đã tìm đến Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glong. Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Bá Đường- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đăk Glong, cho biết: “Dân nó phá đấy! Nhà nó ở bên dưới nó phá đấy. Phải chịu đấy. Nó bây giờ đi phá, đằng sau toàn những người "vẽ đường cho hươu chạy". 

Vị Hạt trưởng này, khẳng định: "Nếu xác định mà thiệt hại lớn về lâm sản, diện tích rừng thì người ta chuyển cho cơ quan điều tra. Còn trách nhiệm để xảy ra phá rừng sẽ thuộc về chủ rừng đầu tiên, sau đó trách nhiệm là UBND xã và kiểm lâm".

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong phóng sự điều tra, tiếp theo: Những hình ảnh "sống" về cuộc tàn sát đại ngàn (Kỳ 2)

Hàn Hưng- Nguyễn Quân- Trần Nhật

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu