00:21 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nữ nghệ nhân đam mê sáng tạo với sản phẩm mây tre đan Phú Vinh

06:00 15/08/2017

(THPL) - Cái hồn nghề mây tre đan truyền thống hàng trăm năm của làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) dường như sống lại qua cách tìm tòi, sáng tạo mới mẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Hân.

Về thăm làng nghề Phú Vinh, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng trăm mẫu tác phẩm độc đáo do chính tay các nghệ nhân trong làng chế tác. Với nụ cười luôn nở trên môi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân (SN 1981) tiếp chúng tôi trong xưởng sản xuất nhỏ mát mẻ, ngăn nắp với đa dạng các mẫu sản phẩm mây tre mới.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị không ngừng giới thiệu về các sản phẩm đã hoàn thành, sản phẩm đang làm dở và cả những ý tưởng đang hình thành….

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân. 

Là một người gắn bó với nghề mây tre đan mấy chục năm nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân luôn tâm huyết và say nghề. Bằng đôi bàn tay khéo léo, chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mang tính thẩm mỹ cao. Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, năm 2011, chị Nguyễn Thị Hân đã được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân.

Cho đến nay, các sản phẩm do chị làm ra đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhiều sản phẩm mây tre đan của chị cũng đã được vinh danh trong những cuộc thi hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tổ chức thường niên.

Chị Nguyễn Thị Hân đã được tặng rất nhiều danh hiệu, bằng khen qua các cuộc thi.

Sinh ra và lớn lên trong không khí đan lát của làng nghề truyền thống, nghề như một niềm đam mê, thôi thúc chị luôn cố gắng từng ngày. Chị Nguyễn Thị Hân tâm sự: “Gắn bó với nghề từ khi còn bé, yêu nghề là vậy, thế nhưng ngày nào tôi cũng có những trăn trở và sợ làng nghề truyền thống sẽ dần bị lãng quên". 

“Đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại nên tôi luôn cố gắng để làm sao có thể gìn giữ và phát huy được tốt nhất nghề mây tre đan này, mong muốn lớn nhất của tôi là các thế hệ mai sau cũng sẽ lưu giữ và bảo tồn được nghề truyền thống của cha ông để lại”, chị Hân cho biết thêm.

Với những nghệ nhân nơi đây, mỗi một mẫu sản phẩm là một đứa con tinh thần của họ, không chỉ riêng chị Hân, ngay đến cả chồng và con chị cũng làm nghề. Nên vợ nên chồng có lẽ chính là do cái duyên, cùng niềm đam mê, sở thích tạo nên những sản phẩm riêng, độc đáo.

Anh Hoàng Văn Hạnh (SN 1967) - chồng chị cũng là một nghệ nhân mây tre đan với những thành tích đáng nể. Với tay nghề điêu luyện, hầu hết các ý tưởng đều được anh chị hiện thực hóa thành những sản phẩm mây tre đan độc đáo.

Cơ sở sản xuất của chị Hân có 15 thành viên, đều là người trong thôn.

Hiện cơ sở sản xuất của chị Hân có 15 thành viên, đều là người trong thôn, người già cao tuổi không đi lao động ngoài trời được, thành viên nhỏ nhất là 12 tuổi. Còn có cả hàng trăm người khác, ngoài việc làm nông còn tranh thủ tham gia buổi tối cộng tác làm trực tiếp ở nhà. Như vậy, cơ sở của chị Hân giải quyết được việc làm cho nhiều người dân lúc nông nhàn, việc làm cho phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và thậm chí việc làm mây tre đan còn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Nhờ đó, cuộc sống của người dân làng nghề Phú Vinh tương đối khá giả, thu nhập bình quân hơn 3 triệu/người/tháng.

Bác Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1962) - làm ở xưởng cho biết: “Nghề này duy trì ở đây lâu đời rồi, hầu hết nhà nào cũng có người gắn bó với nghề. Theo thời gian, làng nghề cũng có những đổi thay, tìm được hướng đi mới để nâng tầm giá trị truyền thống của cha ông, nghề này không phải học, sinh ra biết cầm, biết nắm sẽ làm được". 

Bác Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1962) làm ở xưởng từ khi còn bé.

“Đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, cũng như có rất nhiều khó khăn cho sự tồn tại của làng nghề mây tre đan, nhưng với những chính sách và chủ trương giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương thì làng nghề mây tre đan vẫn đang từng ngày được bảo tồn và phát triển”, bác Nguyệt cho biết thêm.

Để sản xuất các sản phẩm mây tre đan, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều bước: từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu đến chế tác sản phẩm. Có thể khẳng định rằng, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật mây tre đan.

Nét tài hoa trong những món đồ lưu niệm đẹp mắt như: khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung và cả những sản phẩm nội thất.

Từ những vật dụng hàng ngày như: khay, đĩa, rổ, rá..., người dân nơi đây còn thể hiện nét tài hoa trong những món đồ lưu niệm đẹp mắt như: khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung và cả những sản phẩm nội thất cho những ai yêu thích sự độc đáo như: bàn ghế, bình hoa, đèn ngủ...

Tạm biệt cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Hân, chúng tôi tin tưởng ở một thế hệ đầy nhiệt huyết, về một tương lai làng nghề sẽ khởi sắc. Cùng với truyền thống lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, hi vọng người dân thôn Phú Vinh sẽ tiếp tục có thêm những sáng tạo, hướng đi mới để giữ gìn những giá trị tinh hoa văn hóa làng nghề mây tre đan truyền thống mà bao thế hệ cha ông đã gây dựng.

Diệu Huyền – Hoà Bình

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu