19:54 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ô nhiễm môi trường do tái chế nhựa ở Thanh Hóa chưa được xử lý dứt điểm

10:55 05/05/2017

(THPL) - Sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh như hiện nay kéo theo việc các phế thải như: nhựa bao bì, ni lông thải ra ngày càng nhiều. Để tận dụng phế liệu, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường thu gom rác ở các xã, huyện về tái chế lại thành nguyên liệu thô rồi đem đi tiêu thụ. Hoạt động này đem lại việc làm cho hàng trăm lao động và nguồn thu đáng kể cho cá nhân, doanh nghiệp nhưng lại gây ô nhiễm môi trường sống, đất, nước, không khí ở nơi đặt các cơ sở tái chế.

PV Thương hiệu và Pháp luật đã xuống tận các cơ sở tái chế nhựa, bao bì để tìm hiểu vấn đề. Tại xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, theo tìm hiểu, PV được biết, hơn 2 năm nay người dân thôn Thái Yên quá quen với mùi hôi khét bốc lên từ cơ sở sản xuất bao bì có diện tích vỏn vẹn hơn 2.000m2.

Điều mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là bầu không khí, nước bị ô nhiễm nặng nề, hàng trăm tấn ni lông, nhựa nằm ngổn ngang ngoài đường dưới chân đường điện. Mùi khét, mùi xú uế bốc lên, khói từ cơ sở tái chế thải ra, tiếng máy nghiền nhựa kêu inh tai, nhức óc.

Biên bản đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế của ông Nguyễn Đình Bình, thôn 7, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.

Qua tìm hiểu, cơ sở tái chế nhựa do ông Lê Thúc Lan làm chủ hiện chưa đảm bảo một số thủ tục hồ sơ, pháp lý về bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải còn thô sơ, các công đoạn từ rửa, làm sạch nhựa đến quá trình xay nghiền không qua một quy trình lọc, lắng được đổ trực tiếp ra cống, chảy xuống ao hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, mùi các loại nhựa thải ra ảnh hưởng đến bầu không khí…

Ban đầu, cơ sở hoạt động dệt, sau đó chuyển sang nấu, tái chế nhựa phế phẩm với lượng xả thải trung bình 10 khối/ngày. Đi sâu vào cơ sở, hàng loạt máy khử, ống khử mùi chưa được lắp đặt, mùi hôi từ nước, phế thải quện đặc tỏa ra khắp nơi.

Dù bị các cơ quan chức năng đình chỉ, tuy nhiên đến nay cơ sở sản xuất tái chế nhựa của ông Lê Thúc Lan vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp những quy định của pháp luật.

Ông Lê Bá Thành, Chủ tịch xã Thái Hòa cho biết: “Cơ sở tái chế nhựa của ông Lê Thúc Lan hoạt động đã hơn 2 năm nay, do diện tích cơ sở bàn giao cho mỏ Cổ Định mấy năm nay nên quá trình hoạt động, xả thải của đơn vị này chúng tôi không nắm được.”

Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Để làm rõ vấn đề, PV có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn. Bà Xuân cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh tình hình ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất bao bì tại thôn Thái Yên, phòng phối hợp cơ quan chức năng xuống kiểm tra, nắm bắt quy trình xả thải của đơn vị, đồng thời tiến hành lập biên bản, dừng hoạt động của cơ sở. Còn việc cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý triệt để”.

Còn tại thôn 7 xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, cơ sở sản xuất nhựa do ông Nguyễn Đình Bình làm chủ vẫn chưa hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Theo tìm hiểu, cơ sở có diện tích trên 3.000m2, trung bình xả thải 150-200 khối/tháng, công suất tái chế 4-5 tạ nguyên liệu/ngày.

Nước thải chưa xử lý đổ trực tiếp ra con kênh liên xã N19B chạy qua 3 xã Hoằng Ngọc, Hoằng Yến, Hoằng Tiến của huyện Hoằng Hóa

Theo quan sát, nhựa phế thải của cơ sở thu gom từ khắp nơi, đa dạng về chủng loại như bao bì, ni lông, dụng cụ điện tử, dây điện… được để trong nhà, ngoài sân. Điều đáng nói, tại đây không có hệ thống xử lý nước thải, bể lọc, chứa. Nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra con kênh N19B chạy dọc ba xã của huyện Hoằng Hóa là Hoằng Ngọc, Hoằng Yến, Hoằng Tiến. Con kênh này phục vụ cho tưới nước sản xuất và nuôi trồng thủy sản của người dân.

Nhiều hộ dân sống tại đây không khỏi bức xúc trước mùi khét, hắc từ việc giặt bao bì, nấu nhựa của công nhân lẫn những núi chất thải, nước thải đổ tràn lan ra môi trường.

Trao đổi với ông Bùi Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã, PV được biết: "Vừa qua, địa phương cũng đã lập biên bản đình chỉ cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế Đình Bình về bể chứa nước thải của cơ sở không đảm bảo, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Xã yêu cầu chủ cơ sở dừng sản xuất để tu sửa, hoàn thiện bể xử lý nước thải theo đúng yêu cầu."

Ni lông, bao bì tập kết ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường điện và ô nhiễm tại khu vực thôn Thái Yên, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn

Hoạt động thu gom góp phần làm sạch môi trường, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp  trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Triệu Sơn và các huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, các cơ sở này đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương.

Trong thời gian tới, mong rằng các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quan tâm nhiều hơn nữa, xử lý nghiêm các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường và di dời các cơ sở tái chế ra xa khu dân cư để đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu