21:25 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phải nghiêm túc thực hiện quy định sử dụng sữa tươi trong học đường

10:28 28/12/2016

(THPL) - Đó là nhận định của ông Tống Xuân Chinh- Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) và nhiều chuyên gia dinh dưỡng khi nói về Chương trình Sữa học đường Quốc gia vừa được khởi động.

Cần có nhãn hiệu riêng cho sữa học đường

Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đến năm 2020” vừa được ban hành nhưng đã ngay lập tức đi vào cuộc sống với việc “xắn tay” vào cuộc của một số doanh nghiệp ngành sữa.

Ngay giải pháp đầu tiên của Quyết định 1340/QĐ-TTg đã nhấn mạnh về quy định sản phẩm phục vụ Chương trình sữa học đường là sữa tươi. Tuy nhiên, tại một vài tỉnh thành vẫn sử dụng sản phẩm sữa bột pha lại, đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ như Bà Rịa Vũng Tàu, TP Đà Nẵng.

Ảnh trẻ em uống sữa tươi học đường tại Nghệ An. Ảnh: Xuân Thanh

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi nhấn mạnh đây chính là điểm khó khăn khi triển khai Chương trình Sữa học đường bởi thiếu sự giám sát, tuân thủ. Cục đã nhiều lần đề xuất  xây dựng tiêu chuẩn sữa cho Chương trình học đường quốc gia với những tiêu chí rất cụ thể như: phải sử dụng 100% sữa bò tươi nguyên liệu, quy định rõ có đường hay không đường, nếu có đường thì phải quy định rõ lượng đường là mấy % để có lợi cho sức khỏe trẻ em; có bổ sung vi chất thiết yếu cho học sinh hay không?

Tiêu chuẩn này cũng phải quy định định mức uống bao nhiêu ml/học sinh/ngày, bao nhiêu ngày trên năm.

Đặc biệt, để các doanh nghiệp tuân thủ thì cũng phải có quy định nhãn hiệu sữa học đường ra sao để phân biệt với sữa thông thường cùng loại. Đồng thời cần có quy định trong văn bản luật về uống sữa học đường là khẩu phần ăn bắt buộc trong bữa trưa hoặc giữa giờ tại các trường nội trú và bán trú; đồng thời cấm bán các sản phẩm nước uống có ga trong trường học.

Theo ông Chinh, Cục cũng sẽ sớm trình Bộ NNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu làm cơ sở để giám sát chất lượng đầu vào của sữa học đường và khuyến kích sản xuất, thu mua sữa tươi nguyên liệu theo hợp đồng để sản xuất Sữa học đường.

“Nếu có sự tuân thủ thì đây sẽ là động lực khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước nhằm đảm bảo đủ số lượng và chất lượng sữa tươi nguyên liệu để cung cấp cho Chương trình sữa học đường, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân và giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ nước ngoài”- ông Chinh nhấn mạnh.

Một điểm quan trọng nữa mà ông Chinh đề cập, đó là cần phải thực hiện điều tra cơ bản tiền Chương trình để xây dựng đường cơ bản giám sát các mục tiêu và chỉ số của chương trình; xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ công cụ giám sát và đánh giá về Chương trình, sản phẩm sữa sử dụng trong Chương trình, sử dụng phân mềm tích hợp trong web và điện thoại thông minh để giám sát cộng đồng và xây dựng các trang web sữa học đường của quốc gia và từng tỉnh/thành

Vì một ly sữa học đường tốt nhất cho trẻ

Kết quả Tổng kết dinh dưỡng toàn cầu năm 2014 cho thấy, Việt Nam là 1 trong 78 nước đang chịu gánh nặng của tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất, trong đó có tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi với tỉ lệ 25,9%. Tới cuối năm 2015, số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy tỷ lệ trẻ thấp còi mới giảm được hơn 1%, ở mức 24,6%.

Ảnh trẻ em uống sữa tươi học đường tại Nghệ An. Ảnh: Xuân Thanh

Thiếu vi chất là điều đầu tiên được đề cập đến. Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A ở mức độ nặng với tỉ lệ 37,5% ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều tra toàn quốc gần đây ở trẻ dưới 5 tuổi cho thấy 24% bị thiếu máu, 41,5% bị thiếu kẽm (kẽm lại rất cần cho quá trình tăng trưởng, giúp hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp). 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trong giai đoạn từ 0-5 tuổi, chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ thiếu quá nhiều vi chất, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, còi xương… Đây là các “gánh nặng” ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, khiến trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. 

Tới giai đoạn tiểu học, trẻ cũng không được tiếp cận dinh dưỡng hợp lý, trong đó có sữa học đường. Không ít trường cho trẻ em uống sữa nhưng là sữa bột, thậm chí là sữa gầy (là loại sữa cấm sử dụng trong Chương trình sữa học đường ở nhiều nước, đặc biệt là Châu Âu). Vì vậy, có nghịch lý là trẻ em có uống sữa nhưng uống sữa kém chất lượng hoặc sữa không phù hợp dẫn tới vẫn thấp còi.

Vì thế, theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, điều quan trọng là trẻ phải được uống ly sữa chất lượng và phù hợp. Hiện nay, nhằm tận dụng ưu thế về bảo quản của sữa bột so với sữa tươi - do sữa bột ở dạng bột khô, có thể được bổ sung một số phụ gia thực phẩm (như chất chống vón) và có hạn sử dụng dài, nhiều sản phẩm sữa đã được chế biến từ sữa bột và được phân phối trên thị trường như sữa hoàn nguyên, sữa pha lại... Mặc dù vậy, sữa tươi vẫn được ưu tiên hàng đầu trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Sữa bột do xử lý nhiệt nhiều lần để tạo thành dạng bột nên hương vị không còn được thơm ngon vẹn nguyên như sữa tươi cũng như lượng vi chất dinh dưỡng bị hao hụt đáng kể. Đây cũng là lý do sữa tươi luôn được ưu tiên sử dụng trong các Chương trình Sữa học đường quốc gia tại nhiều nước trên thế giới, đảm bảo cung cấp lượng dưỡng chất nguyên vẹn từ thiên nhiên cho lứa tuổi vàng.

Xuân Thanh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu